Sau khi đọc bài "Cấm học thêm là bất công với giáo viên", tôi không giấu nổi bức xúc. Chúng tôi rất trân trọng các thầy các cô, những người cha người mẹ thứ hai của các con. Chúng tôi cũng rất thông cảm cho hoàn cảnh của các thầy cô vì việc giảng dạy vất vả do nhiều quy định chồng chéo mang nặng hình thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Thêm vào đó thu nhập giáo viên không cao, lại chịu nhiều áp lực về thành tích, áp lực từ phụ huynh, áp lực về phán xét xã hội đối với đạo đức giáo viên. Chúng tôi rất biết ơn thầy cô.
Tuy nhiên, không thể so sánh việc dạy thêm với việc mở phòng mạch như tác giả bài báo viết được. Phòng mạch mở ra ít nhất có sự quản lý của cơ quan nhà nước, có nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật và đóng thuế cho nhà nước. Còn thầy cô dạy thêm ở nhà cơ quan nào quản lý? Ai đảm bảo là thầy không cắt giảm kiến thức ở trường, ai đảm bảo là thầy không trù dập trò khi không đi học thêm.
Vẫn biết đại đa số thầy cô có tâm đức nhưng không ai đảm bảo 100% giáo viên là có đạo đức tốt. Và một chuyện nhỏ thôi, thầy dạy thêm có thu nhập thêm, thầy có thực hiện kê khai phần thu nhập để hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước không? Có người sẽ nói thu nhập đáng bao nhiêu đâu mà thuế với má, nhưng xin thưa thu nhập dạy thêm không hề nhỏ, trên dưới 10 triệu đồng một tháng. Nếu cứ dạy thêm tràn lan thì ai quản lý được những khoản thu nhập này?
Thiết nghĩ muốn công bằng thì các thầy cô hãy tới trung tâm dạy học hoặc tập hợp lại mở trung tâm, hoặc nhà trường tổ chức dạy thêm nhưng giáo viên phải trao đổi chéo (giáo viên đứng lớp không được dạy thêm chính lớp đó mà phải đổi cho nhau). Đi học thêm là quyền của học sinh, cho các con có quyền lựa chọn nhưng đừng lợi dụng chuyện đó để ép các em học thêm. Giáo viên dạy tại trung tâm hay tất yếu sẽ có học sinh đi học, em nào hoàn cảnh khó khăn có thể tự học.
Tôi thấy một số trung tâm cũng có chương trình khuyến học dành cho các em học giỏi hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên chỉ là số ít. Nếu là thầy cô có tâm thì hãy dạy thêm một số lớp miễn phí, một số tiết thôi cũng được. Đó cũng chỉ là đúng với trường hợp các trò có nhu cầu học thêm, muốn học thêm.
Còn trường hợp phụ huynh ép các con đi học thì tôi rất không đồng ý. Có nhiều bạn nói không đi học thêm thì trẻ lại sa đà vào việc chơi game, lên mạng... Suy nghĩ đó thật áp đặt. Đó là vấn đề chung thường thấy ở phụ huynh và nền giáo dục hiện nay. Tất cả đang loay hoay không biết cách giáo dục cho trẻ như nào là tốt, là đủ, không biết làm cách nào cho trẻ tránh khỏi cạm bẫy xã hội.
Theo tôi, ngành giáo dục nên giảm tải kiến thức văn hóa. Kiến thức quá cao siêu, uyên bác tạo áp lực cho học sinh và giáo viên, không đem lại tác dụng gì cho trẻ vì trong cuộc sống sau này ít áp dụng, thậm chí là không áp dụng được gì. Tôi còn nhớ một độc giả đã thốt lên "tôi đã không áp dụng được gì mớ kiến thức kia trong 40 năm cuộc đời" khi xem đề thi THPT quốc gia năm nay. Vậy câu hỏi đặt ra, chúng ta học miệt mài, học ở trường, học thêm, học ngày học đêm những kiến thức kia để làm gì khi không áp dụng được vào cuộc sống. Xin ngành giáo dục hãy giảm tải kiến thức thì vấn nạn dạy thêm tiêu cực mới biến mất.
Thay vì biến con trẻ thành rôbốt lập trình với kiến thức bác học hãy cho các em được tận hưởng cuộc sống. Đề nghị cho học văn hóa nửa buổi, có nhiều buổi thực hành, giảm tải lý thuyết. Nửa buổi còn lại nên dạy trẻ đạo đức, kỹ năng vận động, kỹ năng sống, dạy trẻ văn thể mỹ, có nhiều hoạt động ngoại khóa, thậm chí dạy nghề phù hợp lứa tuổi. Hãy cho trẻ quyền được sống hồn nhiên, quyền lựa chọn học theo sở thích thay vì ép học như ngành giáo dục hiện nay.
Học thêm không hẳn bắt nguồn từ thầy cô, phụ huynh hay học sinh. Nó bắt nguồn từ nền giáo dục nặng nề kiến thức bác học, thiên về lý thuyết, nặng về hình thức thành tích, thiếu thực hành, thiếu kỹ năng. Hãy đưa ra ý kiến thay đổi nền giáo dục thay vì ngồi đó than vãn về sự công bằng hay tranh cãi thầy sai hay phụ huynh sai. Giáo dục phải thay đổi, thầy phải có tâm sáng, phụ huynh đừng áp đặt con trẻ, dạy thêm có tổ chức thì thầy và trò mới có được sự công bằng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Tố Uyên