Trong khi toàn thế giới đang đấu tranh chống lại việc bạo hành và quấy rồi tình dục, hầu hết phụ nữ Hàn Quốc vẫn chọn cách im lặng khi bị xâm hại. Một chiến dịch mang tên “Get Real” đã được khởi xướng với mục đích truyền cảm hứng và tự tin để nạn nhân nói lên sự thật.
Xã hội Hàn Quốc đang phải đối mặt với tệ nạn mới vô cùng nhức nhối, đó là việc phụ nữ bị tấn công, xâm hại tình dục, bị bạo lực trong khi hẹn hò và nạn “trả thù tình”.
Cách những người phụ nữ kia bị bạn trai ngược đãi đang là câu hỏi được đặt ra cho chính phủ lẫn người dân xứ Kim Chi. Dưới đây là một vài nạn nhân mà cuộc sống của họ đã trở thành địa ngục kể từ khi những vụ việc trên xảy ra.
Soo-Jin, một cô gái tài giỏi, nhận được công việc mơ ước ở công ty thiết kế nội thất lớn nhất Hàn Quốc trước khi tốt nghiệp đại học, xác nhận bị hãm hiếp bởi người giám sát của chính mình ngay khi cô nhận việc sau 1 tháng đào tạo.
Nạn nhân Momo lại bị bạo hành ngay trong chính ngôi nhà của mình, bởi chính bạn trai của cô. Hai người bắt đầu bất đồng quan điểm sau 2 năm sống chung với nhau. Anh ta ngày càng xem thường và gọi cô là đô vô dụng và cuối cùng là đánh đập cô.
Nana cũng là một nạn nhân của sự ngược đãi trong mối quan hệ tình cảm. Cô đã lầm tưởng rằng cuộc đời mình sẽ bước sang một trang mới khi chia tay với người yêu. Nhưng sự thật rằng ác mộng của cô mới chỉ bắt đầu khi người yêu cô tung đoạn phim “ân ái” của hai người lên mạng.
Một cuộc khảo sát của tổ chức Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc được thành lập năm 2016 cho thấy cứ 8 trong 10 người đã trải qua việc bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc và hầu hết họ chọn cách im lặng vì nghĩ rằng vấn đề của họ sẽ không được giải quyết.
Tuy nhiên vào năm ngoái, khi nhà sản xuất lớn nhất Hollywood Harvey Weinstein bị cáo buộc hàng loạt tội danh liên quan đến quấy rối tình dục ở phụ nữ, cùng với phong trào #MeToo lan rộng toàn cầu, đã khiến phụ nữ Hàn Quốc có can đảm để lên tiếng.
Một xã hội gia trưởng
Hàn Quốc vẫn là nơi bị ảnh hưởng lớn bởi Nho giáo. Trong 500 năm qua, một hệ thống phân cấp đã tồn tại dựa trên tuổi tác và giới tính. Nam giới vẫn tiếp tục nắm giữ các vị trí quyền lực.
Bà Jung Myung Shin, cố vấn trưởng của Trung tâm Sunflower Centre, đưa ra ví dụ trong chuyên mục điều tra của Get Real: “Trong công việc, nếu sếp yêu cầu phải tham gia bữa tiệc nhóm, rất nhiều nhân viên nữ không dám từ chối…”.
Trường hợp của nạn nhân Soo-Jin là một ví dụ điển hình.
(Ảnh: CNA) |
Vào tối ngày tổ chức buổi lễ chúc mừng, cô được nhận công việc ở công ty sản xuất đồ gỗ Henssem, giám sát viên đào tạo đã gọi điện mời cô đi uống.
Theo phép lịch sự, cô đã đồng ý. Hắn ta đưa cô đến nhà nghỉ và bắt cô uống tiếp. Sau đó hắn đã xâm hại cô mặc cho cô cố gắng chống trả. Cô kể lại rằng cô đã bị hãm hiếp hai lần trong đêm hôm đó.
Sự im lặng chết người
Năm 2012, có khoảng 249 trường hợp bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Năm ngoái con số này đã cao hơn gấp 8 lần. Nhưng chỉ 9 nghi phạm bị truy tố trước khi câu chuyện của nạn nhân Soo-Jin lan truyền vào tháng 11.
Trong nhiều năm qua, sự im lặng và thờ ơ đã biến thành một bức tường vô hình bảo vệ những kẻ đồi bại này. Soo-Jin cũng gặp phải trường hợp tương tự khi cô báo cáo lên bộ phận pháp chế của công ty về hành vi của người giám sát viên. Vụ việc của cô thay vào đó lại được giải quyết bởi phòng nhân sự.
