Quá nhiều bí ẩn
Sau khi vua Quang Trung mất đột ngột, vua Gia Long (vị vua đầu tiên triều Nguyễn) được cho là đã nắm chắc được những thông tin về nơi tọa lạc lăng mộ Quang Trung nên khi lên ngôi vua đã quyết định quật mộ của vua Quang Trung, nấu chảy toàn bộ đồ tự khí bằng đồng của Tây Sơn rồi đúc thành chín khẩu thần công (nay đang trưng bày trước mặt Hoàng thành Huế - PV).
Vua Gia Long cũng cho người hủy bỏ sách vở, tài liệu mang niên hiệu Quang Trung. Đổi tên những địa danh của anh em nhà Tây Sơn đã sống qua, hủy bỏ những nơi Tây Sơn đã sử dụng. Đây là chính sách “tận diệt”, còn gọi là “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn.
Toàn bộ phong trào Tây Sơn đã bị trả thù một cách nghiệt ngã. Từ đó, những thông tin về lăng mộ, dấu tích của Quang Trung đã bị xóa sổ. Chính vì vậy mà hậu thế sau này không có nhiều bằng chứng cũng như tài liệu để nghiên cứu sâu hơn về triều đại Tây Sơn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (80 tuổi, ngụ đường Nguyễn Công Trứ, TP. Huế), người đã bỏ ra gần 40 năm để tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung thì nơi chôn cất của vị vua này hiện ở tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An –TP Huế). Khu vực này, trước đây tồn tại cung điện Đan Dương và có lăng của vua Quang Trung tên là Đan Lăng. Tuy nhiên, ý kiến trên của ông Xuân nhận được nhiều phản bác khác nhau từ giới sử học.
Ngày 9/1/2017, PGS.TS. Bùi Văn Liêm (Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học) đã thay mặt đoàn thám sát khảo cổ gò Dương Xuân (thời gian 15 ngày đầu tháng 10/2016) báo cáo kết quả ban đầu ở 5 hố khảo sát, liên quan đến dấu tích triều đại Tây Sơn/Quang Trung.
Đáng chú ý về vết tích mộ táng, đoàn đã phát hiện 3 cụm di tích có thể liên quan đến mộ hỏa táng. Riêng tại hố thăm dò số 4, xuất lộ chum sành vỡ, bên ngoài có đường biên hố. Có khả năng đây là một ngôi mộ đất có quan tài là chum sành bị vỡ.
Về niên đại, dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại thời Khang Hy nhà Thanh. Qua đó, bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ 17 đến 19, kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Đây là thời chúa Nguyễn kéo qua thời Tây Sơn/Quang Trung và thời vua Nguyễn trị vì tại Huế.
Viện Khảo cổ học Việt Nam kiến nghị thời gian tới sẽ phân tích mẫu cacbon phóng xạ, kết hợp với niên đại qua địa tầng di tích và các di vật đã phát hiện để đưa ra nhận định cụ thể về niên đại ở gò Dương Xuân. Bên cạnh đó sẽ mở rộng diện thăm dò, khai quật tại một số hố để nghiên cứu toàn bộ khu vực.
Tại hội nghị PGS.TS. Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TT. Huế) cũng nêu quan điểm: “Tại 5 hố khảo sát khảo cổ đều có dấu hiệu liên quan từ thời chúa Nguyễn đến Tây Sơn, đây là điều đáng mừng. Nhiều di vật gạch, gốm, ngói, sứ cho thấy khu vực này là một trung tâm giao lưu thương mại của thế giới thời bấy giờ, làm ta liên hệ đến 1 kinh đô, thủ phủ”.
39 năm tìm kiếm
PL&TĐ đã về nhà ông Nguyễn Đắc Xuân để tìm hiểu rõ thêm về quan điểm gò Dương Xuân có cung điện Đan Dương, ở đó là chính là nơi chôn cất lăng vua Quang Trung.
Bắt đầu câu chuyện, ông Xuân cho rằng “từ trước đến nay, tôi đã khẳng định ai phủ định được công trình của tôi thì tôi tôn người đó làm thầy. Chuyện khảo cổ gần đây chỉ bổ sung vào việc xác định công trình của tôi đúng. Tôi đã nghiên cứu bằng cách phối hợp nhiều ngành, nghiên cứu tài liệu sử học, tài liệu địa lý, lịch sử, văn học cổ khảo cổ học, địa phương học, phong thủy”.
“Tôi nghiên cứu, tìm kiếm cung điện Đan Dương cũng như lăng vua Quang Trung từ năm 1978. Được gia đình tuyệt đối ủng hộ. Tuy vậy, cũng có rất nhiều người dè bỉu, chê bai. Thậm chí, nói tôi là đồ điên”.
Theo nhà nghiên cứu này, triều Quang Toàn (con vua Quang Trung) muốn giữ bí mật tuyệt đối về cái chết của vua cha. Thông thường một đám tang vua có 2 sự việc không thể giữ bí mật: Một là đoàn đưa tang từ cung vua đến nơi táng vua, không thể cấm thần dân đứng dọc đường chiêm bái.
Hai là, nơi táng vua sẽ dựng lên bao nhiêu kiến trúc để cho hàng trăm người ăn ở, thờ phụng, bảo vệ lăng, làm sao giữ bí mật được. Do đó, Quang Toản không đưa tang vua Quang Trung ra khỏi cung điện. Từ đó cung điện của ông trở thành lăng mộ của ông.
Một dấu hiệu cực kỳ quan trọng, thuộc dạng “điểm nhấn” trong cuộc tìm kiếm của ông Xuân là dựa vào thông tin Ngô Thì Nhậm (quan Thượng thư bộ Binh của vua Quang Trung) ghi một lời ở dưới bài thơ. Theo đó, trong bài thơ “Cảm hoài” khi năm 1792 Ngô Thì Nhậm sang Trung Quốc báo tang vua Quang Trung.
Ở câu 8 “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (dịch nôm: Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu), tác giả đã chú thêm một thông tin cho cụm từ Cung điện Đan Dương ở dưới là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
Ông Xuân phân tích: “Nhờ Ngô Thì Nhậm nên tôi biết được cung điện của vua Quang Trung tên là Đan Dương. Sau khi vua Quang Trung mất, được triều Quang Toản giữ bí mật táng vua ngay trong Cung điện này”.
Ông cho biết thêm, Sách Đại Nam Thực Lục Chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đệ nhất kỷ, Quyển XV, trang 26a cho biết: “Tháng 11 Tân dậu (1801), Nguyễn Ánh đã cho phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ”. Điều đó chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung chỉ còn dấu tích chôn sâu dưới đất, không còn hòm, không còn xương cốt, đầu lâu.
Để lý giải gò Dương Xuân là cung điện Đan Dương, ông Xuân chứng minh rằng, trong quá trình làm các công trình dân sinh người dân đã phát hiện ra nhiều viên gạch cổ, các mảnh sành sứ và các đá tảng dùng để dựng cột nhà rồi những tấm bia cổ bị mài không còn chữ, vết tích của bức tường thành bị chôn vùi dưới lòng đất, những khối đá hoa văn chỉ có thể được dùng để xây dinh phủ của các bậc đế vương ngày xưa.
Ông lập luận thêm, trước đây ở gò Dương Xuân có một cái cồn trồng rất nhiều cây sứ nhưng nay không còn, cồn này được người xưa gọi là cồn Bông Sứ. Ở Huế, cây sứ chỉ trồng ở nơi có lăng mộ. Ngoài ra, khu vực này có nhiều giếng cổ mà ông Xuân gọi đó là “giếng loạn”.
Về chữ “loạn” này ông Xuân cắt nghĩa rằng năm 1786 Nguyễn Huệ tiến đánh để giải phóng Phú Xuân, điều này được Nguyễn Văn Siêu giải thích là “Biến loạn năm Bính Ngọ” (năm 1786) trong tác phẩm “Phương Đình Dư địa chí” của mình.
Còn nhiều giả thiết khác
Ông Xuân nhìn về hướng xa tâm sự: “Chương trình khảo cổ học vừa rồi có nhiều biểu hiện của cung điện bị chôn sâu. Vậy là công trình nghiên cứu của tôi bước đầu thành công. Cái tôi tìm ra là tìm một vùng cung điện đã bị chôn vùi xuống đất, chưa cần nói đến lăng mộ. Khi cung điện được xác định, họ khảo sát trong vùng đó, thế nào cũng ra huyệt mộ từng chôn vua Quang Trung.
Hiện nay tôi đã 80 tuổi, 2 con mắt không còn nhìn rõ, việc tìm ra các dấu tích ban đầu khiến tôi rất vui mừng, những gì cống hiến của tôi mấy chục năm qua không vô nghĩa. Tôi chỉ mong các nhà khảo cổ, các cơ quan tìm ra bằng được công trình này. Một việc tưởng là con số 0 với lịch sử giờ đã sắp có lời giải đáp”.
Phản bác điều này, nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang (Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam ) đã công phu khảo sát các văn bản chữ Hán để tìm ra giá trị đích thực của bài thơ “Hoài cảm” của Ngô Thời Nhậm liên quan đến cung điện Đan Dương. Theo ông Quang, các văn bản này đều do người đời sau sao chép, phần lớn là từ thời Tự Đức nên độ tin cậy không cao.
Theo ông Quang, “Đan Dương” hoặc “Đan Lăng” là danh từ chung, nhằm chỉ lăng tẩm của bậc đại vương chứ không phải tên ngôi lăng của vua Quang Trung. Nếu “đan” là chỉ màu son đỏ, thì ngôi điện, ngôi lăng ở đây chỉ về màu sắc chứ không có ý đề cập đến khu di tích thuộc về hoàng đế Quang Trung.
Trao đổi với PL&TĐ, PGS.TS. Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế) nhận định: “Các nguồn tài liệu trong nước chủ yếu là thơ văn, nước ngoài là bút ký thì rất sơ sài và phiến diện. Nguồn tài liệu dân gian bị nhiễu nặng nên gây khó khăn và ngộ nhận cho giới nghiên cứu. Một vấn đề được giới nghiên cứu và xã hội đặc biệt quan tâm là Kinh đô Phú Xuân dưới thời Tây Sơn và lăng mộ vua Quang Trung tại Huế. Cho đến nay, vấn đề này cũng chỉ dừng lại ở những giả thuyết chưa đủ sức thuyết phục”.
Chiều 15/10, cuộc thăm dò khảo cổ ở gò Dương Xuân, TP Huế do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và Viện Khảo cổ học thực hiện kết thúc sau 10 ngày làm việc. Tại hiện trường khảo cổ, PGS.TS Bùi Văn Liêm - viện phó Viện Khảo cổ học, chủ trì cuộc thăm dò - cho biết đã mở năm hố thăm dò, đào đến tầng đất sinh thổ (tầng đất nguyên thủy, chưa có sự tác động của con người) và tìm thấy một số hiện vật bằng đất, đá, gạch, ngói, vữa, gốm, sứ, sành, kim loại... liên quan đến các hoạt động của con người ở các giai đoạn lịch sử khác nhau; các thông tin về địa tầng, di tích và các đặc điểm khác... Đáng chú ý nhất là phát hiện một nền đá dưới sân nhà số 13/120 Điện Biên Phủ (TP Huế) và chạy dài sang nhà bên cạnh. Nền đá có hình dạng như một bức tường thành, chiều rộng 5,5m, gồm nhiều phiến đá xếp chồng lên nhau, bên trên có vữa và đất đắp. Hiện chưa xác định được chiều dài, chiều cao, quy mô và chưa rõ nền đá này có liên quan như thế nào đến các công trình kiến trúc phủ, cung điện, tường thành đã từng tồn tại ở gò Dương Xuân mà sách sử đã chép. Cũng tại hố thăm dò dưới sân nhà ông Oánh, nằm cạnh chùa Thuyền Lâm, còn phát hiện một khối hỗn hợp cát - đá. Ông Liêm cho hay toàn bộ thông tin hiện trường, từ mặt bằng, địa tầng cho đến từng hiện vật đều được quay phim, chụp ảnh, đo vẽ đầy đủ; sau đó, các hố thăm dò được lấp lại. Đoàn khảo cổ sẽ tiếp tục chỉnh lý hiện vật, các bản vẽ và toàn bộ hồ sơ. Tiếp đó, các hiện vật sẽ được nghiên cứu bằng các phương pháp phân tích thạch học, lý hóa, địa chất, đối chiếu với tài liệu lịch sử, văn hóa dân gian... để làm rõ các thông tin cần tìm. Sau ba tháng, nhóm thăm dò khảo cổ sẽ có báo cáo sơ bộ và một năm sau sẽ có báo cáo chính thức. |
Tác giả bài viết: Lê Tám Bảy
Nguồn tin: