Sáng 12/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Nghệ An được chuyển đổi mô hình hoạt động từ đơn vị sự nghiệp là công ty phát triển KCN Nghệ An. Trước khi chuyển đổi, công ty là đơn vị sự nghiệp, thực hiện nhiệm vụ quản lý vận hành KCN Nam Cấm, đền bù giải phóng mặt bằng KCN và các nhiệm vụ khác được UBND tỉnh giao.
Phản ánh với Đoàn Giám sát, ông Đinh Văn Quang - Chủ tịch công ty cho biết khó khăn nhất của đơn vị là vào thởi điểm chuyển đổi giá trị tài sản từ đơn vị sự nghiệp sang chỉ có 571.050.000 đồng; vốn bằng tiền không có.
Quang cảnh buổi làm việc tại. Ảnh: Thanh Lê |
Trong khi đó vốn điều lệ theo đề án được phê duyệt 30.833.654.000 đồng và chủ sở hữu có nghĩa vụ phải cấp bổ sung đủ vốn đã cam kết trong thời hạn không quá 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng thực tế sau 3 năm tổng số vốn của đơn vị chỉ có 4,42 tỷ đồng chiếm 14,3% so với vốn điều lệ được UBND tỉnh phê duyệt.
Cũng theo ông Quang, trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp gặp nhiều bất cập, vướng mắc như việc quy định tính tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước chưa được sát và phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Quang dẫn chứng theo quy định của UBND tỉnh Chủ tịch HĐQT công ty chỉ được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, vay ngân hàng, cho vay từ mức nhỏ hơn 50% vốn điều lệ của công ty. Quy định như thế này chưa phù hợp với những công ty có vốn điều lệ nhỏ hơn 10 tỷ đồng muốn đầu tư một dự án hoặc đi vay tiền ngân hàng có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên phải xin chủ trương của chủ sở hữu. Đối với công ty hiện tại có vốn sở hữu là 4,4 tỷ đồng nếu thực hiện dự án hoặc đi vay có giá trị lớn hơn 2,2 tỷ đồng cũng phải đi xin ý kiến của chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, việc quy định sự tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh với nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp chưa rõ ràng nên công ty vừa thực hiện nhiệm vụ công ích, vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất xây dựng nhưng không được hỗ trợ cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ công ích cho doanh nghiệp.
“Tôi đề nghị nhà nước khi chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp cần đảm bảo nguồn vốn ban đầu. Tỉnh và trung ương có cơ chế, tạo việc làm cho các đơn vị thuộc loại hình này như chỉ định thực hiện một số công trình hoặc chỉ định thầu để bổ sung năng lực cho công ty tiếp tục tham gia đấu thầu các công trình khác còn nếu để công ty tự đấu thầu không bao giờ trúng thầu”- ông Quang kiến nghị.
Ông Đinh Văn Quang- Chủ tịch công ty kiến nghị nhà nước cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi chuyển đổi CPH. Ảnh: Thanh Lê |
Trả lời những băn khoăn của ông Đinh Văn Quang, ông Nguyễn Quang Thiền - Trưởng Phòng Kinh tế Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Chủ trương nhà nước bắt buộc phải chuyển đổi đơn vị quản lý quản lý KCN sang loại hình doanh nghiệp, quy định mô hình này có vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng. Mặc dù vốn điều lệ phê duyệt sau đó chủ đầu tư bổ sung. Tuy nhiên, mỗi năm ngân sách nhà nước mỗi năm phân bổ 5 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho 22 doanh nghiệp nhà nước chuyển sang mô hình doanh nghiệp nên mỗi năm vốn cấp cho công ty rất ít.
Theo ông Phan Ngọc Châu - Trưởng phòng Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính: Công ty thực hiện chức năng xây dựng hạ tầng KCN nhưng KCN không có gì xây dựng. Công ty thuộc mô hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy hoạt động doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Hoạt động bị ràng buộc, nhà nước cần “cởi trói” tăng tính chủ động cho đơn vị trong điều hành sản xuất.
Bên cạnh đó, công ty trong tiến trình CPH doanh nghiệp nhưng với mô hình siêu nhỏ nếu chuyển sang CPH bắt buộc bộ máy có ra một giám đốc, một chủ tịch HĐQT, mô hình điều hành này áp dụng như Công ty là không hợp lý. “Chính phủ nên căn cứ quy mô để quy định không nên áp đặt về mặt tổ chức bộ máy. Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu có cơ chế riêng đối với công ty loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ được chuyển đổi CPH từ đơn vị sự nghiệp nhà nước”- ông Phan Ngọc Châu đề xuất.
Đại diện Sở Tài chính cho rằng, việc CPH đặt ra vấn đề là vốn đơn vị quá ít, các chủ đầu tư khác sẵn sàng mua lại cổ phần của đơn vị. Điều này đòi hỏi bản thân công ty đề ra mô hình hoạt động vừa thoái vốn nhà nước vừa phát hành thêm vốn tăng vốn điều lệ lên để thông qua hoạt động CPH phát triển tốt.
Ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Lê |
Chia sẻ khó khăn của công ty, ông Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát cho biết từ tình hình thực tế của đơn vị, đoàn sẽ tổng hợp kiến nghị với tỉnh, chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung, các cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp sau CPH phù hợp sát với tình hình thực tế.
Ông Hiền đề nghị trong quá trình chuẩn bị CPH, công ty cần tiếp tục tìm hiểu mô hình khác trong cả nước để lựa chọn mô hình, bước đi phù hợp; từng bước tháo gỡ khó khăn, phát huy đơn vị sự nghiệp gắn với chức năng các KCN. Đơn vị cần chủ động tiếp cận các hoạt động dịch vụ trong các khu công nghiệp tăng nguồn thu cho công ty.
Tác giả: Thanh Lê
Nguồn tin: Báo Nghệ An