Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nghệ An |
Thời gian qua, để triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, Luật Trồng trọt năm 2018, Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định quy định các nội dung liên quan tới việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân trồng lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy một số nội dung quy định đã phát sinh những bất cập không còn phù hợp với thực tiễn, cần được xem xét sửa đổi, bổ sung quy định như: Việc bóc tách và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất trồng lúa được chuyển đổi sang mục đích phi nông nghiệp chưa quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục thẩm định, chấp thuận Phương án sử dụng tầng đất mặt, do đó chưa có đủ căn cứ pháp lý để thẩm định, kiểm tra, giám sát việc bóc tách, sử dụng tầng đất mặt hiệu quả. Nội dung, mức hỗ trợ địa phương sản xuất lúa được quy định cách đây 10 năm nên cần nâng mức hỗ trợ để hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân trồng lúa nhằm đảm bảo bù đắp lạm phát trung bình 5%/năm trong thời gian qua...
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa được xây dựng nhằm hoàn thiện quy định pháp lý liên quan đến Luật Đất đai năm 2024 và Luật Trồng trọt năm 2018. Dự thảo được chia thành 04 Chương, 18 Điều và các phụ lục, cụ thể: Chương I - Quy định chung; Chương II - Quản lý, sử dụng đất trồng lúa; Chương III - Quy định về chính sách hỗ trợ, bảo vệ đất trồng lúa; Chương IV - Điều khoản thi hành. Dự thảo Nghị định tập trung quy định chủ yếu về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; bóc tách và sử dụng tầng đất mặt; trình tự về nộp tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho địa phương có diện tích đất trồng lúa và sử dụng kinh phí hỗ trợ trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành đang triển khai thực hiện và đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Đối với nội dung quy định mới về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phân cấp cho UBND cấp huyện sử dụng các cơ quan chuyên môn trực tiếp để tổ chức thực hiện…
Dự thảo Nghị định có điều chỉnh tăng 50% mức hỗ trợ cho địa phương sản xuất lúa từ 1.000.000 đồng lên 1.500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa; từ 500.000 đồng lên 750.000 đồng/ha/năm đối với đất trồng lúa còn lại, đảm bảo bù vào trượt giá bình quân 5%/năm trong 10 năm thực hiện chính sách này (kể từ thời điểm Nghị định số 35/2015/NĐ-CP có hiệu lực) do đó không tác động nhiều đến chi ngân sách nhà nước...
Tại hội nghị, các Bộ, ngành, địa phương đã góp ý vào các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị định.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Nghị định. Trong đó, Bộ NN&PTNT tham vấn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các cơ chế, chính sách để nâng cao năng suất đối với diện tích đất trồng lúa; xây dựng quy hoạch các vùng trồng lúa chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực; xây dựng các công trình nông nghiệp phục vụ du lịch…
Tác giả: PT
Nguồn tin: nghean.gov.vn