Họ cho cô 2 lựa chọn: Thừa nhận không bị ép buộc, cô giữ được công việc và chỉ bị cảnh cáo hoặc tiếp tục tố cáo việc hãm hiếp, cô sẽ bị sa thải.
Cuối cùng, cô đã bỏ lời cáo buộc của mình. Ngay sau đó công ty đã cắt giảm 10% tiền lương của cô trong vòng 6 tháng và yêu cầu bồi thường vì cáo buộc sai.
Soo-Jin đã xin nghỉ phép sau một tin đồn rộ lên ở công ty rằng cô lôi kéo đàn ông vì tiền. Quá tuyệt vọng, cô đã chia sẻ ẩn danh câu chuyện của cô lên mạng.
Giới truyền thông Hàn Quốc đã nhanh chóng bắt được thông tin này. Chỉ trong vài tuần, Bộ Lao động tiến hành một cuộc điều tra và phát hiện ra rằng công ty Hanssem đã không tổ chức khoá học nâng cao nhận thức về việc quấy rối tình dục hàng năm theo luật pháp.
Công ty này thậm chí không điều tra bốn vụ quấy rối trong khoảng năm 2014-2016. Với tất cả những vi phạm đó, công ty chỉ bị phạt 6 triệu Won.
Luật sư của Soo-Jin, ông Kim Sang-Gyun nêu lên quan điểm của mình: “Nếu những vụ án liên quan đến hành vi xâm phạm tình được công khai, người phụ nữ trong cuộc sẽ bị tổn thương nặng hơn.
Đó là tình cảnh chung ở xã hội Hàn Quốc. Những vấn đề này có thể khiến họ tuyệt vọng nhưng họ không nên xấu hổ vì nó”.
Bạo lực hẹn hò
Sẽ như thế nào nếu bạn bị bạo hành bởi chính người mình yêu?
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái bởi Viện Tội phạm học Hàn Quốc cho thấy cứ 8 trong 10 người đàn ông thừa nhận việc bạo hành bạn gái của họ.
The Korea Women’s Hotline là tổ chức phi chính phủ đầu tiên nhận ra thực trạng này, khi cứ 4 trong số 10 người gọi điện báo cáo về hành vi bạo lực hẹn hò.
Sống trong lo sợ
Mối nguy hiểm lớn nhất với những người phụ nữ Hàn hiện nay là bị bạn trai “trả thù tình” bằng cách tung clip sex lên mạng, đi kèm với đó là nạn thị dâm.
Khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển trong xã hội Hàn Quốc, thì những tệ nạn này càng phổ biến hơn. Điển hình là vào năm 2016, hơn 7.000 cô gái Hàn phát hiện ra clip phòng the của mình bị phát tán trên những trang mạng đen và con số này đã tăng gấp 7 lần trong 4 năm qua.
Nana (20 tuổi) - nạn nhân của vụ tung clip sex lên mạng - kể lại khi cô nhận được cú điện thoại của một người bạn nói rằng hình ảnh của cô được sử dụng để quảng cáo cho một trang web người lớn, cuộc sống của cô đã biến thành địa ngục.
Cô nói: “Lúc đó tâm trí tôi trống rỗng. Tôi nghĩ điều này không phải là sự thật”.
Nana chỉ biết tin tưởng vào bạn trai khi đồng ý quan hệ trước máy quay. Cô kể lại: “Ban đầu, tôi nghĩ anh ta chỉ đùa thôi. Nhưng thái độ của anh ta đã thay đổi hoàn toàn. Anh ta nói rằng nếu tôi ra ngoài lúc này, anh ta chắc chắn sẽ làm tôi tổn thương. Tôi biết rằng tôi cũng không đủ dũng khí để bước chân ra ngoài”.
Mặc dù Nana đã chia tay với bạn trai một tháng trước nhưng rắc rối kia lại đeo bám cô suốt đời. Cô tự nghỉ việc, chuyển đến thành phố khác để định cư và cắt đứt liên lạc với bạn bè, gia đình. Cuộc sống đã vượt khỏi tầm kiểm soát của cô ấy.
Nana nói: “Tôi đang nghĩ đến việc đổi tên, tôi muốn thay đổi tất cả để có thể xóa sạch sự tồn tại của tôi trong quá khứ. Những năm qua, tôi đã cố gắng tự tử nhiều lần. Tôi vẫn không thể chấp nhận được cú sốc đó”.
Cuối cùng, cô phải nhờ đến chuyên gia loại bỏ những hình ảnh khiêu dâm trên mạng, anh Park Hyung-Jim, để xóa những video mà trước đó bị bạn trai đăng tải.
Chuyên gia Park Hyung-Jim (phải) cùng với nhân viên gỡ bỏ video của nạn nhân. |
Chuyên gia Park đã thành lập một công ty có tên Easycomz vào năm 2014, nhưng cho đến năm ngoái công ty mới thực sự khởi sắc khi tiếp nhận khoảng 20 nạn nhân nữ một ngày.
Chuyên gia Park chia sẻ: “Nạn nhân thường liên hệ chúng tôi sau một tuần hoặc một tháng khi phát hiện ra video của họ bị phát tán. Nhưng lúc đó, các clip đã bị phát tán rộng rãi trên mạng vì vậy chúng tôi phải xóa nó nhanh nhất có thể.
Một video khi đăng tải lên trang web người lớn, nó sẽ tự được tải lên các trang web con. Chúng tôi phải cố gắng xóa hết những video bị nhân bản đó và ngăn chặn để chúng không bị đăng lại lần nữa”.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân
Những phụ nữ như Nana, những người biết là cảnh ân ái của mình đang bị quay lại (họ bị bạn trai bắt buộc), không phải là nạn nhân duy nhất.
Rất nhiều người không biết bạn trai cũ đã quay lén họ. Tại Hàn Quốc, số lượng những tên bệnh hoạn đặt máy quay lén tại phòng thay đồ và phòng nghỉ đang ngày càng tăng.
Ha Yena - người sáng lập ra Tổ chức Digital Sexual Crime Out, nói rằng: “Với chiếc máy quay trộm có giá ít hơn 10 đô (khoảng 230.000 VNĐ) thì ai cũng có thể trở thành nạn nhân”.
Ha Yena đang kiểm tra một phòng khách sạn để phát hiện máy quay lén. |
Cô Ha Yena nói thêm: “Kể cả những thứ nhỏ nhất cũng có thể giấu máy quay trộm ví dụ như chìa khóa xe, bật lửa, mũ, cúc áo... Danh sách này là vô tận.
Có thể những kẻ xấu xa kia coi điều đó là bình thường nhưng so sánh với việc dùng súng để bắn ai đó thì chả khác nhau là mấy”.
Bản án cho việc lưu hành các video bất hợp pháp không đơn thuần chỉ phạt tiền mà kẻ phát tán còn phải ngồi tù 7 năm. Nhưng để bị cáo nhận hình phạt thì nạn nhân phải đưa ra được chứng cứ và các cáo buộc rõ ràng.
Ví dụ đối với nạn nhân Nana, cô nghĩ khi phanh phui sự vụ với cảnh sát sẽ chỉ làm cho vụ việc lớn hơn và phải tốn rất nhiều tiền để kiện cáo.
Cô nói: “Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc tìm kiếm các video của tôi và yêu cầu gỡ bỏ chúng. Tôi biết đã có nhiều clip bị xóa... nhưng có ai biết được khi nào họ sẽ đăng tải lại những video đồi trụy đó”.
Đấu tranh cho nữ quyền
Khi số lượng tội phạm tình dục gia tăng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang trở nên lo sợ và mong muốn sẽ có một cuộc cách mạng nào đó.
Năm 2016, một nữ nhân viên văn phòng khoảng 23 tuổi đã bị giết trong nhà vệ sinh gần Trạm Gangnam sau khi cô uống rượu với bạn trai ở quán karaoke. Kẻ hành hung thú nhận rằng hắn đã đâm cô ấy tới chết vì hắn luôn bị cô ta phớt lờ.
Sau khi hắn ta bị bắt, phụ nữ khắp Hàn Quốc tỏ ra vô cùng giận giữ. Mặc dù điều tra của cảnh sát cho thấy tên nghi can bị tâm thần phân liệt, nhiều người lại cho rằng đây là một tội ác kinh hoàng. Một làn sóng đấu tranh cho nữ quyền do những người phụ nữa từ 20 - 30 tuổi đã nổ ra.
Tại các trường đại học, làn sóng này đang lan rộng. Ví dụ ở trường đại học nữ sinh Sookmyung, thành viên của Hiệp hội Phụ nữ Sookmyung lúc đầu chỉ có ba người, giờ con số đó đã lên đến hơn 100 thành viên.
Trong 2 năm nay, hiệp hội đã và đang đấu tranh để nâng cao nhận thức về giới tính trong đội ngũ giảng viên.
Hiện tại, đã có đến 27 nhóm nữ quyền đang đấu tranh nâng cao quyền của phụ nữ trong nước. Điển hình là họ đấu tranh cho quyền phá thai - bị coi là bất hợp pháp kể từ năm 1953 với luật lệ là nếu bị bắt phụ nữ phải đối mặt với 1 năm tù.
Sau một số bản kiến nghị, chính phủ hiện đang xem xét lại luật pháp.
Tác giả: Vũ Nguyên - Mỹ Linh
Nguồn tin: Báo VietNamNet