Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Thanh An – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban Đảng Tỉnh ủy, các Sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW về tình hình huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội |
Sau hơn 08 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và gần 02 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai Chỉ thị số 40, các chính sách đã thật sự đi vào đời sống, đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến hoạt động tín dụng chính sách.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Đồng thời tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 10.878 tỷ đồng, tăng 4.636,7 tỷ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 9,28%/năm. Nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 250,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,31% tổng nguồn vốn.
Giai đoạn 2014 - 2022, tổng doanh số cho vay đạt 23.117 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 18.307 tỷ đồng (chiếm 79,2% doanh số cho vay). Đến 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 10.866 tỷ đồng với 229.078 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã cấp vốn cho 714.341 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nhờ đó đã giúp 193.028 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; 30.479 người lao động được hỗ trợ vốn để tạo việc làm ổn định từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; 3.002 người lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách được hỗ trợ vốn để đi lao động tại nước ngoài; 10.754 gia đình hộ nghèo được hỗ trợ vốn để xây nhà, sửa chữa nhà ở, xóa bỏ tình trạng nhà giột nát, tạm bợ cho người nghèo...
Phó Vụ trưởng Vụ xã hội, thành viên Tổ xây dựng báo cáo Ban Kinh tế Trung ương Bùi Thị Kiều Ly đề nghị tỉnh đánh giá thêm hiệu quả thực hiện cho vay ưu đãi đối với các hợp tác xã |
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên đoàn công tác đánh giá cao kết quả của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua. Trong đó, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, UBND tỉnh và UBND cấp huyện đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng đặc thù, bố trí vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện cho vay thông qua ủy thác cho NHCSXH thực hiện; đặc biệt huy động được đến tận cấp xã bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay.
Đồng thời, các thành viên đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh đã trao đổi, làm rõ những kết quả cũng như khó khăn, tồn tại trong huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Làm rõ thêm một số chỉ tiêu chương trình tín dụng và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; việc rà soát đối tượng, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, thủ tục vay vốn đối với từng loại hình; số lao động trong và ngoài nước sử dụng nguồn vốn tín dụng như thế nào; tỷ lệ số xã nghèo thụ hưởng chính sách...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Xuân Học phát biểu |
Tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi một số điểm trong quy định cho vay của các chương trình tín dụng chính sách hiện hành, cụ thể: Nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo từ 5 năm lên 10 năm (tương đương thời hạn cho vay tối đa của chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo); nâng mức cho vay tối đa của chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình. Đồng thời, quan tâm bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động, nhất là người lao động mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người lao động tại các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai.
Đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân, đồng thời chuyển một phần nguồn lực này ủy thác sang NHCSXH để hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách theo hình thức vay vốn ưu đãi nhằm thực hiện phương châm tăng dần hình thức hỗ trợ có điều kiện, giảm dần hình thức trợ cấp, cho không.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, tỉnh sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để hoàn thiện báo cáo; đồng thời tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An luôn coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, liên tục; việc thực hiện chính sách tạo được sự đồng thuận từ người dân, bảo đảm tính công bằng xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, người yếu thế trong xã hội, khẳng định tính ưu việt của chính sách.
Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, thông qua buổi làm việc đã làm rõ hơn nhiều vấn đề, qua đó tỉnh cũng nắm bắt được các ý kiến nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt hơn nội dung này trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát Đỗ Ngọc An phát biểu |
Nhấn mạnh về những kết quả nổi bật của Nghệ An trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thời gian qua, đồng chí Đỗ Ngọc An – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Nghệ An.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đoàn công tác sẽ tiếp thu đầy đủ các kiến nghị của tỉnh để xem xét, chuyển đến các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Tác giả: Kim Oanh
Nguồn tin: nghean.gov.vn