Trong nước

Gộp Tết cũng chẳng giúp được người Việt thay đổi nếu…

Bản chất của vấn đề làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh không nằm trong chuyện chuyển đổi lịch thuần túy.

Kỳ 1: Nước Nhật giàu mạnh đâu bởi bỏ lịch Âm, ăn Tết Tây

LTS:Trong kỳ 1 của bài viết, tác giả đã phân tích xung quanh chuyện bỏ lịch Âm, dùng lịch Dương, ăn Tết Dương lịch của người Nhật. Trên cơ sở đó, tại bài viết này, tác giả đã tập trung bàn về “Tết Âm, Tết Dương” tại Việt Nam.

Nếu gộp Tết Âm vào Tết Dương...

Việc quyết định gộp Tết Âm vào Tết Dương thực ra xét về mặt kĩ thuật rất đơn giản. Có khi chỉ cần một quyết định ở cấp quốc gia là xong. Nhưng nếu như biện pháp kĩ thuật đó được thực hiện mà cảm thức về thời gian, hay nói đúng hơn là các nền tảng để tạo ra cảm thức thời gian của người Việt không thay đổi, thì sẽ xảy ra nhiều hệ quả xấu.

Hệ quả dễ đoán nhất là người dân sẽ đón chào và “ăn” cả Tết âm lịch và Dương lịch. Điều này đã được chứng minh bằng thực tế. Ở Nhật việc chuyển sang dùng lịch Dương được thực thi trên toàn quốc từ năm 1873 nhưng người dân ở vùng nông thôn vẫn đón cả Tết âm lịch suốt từ đó cho đến tận những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Lý do nằm ở chỗ, cái Tết theo lịch cũ đã định hình khá chắc trong sinh hoạt của người dân ở vùng nông thôn, nơi sinh hoạt và sản xuất theo mùa. Tết theo lịch cũ là thời kì nông nhàn của người nông dân, nó gắn với các nghi thức cầu mùa và tạ ơn thần thánh đã cho vụ mùa bội thu.

Đến những năm 60 của thế kỉ XX, việc đón Tết cũ ở Nhật mới hầu như biến mất ở vùng nông thôn vì khi đó nền kinh tế Nhật phát triển “thần kì”, nông thôn biến thành thành phố, lực lượng lao động trẻ ra thành phố làm việc trong các công sở, nhà máy hiện đại và không thể trở về nông thôn đón Tết cũ cùng cha mẹ nữa.


Gộp Tết hay không không phải bản chất vấn đề... Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Ở Việt Nam, nếu thực hiện đổi lịch đón Tết thuần túy về mặt kĩ thuật, không khó để hình dung rằng người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn sẽ hoan hỉ ăn luôn cả hai cái Tết. Mà người Việt đã đón Tết thì phải hoành tráng. Cho dù cả năm nghèo khó thì 3 ngày Tết cũng phải rượu thịt ê hề nó mới... có không khí Tết.

Và cũng rất có thể dù Tết đã chuyển sang Tết dương nhưng các lễ hội, vốn gắn bó với sản xuất nông nghiệp và nghi lễ cầu mùa sẽ vẫn diễn ra như thường. Kết cục, thay vì gộp Tết để tăng năng suất lao động và giảm thời gian rong chơi, người Việt sẽ chơi… luôn vài tháng.

Lao động ở nông thôn Việt Nam đang đổ ra thành phố ngày một nhiều nhưng trong đó lao động tự do và lao động thời vụ vẫn chiếm tỉ lệ lớn. Họ là người vẫn có tâm thức gắn bó với quê hương chặt chẽ và sẵn sàng trở về quê hương đón Tết cho dù đó là Tết Âm lịch hay Dương lịch.

Người Việt phải cảm thấy mình đang dần bị bỏ lại…

Bản chất của vấn đề làm cho đất nước giàu mạnh, văn minh không nằm trong chuyện chuyển đổi lịch thuần túy. Nó nằm ở chỗ người Việt chúng ta phải làm gì để tận dụng cho được các yếu tố khách quan và phát huy tối đa nội lực mình có. Ở phạm vi hẹp hơn, muốn đổi lịch đón Tết thành công thì phải chuyển đổi được cảm thức về thời gian của người Việt.

Người Việt phải cảm thấy thời gian hối hả chảy trôi không ngừng và là thứ “quà” đầy quý giá nhưng hữu hạn. Người Việt phải cảm thấy mình đang dần bị bỏ lại phía sau trong khi các cộng đồng khác đang tiến lên với tốc độ ngày một lớn. Người Việt phải cảm nhận được độ dài ngắn của một tiếng, một ngày, một năm giống như người Nhật, người Mĩ, người Israel.

Khi đó, chuyện ăn Tết Âm lịch hay Dương lịch sẽ không còn là vấn đề gì quan trọng. Và nếu cần chuyển đổi, trong trường hợp đó, sự chuyển đổi sẽ rất nhẹ nhàng giống như một biện pháp kĩ thuật thuần túy. Muốn thế, người Việt phải nỗ lực không ngừng để tạo ra nền tảng thay đổi cảm thức thời gian trong quản trị xã hội, phát triển kinh tế và sinh hoạt thường ngày. Trong nền tảng ấy, dân chủ hóa, hợp lý hóa, tối ưu hóa, quy chuẩn hóa và hệ thống hóa trở thành yêu cầu tất yếu.

Tác giả bài viết: Nguyễn Quốc Vương

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP