Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777, mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn bất ngờ biến mất khi đang bay qua khu vực phía nam Ấn Độ Dương, trong hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh.
Sự cố với máy bay MH370 được coi là bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới kể từ sau vụ mất tích của Amelia Earhart. |
Bất chấp hai cuộc tìm kiếm quy mô lớn ngay sau đó ở đáy biển, người ta chỉ thấy một vài mảnh vỡ của máy bay, bị trôi dạt vào các bờ biển Ấn Độ Dương.
Sau hơn 4 năm tìm kiếm, tháng trước, nhóm điều tra của chính phủ Malaysia, gồm 19 thành viên công bố báo cáo cho biết, họ không thể xác định nguyên nhân thực sự dẫn tới vụ biến mất bí ẩn của máy bay MH370, sau khi loại bỏ các yếu tố khả nghi về vấn đề kỹ thuật hay hành vi bất thường của cơ trưởng lái máy bay. Kết luận đã vấp phải rất nhiều chỉ trích, đặc biệt từ phía gia đình của các nạn nhân.
Theo báo Daily Star, Philip Baum, biên tập viên Tạp chí An ninh hàng không quốc tế và cũng là giáo sư thỉnh giảng chuyên ngành an ninh hàng không tại Đại học Coventry, vừa đưa ra một giả thuyết mới, cho rằng thủ phạm gây sự cố có thể là kẻ đi lậu máy bay.
Ông Baum tin, có thể ai đó đã lẻn lên chiếc MH370 khi nó đang đậu ở sân bay Kuala Lumpur và trốn trong hộp kỹ thuật dưới sàn, ngay phía dưới khoang máy bay và thông với một “buồng có cửa bản lề, đóng tự động”.
Tạp chí của ông Baum thống kê, tính tới hiện tại đã có tới 123 vụ cố gắng đột nhập lên 107 chuyến bay khác nhau trên toàn thế giới. Nhiều kẻ đi lậu đã ẩn náu trong buồng chứa càng máy bay, đối mặt nguy cơ bị đông lạnh đến chết hoặc bị ngã khi hệ thống khung gầm máy bay bung xòe. Một số khác giả dạng làm lao công quét dọn hoặc quan chức sân bay để có thể đột nhập máy bay và đi lậu vé.
Các tin tức đáng chú ý khác:
- Nhà chức trách Indonesia hôm 12/8 thông báo, một cậu bé 12 tuổi là nạn nhân duy nhất sống sót sau vụ rơi máy bay thương mại cỡ nhỏ ở vùng núi tỉnh Papua, cực đông nước này một ngày trước đó. 8 trong 9 người còn lại có mặt trên máy bay bị thiệt mạng trong sự cố.
- Các nhà lãnh đạo của 5 nước vùng Biển Caspian, gồm Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan ngày 12/8 đã ký công ước mang tính bước ngoặt về quy chế Biển Caspian, nhằm làm giảm căng thẳng cũng như mở đường cho các dự án thăm dò, khai thác dầu mỏ và khí đốt trong khu vực.
- Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vừa công bố kế hoạch thành lập một cơ quan an ninh mới, chuyên đối phó với "các hoạt động phá hoại do Colombia giật dây".
- Sáng 12/8, chuyến tàu chở đậu tương đầu tiên từ Mỹ đã cập cảng Đại Liên, phía bắc Trung Quốc sau gần 1 tháng neo đậu ngoài khơi quốc gia Đông Bắc Á vì Bắc Kinh áp thuế suất nhập khẩu mới, lên tới 25% đối với các hàng hóa Mỹ, trị giá 34 tỷ USD nhằm trả đũa động thái tương tự trước đó của Washington.
- Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cho biết, Tehran cực lực lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết sẽ dành sự hỗ trợ của Tehran cho Ankara.
- 10 người bị thương trong một vụ xả súng diễn ra ở phía nam thành phố Manchester, Anh rạng sáng ngày 12/8. Theo cảnh sát địa phương, sự cố xảy ra sau khai mạc lễ hội hóa trang Caribbe vài giờ, nên trên phố vẫn còn đông người tụ tập. Nhà chức trách đang điều tra vụ việc.
- Ít nhất 32 người thiệt mạng và 45 người khác bị thương khi một kho vũ khí ở tỉnh Idlib, tây bắc Syria bất ngờ phát nổ, làm sập hai tòa nhà. Ông Rami Abdel Rahman, Trưởng nhóm Quan sát nhân quyền Syria, có trụ sở ở London (Anh), cho biết tổng số người chết có thể tiếp tục tăng vì còn hàng chục người đang mất tích.
- Gần 70.000 cư dân trên đảo Okinawa, Nhật đã tham gia một cuộc biểu tình quy mô lớn nhằm phản đối sự hiện diện của các lực lượng quân sự Mỹ tại đây.
- Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 12/8 thông báo, Seoul đã ra lệnh cấm cập cảng đối với 4 tàu nước này được xác định đã nhập than từ Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng theo Nghị quyết 2371 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
- Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã điện đàm với người đồng cấp Canada Chrystia Freeland để thảo luận về căng thẳng ngoại giao giữa Ảrập Xêút Canada cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
- Một vụ tấn công liều chết ở tỉnh Balochistan, tây nam Pakistan khiến 6 người bị thương, trong đó có 3 công nhân Trung Quốc. Nhóm nổi dậy “Quân đội giải phóng Baloch” (BLA) đã đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên.
Tác giả: Tuấn Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet