Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, dịp lễ năm nay kéo dài 5 ngày, cộng thêm đang là mùa cao điểm khách quốc tế nên dự báo lượng khách đến Nha Trang nghỉ dưỡng sẽ tăng cao.
Nhận tin báo chặt chém, 15 phút sau sẽ có mặt
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hoà, cho biết đã có văn bản gửi tất cả đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn yêu cầu thực hiện nghiêm việc niêm yết giá cả, không được tăng giá quá cao trong dịp lễ, đặc biệt là lưu trú và ăn uống.
Các tour tham quan biển đảo đang "hái ra tiền" của ngành du lịch Khánh Hòa. Ảnh: An Bình. |
“Chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra để tránh việc nâng giá, chặt chém trong dịp này. Đặc biệt, sẽ lưu ý những cơ sở, đơn vị kinh doanh từng bị du khách “tố” chặt chém trước đây sẽ được giám sát chặt. Đường dây nóng của sở sẽ hoạt động 24/24h, để nhận phản ánh của du khách và người dân, sau 15 phút sau phản ánh sẽ có lực lượng đến xử lý ngay”, bà Thanh nói.
Theo dự báo của Sở Du lịch, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, khách quốc tế đến Nha Trang sẽ tăng mạnh (gần 40%), trong đó chủ yếu là khách đến từ Trung Quốc và Nga, Hàn Quốc, Malaysia. Đây là những thị trường có các đường bay thẳng đến Sân bay Quốc tế Cam Ranh và ngược lại. Trong khi đó, khách nội gần như không tăng.
Các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú trên địa bàn báo cáo lượng phòng đã gần như kín, nhất là khách sạn hạng 3-5 sao.
“Một phần các công ty lữ hành quốc tế khách Trung Quốc và Nga đã hợp đồng phòng lưu trú trước đó nhiều tháng, nên dịp lễ lượng phòng loại này không còn nhiều”, lãnh đạo Sở Du lịch lý giải và cho biết các khách sạn 2 sao trở xuống lượng phòng còn trống rất nhiều.
Khảo sát nhanh giá dịch vụ lưu trú, phóng viên ghi nhận gần như khách sạn nào được hỏi báo vẫn còn phòng. "Khách quốc tế họ đặt phòng trước cả tháng, dịp lễ chỉ chờ khách nội địa, nhưng năm nay không nhiều. Giá cả vẫn giữ nguyên, không tăng so với thời gian trước để mong thu hút khách vãng lai", chủ khách sạn trên đường Nguyễn Thiện Thuật nói.
Trong khi đó, đại diện Sở Tài chính Khánh Hòa cho biết giá dịch vụ lưu trú và ăn uống trong dịp lễ có tăng, nhưng không đáng kể. “Tính mặt bằng chung giá cả có tăng so với hồi đầu năm, việc tăng giá chủ yếu nằm ở giá cả dịch vụ lưu trú, ăn uống. Một phần vì giá điện, xăng tăng, phần khác do dịp lễ kéo dài khách đến nhiều hơn. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ liên tục kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị nào tăng giá quá cao so với niêm yết sẽ xử lý nghiêm”, vị đại diện này nói.
Làm gì để không bị "chặt chém" khi đến Nha Trang
Du khách cần chú ý gì để khi đến Nha Trang không bị "chặt chém"?
Chị Hoàng Oanh, giám đốc một công ty lữ hành ở Nha Trang, cho rằng khi đến nhà hàng, quán ăn nhỏ tại các điểm du lịch, khách nên xem thực đơn và giá tiền niêm yết cụ thể trước.
Quán hải sản Tháp Bà Làng Chài (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) từng bị "tố" tính giá 250.000 dông một dĩa mồng tơi. Ảnh: An Bình. |
"Với những nơi không ghi rõ giá, khách nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều. Những nơi làm ăn tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Nhiều nơi cố tình 'lập lờ đánh lận con đen' sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước. Khách hỏi lúc đó họ sẽ nói giá, còn không rất dễ rơi vô trường hợp bị chặt chém", chị Oanh chia sẻ.
Còn theo anh Lê Cường, một hướng dẫn viên du lịch, ở bất cứ đâu cũng có chỗ tốt, xấu không riêng gì Nha Trang. Quan trọng là mỗi người khi đi du lịch cần trang bị các kiến thức cơ bản như tham khảo những nhà hàng, quán tại điểm sắp đến từng vướng tai tiếng để tránh, đồng thời chọn sẵn một vài điểm uy tín được cộng đồng mạng đánh giá cao.
Điều cần thiết khác khi đi du lịch là không ngại mặc cả, hỏi kỹ giá. "Nhiều người buôn bán đánh vào tâm lý ngại hỏi giá, khi ăn xong họ tăng giá vô tội vạ, lúc đó khách lỡ ăn rồi nên cắn răng thanh toán cho qua chuyện. Vì vậy nếu vào quán ăn hay điểm vui chơi nào đó đừng ngại hỏi giá cả, thậm chí trả giá tùy theo mặt hàng mình chọn mua", chị Nguyễn Thị Mai, quản lý một nhà hàng ở Nha Trang, nói.
Tác giả: An Bình
Nguồn tin: zing.vn