Số hóa

Facebook có nhiều dấu hiệu không tuân thủ pháp luật Việt Nam

Dù đã có sự phối hợp xử lý, nhiều vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam vẫn không được Facebook thực hiện một cách triệt để.

Được sử dụng một cách phổ biến tại Việt Nam, thế nhưng những dịch vụ của Google và Facebook lại tiềm ẩn khá nhiều nguy cơ bất ổn đối với xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do Google và Facebook cho phép người dùng thoải mái đăng nội dung lên nền tảng của họ. Chỉ khi có yêu cầu từ phía người sử dụng, các nhà quản lý mới tiến hành kiểm tra, thẩm định theo một quy trình mất rất nhiều thời gian.

Mặc dù chính thức tuyên chiến với fakenews, thế nhưng động thái ngăn chặn các page phát tán nội dung xấu của Facebook vẫn còn lỏng lẻo.


Theo như tìm hiểu, mỗi khi có nhu cầu kiểm chứng lại thông tin, những công ty nước ngoài sẽ cho dịch toàn bộ nội dung từng video clip (đối với Youtube), hoặc từng dòng trạng thái (đối với Facebook) sang tiếng Anh. Sau đó cho nhiều bộ phận thẩm định chéo rồi mới đi đến kết luận có hay không hành vi vi phạm.

Chính vì lẽ đó, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm định (đăng trước kiểm định sau) của Google, Facebook để đăng tải và phát tán các thông tin xấu, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Có thể kể tới sự xuất hiện của nhóm phản động “Lều của đầy tớ” trên mạng xã hội Facebook. Lợi dụng luồng thông tin xoay quanh chủ trương phòng chống tham nhũng, nhiều đối tượng đã tiến hành thu thập thông tin, hình ảnh, video về tài sản, sinh hoạt đời tư của các cán bộ đảng viên các cấp.

Trong số này có nhà riêng một số đồng chí bí thư, chủ tịch, giám đốc công an các tỉnh, thành phố nhằm tuyên truyền, xuyên tạc, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Một bài đăng với nội dung định hướng dư luận, nhằm tuyên truyền các thông tin xấu độc trên group phản động "Lều của đầy tớ".

Ngoài ra, nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải những thông tin có hàm ý miệt thị, với những lời lẽ cay độc nhằm vào các các đồng chí lãnh đạo.

Tiêu biểu trong số này là trường hợp của một tài khoản Facebook có tên Lương Hoàng Anh. Tài khoản này liên tục có những lời lẽ không mấy tốt đẹp nhằm vào Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Đứng trên góc độ pháp luật, có thể xếp đây vào hành vi làm nhục người khác. Việc xử phạt về hành vi này được quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự.

Theo tìm hiểu của báo chí, Việt Nam chưa có các chế tài đủ mạnh để gây sức ép lên các công ty xuyên quốc gia như Google, Facebook. Chính vì vậy, còn nhiều khó khăn trong việc buộc hai đơn vị này phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

Nhiều trường hợp Bộ đã yêu cầu Facebook phối hợp giải quyết những bất cập, cụ thể hơn là gỡ bỏ những nội dung xấu độc nhưng Facebook vẫn lờ đi và không có phản hồi.

Một trường hợp đáng chú ý là Bộ Công An đã đưa Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố. Chính vì thế, nhiều lần phía Việt Nam yêu cầu Facebook ngừng phát tán fanpage Việt Tân và ngăn chặn việc truy cập fanpage này tại những địa chỉ IP thuộc lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng thái độ của Facebook là không hợp tác.

Đáng nguy hiểm hơn, có thông tin cho rằng các thành viên Việt Tân được đào tạo những kỹ năng sử dụng mạng xã hội để phát tán những thông tin xấu, nhằm gây kích động quần chúng.

Một số page của các tổ chức phản động đã bị Youtube cho gỡ bỏ, thế nhưng Facebook thì chưa. Trong trường hợp của Việt Tân, Bộ Công An Việt Nam đã liệt kê tổ chức này vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Với Youtube, mạng chia sẻ video này từng gặp phải hai vấn đề trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Thứ nhất là việc các nội dung quảng cáo của những nhãn hàng đang kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam được phát chèn trong những clip xấu độc. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của các nhãn hàng.

Thứ hai, dù người dùng đang xem các nội dung giải trí lành mạnh, phần gợi ý video ở bên phải màn hình thỉnh thoảng vẫn “vô tình” hướng người xem tới những nội dung xấu, có ý đồ chống phá Đảng và Nhà nước.

Sau khi có phản hồi từ phía cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam, nhiều nội dung đã được phía mạng video này gỡ bỏ. Thế nhưng, vẫn còn đó rất nhiều video clip mang nội dung xấu khác tồn tại. Điều này là bởi Youtube chỉ gỡ bỏ lần lượt từng clip khi có khiếu nại, mà không tiến hành loại bỏ các chủ tài khoản đăng những nội dung xấu độc.

Kể từ tháng 2/2017 đến 31/7/2017, theo yêu cầu của Bộ Thông tin & Truyền thông, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ 3259 video clip xấu độc trên Youtube. Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, 137 tài khoản nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Dù đã có sự phối hợp xử lý, thế nhưng nhiều vấn đề liên quan đến việc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam vẫn không được Google, Facebook thực hiện một cách triệt để.

Số lượng các video clip và tài khoản đã bị Google và Facebook chặn, gỡ bỏ còn quá ít so với số lượng thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật Việt Nam được đăng tải lên mỗi ngày. Việc ngăn chặn mất quá nhiều thời gian, nên các thông tin xấu độc tồn tại trên mạng đủ lâu để lan truyền và tác động vào nhận thức, suy nghĩ của người sử dụng.

Trong thời gian tới, cần sự vào cuộc của các bộ ngành chức năng nhằm hạn chế việc vi phạm của Google, Facebook. Đồng thời làm trong sạch không gian mạng, giúp người dân không bị ảnh hưởng bởi những nội dung xấu, độc xuất hiện nhan nhản trên mạng Internet.

Tác giả: Trọng Nhân

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP