Kinh tế

Đường sắt đua giảm giá vé

Giảm 10% giá vé khi vận hành đoàn tàu Nha Trang đi Huế, tung vé 10.000 đồng, vé “2 trong 1” đi Cửa Lò, Sapa dịp hè 2017... được ngành đường sắt tăng cường áp dụng trong bối cảnh bị cạnh tranh gay gắt.

Từ 19/5, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn đưa vào khai thác đoàn tàu Nha Trang đi Huế và ngược lại. Đại diện công ty cho biết, việc đưa vào vận hành đoàn tàu này để kết nối hai thành phố du lịch biển là Nha Trang, Đà Nẵng với cố đô Huế.

Giá vé tối đa là 317.000 đồng, đặc biệt trong tháng 5 này (tháng khai trương) công ty sẽ giảm giá vé 10% cho tất cả khách đi tàu, và giảm thêm 5% đối với khách là đoàn viên công đoàn khi mua ghế ngồi...

Trước đó, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) cho hay, hè 2017 sẽ tung hàng chục nghìn vé giá chỉ 10.000 đồng để thu hút khách du lịch đi tàu. Đồng thời, từ tháng 5 sẽ bán vé và tổ chức đưa, đón khách đi, đến các điểm du lịch để từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm.

Đường sắt vận hành đoàn tàu Nha Trang đi Huế.

Ngoài ra, cũng trong dịp hè năm nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam còn thực hiện các chương trình kích cầu du lịch, giảm 10% giá vé hiện hành cho đoàn khách đi tàu. Riêng đoàn khách đi đến các ga trong chặng từ Sài Gòn đến Huế và ngược lại, từ 19/2 đến 27/12 (trừ các dịp lễ, hè) giảm 25%, còn chặng có ga đi gồm các ga từ Sài Gòn đến Diêu Trì giảm 40% giá vé hiện hành cho đoàn khách...

Động thái trên được xem là giải pháp tình thế để ngành đường sắt hút khách trong bối cảnh bị các loại hình vận tải đường bộ, hàng không, thủy nội địa cạnh tranh gay gắt. Bởi hiện nay, Quốc lộ 1 hoàn thành nâng cấp, mở rộng, nên đã hút lượng lớn khách. Chưa kể, các hãng hàng không vé rất rẻ như Jetstar, Vietjet, thậm chí Vietnam Airlines đều đang lấy đi nhiều thị phần vận tải của đường sắt.

Năm 2016, doanh thu vận tải đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 8.338 tỷ đồng (tương đương 88,8% kế hoạch), lợi nhuận sau thuế khoảng 137 tỷ.

Trước sự cạnh tranh như vậy, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, từ lãnh đạo đến người lao động đều nhìn nhận, nếu không thay đổi đường sắt sẽ rất khó khăn hoạt động và phát triển. "Bên cạnh việc cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ, chúng tôi cũng phải cạnh tranh về giá vé", ông nói.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 diễn ra đầu năm, lãnh đạo VNR cũng chỉ ra nguyên nhân sản lượng và doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch do hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải khác; cơ sở vật chất lạc hậu, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Sự cạnh tranh gay gắt với các phương tiện vận tải cùng sự cố sập cầu Ghềnh, ô nhiễm môi trường biển và bão lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung và Nam Trung bộ đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh vận tải của Tổng công ty. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2016 rất hạn hẹp nên các dự án mới chưa được triển khai.

Mặc dù các công ty vận tải đã đổi mới về tư duy và cách làm nhưng chưa theo kịp thị trường nên các giải pháp đề ra chưa mang lại kết quả như mong đợi, giá cước vẫn chưa cạnh tranh và phù hợp...

Năm 2017, hạ tầng không có gì thay đổi nhiều, vốn cấp cho ngành đường sắt khoảng 2.200-2.300 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, bảo trì. Do đó, ngành phải duy trì ổn định và khai thác tốt hạ tầng hiện hữu.

Song song đó, VNR cho biết sẽ triển khai các giải pháp mở rộng thị phần, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tập trung tổ chức kinh doanh vận tải hàng hóa từ kho đến kho; tìm kiếm các đối tác để khai thác và tận dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt tại các ga lớn,... Mục tiêu sản lượng và doanh thu năm nay được VNR đưa ra đạt mức tăng trưởng 8%, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: Hoài Thu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP