|
Sau những ngày mưa lũ, nhiều trường học ở huyện vùng cao Kỳ Sơn thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Với số lượng học sinh ăn, ở bán trú tại các trường lớn nên đây được xem là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu mỗi khi học sinh trở lại trường. |
Để có nước cho học sinh ăn uống, tắm giặt hàng ngày, sau mỗi buổi lên lớp, giáo viên chia nhau băng qua các cánh rừng để tìm nguồn nước về trường. |
Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn) có hơn 400 học sinh, trong đó hơn một nửa ở bán trú tại trường. Số lượng học sinh lớn, nhà trường phải xây dựng 5 bể chứa nước, mỗi bể 5-7m3 để học sinh sử dụng. |
Thầy Nguyễn Ngọc Lâm, giáo viên Phổ thông DTBT TH&THCS Nậm Càn cho biết, nước sạch ở trường được lấy từ một con suối cách trường 5km. Sau thời gian nghỉ hè, đường ống bị hư hỏng, tắc nghẽn nên nước không chảy về. |
Do đó, các giáo viên của trường phải dò tìm từng điểm nối để khắc phục. |
Nhiều điểm bị đứt gãy, phải ghép vá khá vất vả. Mỗi lần như thế, người các thầy lấm lem bùn đất, quần áo ướt sũng. |
“Khổ nhất là trời mới mưa xong, vắt bám đầy người, phải chui trong từng bụi rậm để lần mò đường ống dẫn nước”, thầy Lâm nói. |
Theo thầy Lâm, trung bình mỗi năm giáo viên của trường phải hơn 10 lần đi sửa đường ống nước. Đặc biệt sau mỗi lần mưa lũ, có thời điểm vừa sửa xong chưa được 1 tuần nước lại bị mất. “Sửa chữa thì nó cũng đơn giản, anh em quen rồi. Nhưng khó là mình phải đi tìm vị trí bị vỡ, có khi đá trôi vào đường ống làm tắc nghẽn một đoạn dài, phải tìm cách để khơi thông nó”, thầy Lâm nói. |
Ông Phan Văn Thiết - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho biết, học sinh vùng cao khi thiếu nước thường ra khe, suối tắm giặt rất nguy hiểm. Do vậy, việc các trường đảm bảo đủ nơi ăn ở, nguồn nước sinh hoạt cho học sinh rất quan trọng. |
Tác giả: Cảnh Huệ
Nguồn tin: Báo Tiền Phong