Trong tỉnh

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Sáng 24/3, Đoàn Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thái Thị An Chung - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc

Khắc phục hiện tượng phê duyệt đầu tư tràn lan, dàn trải gây lãng phí nguồn vốn

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và giám sát của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để triển khai thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt kết quả tốt. Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện nghiêm túc, tiết kiệm và hiệu quả. Thu ngân sách vượt chỉ tiêu HĐND tỉnh giao, chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ.

Việc xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và phân bổ kế hoạch đầu tư công hàng năm đảm bảo tuân thủ thứ tự ưu tiên đúng quy định của Trung ương ưu tiên bố trí vốn. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án theo đúng chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khắc phục hiện tượng phê duyệt tràn lan, dàn trải gây lãng phí nguồn vốn. Việc thực hiện nghiêm túc công tác đấu thầu qua mạng đã góp phần nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh. Việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2021 được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hàng năm đều đạt kết quả cao. Bình quân tỷ lệ giải ngân giai đoạn 2016-2020 là 90,24% kế hoạch.

Công tác quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước, mua sắm tài sản công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập dự toán, đến thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước đã hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch. Trong giai đoạn 2016 – 2021 đã thực hiện 35 gói thầu mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung cho 241 đơn vị, tiết kiệm 25 tỷ 545 triệu đồng. Công tác thẩm định đề án cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết tài sản công chặt chẽ, đúng quy định. Đến nay, số đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt là 11 Đề án.

Việc đẩy mạnh thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính theo quy định tạo điều kiện cho các đơn vị bố trí sử dụng biên chế và quản lý chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để cố gắng tạo nguồn tăng thu nhập, góp phần cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị mình. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật đất đai quy định; từng bước khắc phục được tình trạng giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, không đúng đối tượng...

Việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bước đầu thu gọn đầu mối, giảm biên chế. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước ngày càng phát huy hiệu quả, việc điều hành hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện một cách khoa học, tiết kiệm thời gian và chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã được tăng cường, qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm, đồng thời kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành...

Đề nghị UBND tỉnh quan tâm công tác thẩm định và quản lý chất lượng công trình, dự án trên địa bàn tỉnh

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Thị An Chung phát biểu

Qua giám sát các đơn vị và báo cáo của UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thị An Chung đề nghị UBND tỉnh quan tâm các nhóm vấn đề về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư; công tác quản lý sử dụng tài nguyên, đất đai.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh trao đổi, làm rõ hơn về việc lập dự toán theo định hướng tăng thu hàng năm của Bộ Tài chính hướng dẫn (tăng từ 13 – 15%); bổ sung kết quả thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách, trốn lậu thuế và kết quả thu hồi nợ đọng thuế hàng năm. Đề nghị UBND tỉnh đánh giá rõ hơn về kết quả thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; tổ chức đoàn đi nước ngoài; đào tạo, bồi dưỡng; sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm; tiếp khách, tổ chức lễ hội.

UBND tỉnh đánh giá cụ thể hơn về hiệu quả và kết quả thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do tỉnh quản lý; làm rõ việc kiểm tra, xử lý thực trạng về quản lý sử dụng đất làm trụ sở, nhà văn hóa khối, xóm; bổ sung số lượng và chỉ rõ danh mục dự án dở dang do thiếu nguồn vốn; các dự án đầu tư hoàn thành không phát huy hiệu quả, không bàn giao đưa vào sử dụng (nếu có). Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện đẩy nhanh sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp; khẩn trương bàn giao quỹ đất thu hồi từ các Công ty nông lâm nghiệp (12.031,05 ha) cho người dân quản lý sử dụng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tránh thất thoát lãng phí tài nguyên…

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh cho biết, Sở đang xin ý kiến UBND tỉnh cho tạm dừng các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 tập trung tại tuyến tỉnh, chuyển điều trị về tại các cơ sở khám, chữa bệnh

Trước các vấn đề Đoàn giám sát nêu, đại diện các sở, ngành đã báo cáo làm rõ các nhóm vấn đề thuộc thẩm quyền. Trong đó, về giao quyền tự chủ cấp huyện đạt thấp và gặp nhiều khó khăn trong việc giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Trong thời gian qua, việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện rất quyết liệt, đạt kết quả khá rõ nét. Tuy nhiên, việc giao tự chủ tại các huyện đạt thấp là do khó khăn trong kinh phí định mức để tính toán giao tự chủ; việc chi trả chế độ cho số hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ nên dẫn đến việc thiếu kinh phí trong việc giao tự chủ; việc tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, công chức, người lao động tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn vì vậy các huyện chưa thật sự quyết liệt trong việc giao tự chủ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ về quản lý sử dụng đất làm trụ sở đúng theo quy định, tránh tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh khẳng định: Trong thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Hàng năm, UBND tỉnh ban hành Quyết định về triển khai thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức rà soát, thắt chặt dần các kẻ hở để thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết, UBND tỉnh sẽ có báo cáo chi tiết bằng văn bản để trả lời cụ thể các nội dung liên quan.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bộ máy hành chính

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị rà soát, thống kê lại diện tích đất chưa sử dụng, đất sử dụng không hiệu quả, trái mục đích, thu hồi các dự án treo, chậm tiến độ đã gia hạn nhiều lần

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thanh Quý đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung báo cáo, đồng thời thống nhất với những kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã nêu trong Báo cáo của UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

UBND tỉnh ban hành Chương trình thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm đảm bảo đúng thời gian quy định, có chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể và gắn trách nhiệm triển khai thực hiện cho từng sở, ngành và địa phương; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực; tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ thuế, đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế, đồng thời rà soát, tăng cường các giải pháp bồi dưỡng nguồn thu, góp phần tăng thu ngân sách; quản lý chặt chẽ các Quỹ tài chính ngoài ngân sách.

Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; nghiên cứu giải pháp để vận hành các dự án nước sinh hoạt nông thôn, xử lý rác thải một cách hiệu quả; có chính sách thu hút dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải nguy hại; có giải pháp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác sử dụng đất đai, tài nguyên; quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên khoáng sản và khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy hành chính; tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh sử dụng các phần mềm hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính và xử lý công việc của các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chú trọng thanh tra kiểm tra nội bộ để đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, tài nguyên khoáng sản.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan, địa phương rà soát lại tài sản công nhất là trụ sở, nhà, đất của các đơn vị sau sáp nhập để có giải pháp xử lý đảm bảo đúng quy định, tránh lãng phí; kịp thời chấn chỉnh các đơn vị sử dụng nhà, đất không đúng mục đích, không đúng đối tượng; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà các thành phần kinh tế ngoài nhà nước hoạt động hiệu quả hơn.

Tác giả: Quỳnh - Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP