Cô và trò Trường THCS Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng). Ảnh: ITN |
Từ thực tiễn, các nhà trường, chuyên gia chia sẻ mong muốn, giải pháp để làm tốt công tác phân luồng giai đoạn mới.
Mục tiêu khó đạt
Đề án 552 ngày 14/5/2018 về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%; phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Đây là con số khó đạt với nhiều trường phổ thông. Tại Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), thông tin từ thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, có khoảng 85 - 90% học sinh sau tốt nghiệp học tiếp lên THPT; còn lại khoảng 10 - 15% học nghề; không có học sinh nào dừng học để lao động tự do.
Tại huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), tỷ lệ học sinh THCS vào lớp 10 THPT là 52,4%; chỉ khoảng 25,4% học nghề; còn lại 22,2% học sinh lao động tự do sau THCS. Còn theo thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế), hằng năm, trường có khoảng trên 90% vào đại học; số còn lại đi du học, xuất khẩu lao động; lao động tự do tầm 1 - 2%, rất ít học sinh học nghề.
Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị cũng nhận định, chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS và THPT tại Đề án 552 khó đạt. Rào cản có nhiều, nhưng cơ bản bởi người dân hầu như muốn con học đại học bằng mọi giá. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp dàn trải khắp nơi, nhưng chất lượng đào tạo nghề không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, học nghề xong không biết làm gì, làm ở đâu...
PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về việc đưa “cứng” chỉ tiêu định lượng trong phân luồng sau THCS, THPT. Lý do, học sinh học tiếp sau THCS, THPT phụ thuộc vào năng lực của người học ở từng địa phương, chất lượng giáo dục nghề nghiệp hay các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, rất khó phụ thuộc vào ý chí người làm hay triển khai chính sách.
Nếu áp dụng cứng nhắc có thể dẫn tới những bất cập. Đơn cử như việc một số trường có hiện tượng giáo viên vận động học sinh có học lực chưa tốt không thi vào lớp 10 THPT công lập. Trên thực tế, nhiều địa phương, tỷ lệ phân luồng học sinh vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 10%.
“Đáng lưu ý, chỉ tiêu phấn đấu 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng có vẻ mâu thuẫn với nỗ lực nâng cao số sinh viên trên vạn dân hiện nay. Quy mô sinh viên đại học của Việt Nam trên tổng số người trong độ tuổi học đại học một số năm qua chỉ đạt khoảng 35% thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%)”, PGS Trần Thành Nam đặt vấn đề.
Học sinh Trường THPT Phenikaa, Hà Nội. Ảnh: NTCC |
Bài toán nhiều biến số
“Phân luồng học sinh là vấn đề phức tạp, bài toán nhiều biến số cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò điều tiết của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và cả trách nhiệm của trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cả cơ sở giáo dục đại học”. Nhấn mạnh điều này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, có nhiều việc cần làm để công tác phân luồng học sinh đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là từ năm 2025, khi Đề án 522 kết thúc.
Trước hết cần cụ thể hóa các quy định trong khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân; làm rõ những “luồng” mà người tốt nghiệp THCS có thể theo học theo con đường khác nhau để phát triển nghề nghiệp bền vững. Bảo đảm liên thông dọc, ngang và chéo giữa các chương trình đào tạo.
Để làm được việc này, cần xây dựng được hệ thống công nhận bằng cấp và chương trình đào tạo giữa các cơ sở đào tạo trong nước; đồng thời hướng đến công nhận văn bằng chứng chỉ nghề quốc tế để đảm bảo cơ hội di động nghề nghiệp - người học có thể lựa chọn làm việc ở các nước trong khu vực và trên thế giới với chứng chỉ nghề của Việt Nam.
Cùng đó, tăng cường các chính sách lao động, việc làm và tiền lương, cơ hội phát triển nghề nghiệp với những người lao động trình độ giáo dục nghề nghiệp. Cải thiện chất lượng giáo dục hướng nghiệp và triển khai tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh từ sớm để các em sớm hiểu được năng lực bản thân và thế giới nghề nghiệp, thị trường lao động, các con đường sau THCS, THPT…
Hằng năm, Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) có khoảng 200 học sinh tốt nghiệp THPT; trong đó tối đa 30% học sinh học tiếp đại học, cao đẳng. Số còn lại tham gia học nghề, hoặc lao động tại các công ty, doanh nghiệp, xuất khẩu lao động. Nhận định của thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Bá Nhoan, những năm vừa qua, dù công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung còn không ít khó khăn, thách thức.
Để khắc phục, thầy Phạm Bá Nhoan cho rằng, cần triển khai đồng bộ giải pháp phù hợp với tình hình mới, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ sở giáo dục, đào tạo, doanh nghiệp; không “bỏ khoán” cho giáo dục. Trong đó, điều đặc biệt quan trọng là cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng sức hấp dẫn, thu hút học sinh bằng nâng cao chất lượng, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng và đổi mới tổ chức đào tạo; gắn đào tạo với sử dụng và thị trường lao động, nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm và làm việc đúng ngành nghề đào tạo...
Tại Trường THPT Cát Bà (Hải Phòng), số học sinh chọn vào đại học khoảng 60 - 70%; còn lại 20% học nghề và từ 10 - 20% tham gia lao động tự do. Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Thành, tỷ lệ 45% khó thực hiện nếu không có chính sách đãi ngộ đặc biệt làm thay đổi suy nghĩ, tâm lý người học. Sẽ thuận lợi hơn nếu chỉ tiêu này được giao linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương.
Chỉ khi nào chúng ta tổ chức được mô hình các trường dạy nghề có chất lượng thực sự, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp (dạng đặt hàng); người dân thấy được lợi ích việc học nghề, phù hợp với năng lực và có tương lai cho con em mới giải quyết được bài toán phân luồng. - Thầy Lê Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm GDTX - Tin học, Ngoại ngữ tỉnh Quảng Trị |
Tác giả: Hiếu Nguyễn
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn