Thế giới

Đứng trên đỉnh cao 10 năm, lo Donald Trump tung đòn hiểm

Qua thời “đầu năm thong thả”, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngay từ quý I/2018 ước tính đã tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây. Thế nhưng, với nền kinh tế mở như Việt Nam, một động thái tiêu cực từ thị trường quốc tế, chẳng hạn các chính sách của Donald Trump có thể làm “gió đổi chiều”.

Kỷ lục 10 năm

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê đã dẫn ra nhiều số liệu tươi sáng về kinh tế quý I/2018.

Tổng sản phẩm trong nước GDP quý I/2018 ước tính tăng tới 7,38% so với cùng kỳ năm trước - “mức tăng cao nhất của quý I trong 10 năm gần đây”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh. Trong đó, ngành thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo đều có mức tăng trưởng rất ấn tượng nhất trong vòng 7-8 năm trở lại đây.

Trao đổi với PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng đó là “con số rất tích cực”.

“Trong thời gian dài ta mới có tăng trưởng quý I duy trì ở mức cao như vậy. Đó là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã có những hồi phục tương đối vững chắc”, ông Đinh Tuấn Minh chia sẻ.

Kinh tế Việt Nam đang cải thiện tích cực.

Nhìn về mặt con số, tăng trưởng khu vực nông lâm thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng ở mức rất tốt, đóng góp vào tăng trưởng chung. Cho nên theo ông Đinh Tuấn Minh, mức tăng trưởng đó là tương đối hợp lý.

Nhưng trên thực tế cũng phải nhìn nhận GDP quý I năm nay tăng cao bởi quý I năm nay có nhiều yếu tố tác động tốt đến tăng trưởng hơn quý I năm ngoái. Quý I năm 2017, Samsung gặp sự cố về điện thoại nên hoạt động sản xuất ở Việt Nam bị chững lại một phần. Mặt khác, Formosa khi đó cũng chưa đi vào hoạt động. Trong khi đó, quý I năm nay, Samsung đang vận hành bình thường và có tăng trưởng tốt, Formosa đi vào hoạt động nên đã góp phần vào tăng trưởng của quý I.

Điều này phần nào nói lên thực trạng tăng trưởng của Việt Nam dựa nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) cũng thừa nhận, ngành sản xuất chế biến các sản phẩm điện tử và linh kiện là ngành công nghệ cao, chủ yếu do đóng góp của khối FDI mà chủ lực là Samsung. Đó là thành công trong thu hút FDI của Việt Nam khi ngành này có sự tăng trưởng rất nhanh. Nếu năm 2010 ngành này mới đóng góp 9,9% giá trị sản xuất công nghiệp thì năm 2015 đóng góp lên gấp đôi, lên tới 17,8%.

Ghi nhận khu vực FDI đóng góp tích cực cho nền kinh tế, song ông Phạm Đình Thúy lưu ý cần đánh giá và kỳ vọng tương lai DN trong nước phát triển vươn lên, đầu tư mạnh vào công nghệ cao để giảm bớt phụ thuộc vào tăng trưởng của khối FDI.

“Ẩn số” Donald Trump

Hồ hởi với tăng trưởng quý I lên tới 7,38%, có ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,7% chỉ là chuyện nhỏ, khi mà những năm qua, tăng trưởng quý sau thường cao hơn quý trước. Tuy nhiên “truyền thống” này có thể sẽ không lặp lại trong năm nay.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lưu ý: Năm nay việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước sẽ không còn nếu không có động lực thúc đẩy. Vì thế, con số 6,7%, “vẫn là thách thức chứ không phải đơn giản”.

Một trong những lý do là Việt Nam có độ mở nền kinh tế cao. Năm 2017, độ mở kinh tế là 200%. Điều này thể hiện tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tổng cầu thế giới. Nếu tổng cầu 2018 của thế giới tốt Việt Nam sẽ hưởng lợi và ngược lại.

Ông Donald Trump muốn thực hiện tuyên ngôn "Nước Mỹ trên hết"

Đơn cử như những quyết định đột ngột của Tổng thống Mỹ Donald Trump để thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết” (American First). Đánh nặng thuế thép, nhôm; đánh thuế 60 tỷ USD với hàng Trung Quốc, cá tra Việt Nam chịu thuế cao kỷ lục,... là một vài quyết định của ông Trump có thể khiến Việt Nam chịu tác động trực tiếp lẫn gián tiếp.

Cùng với việc bảo hộ, Mỹ cũng đã cải cách thuế, trong đó cắt giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp trong nước.

Ông Đinh Tuấn Minh cũng nhìn nhận các động thái của ông Donald Trump là một vài rủi ro ảnh hưởng đến Việt Nam mà không thể “nói trước được điều gì”.

“Chẳng hạn trường hợp Trung Quốc bị Mỹ áp thuế mạnh với hàng nhập khẩu, để duy trì công suất các nhà máy trong nước, Trung Quốc sẽ đẩy hàng hóa sang Việt Nam và các nước xung quanh để giảm phụ thuộc vào Mỹ. Đây có thể là sức ép với doanh nghiệp Việt Nam”, ông Đinh Tuấn Minh dẫn chứng.

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng: "Chiến tranh thương mại chỉ là con bài chính trị. Mỹ tuyên bố mạnh mẽ nhưng cuối cùng cũng thỏa hiệp. Chúng tôi nghĩ không lo lắng chiến tranh thương mại. Chúng tôi lo nhất chính sách cải cách và giảm thuế của Mỹ tác động nhiều tăng trưởng kinh tế toàn cầu".

Năm 2018 là đợt cắt giảm thuế nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Đó cũng là cam kết của Donald Trump khi bầu cử. Khi thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống còn 21%, doanh nghiệp Mỹ thấy quay về đầu tư lợi hơn nhiều. Cho nên, dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể sẽ quay lại Mỹ. Các DN nước ngoài thấy đầu tư ở Mỹ thuế thấp họ cũng sẽ đổ xô vào. Do đó, dòng vốn đầu tư ở Việt Nam sẽ có tác động.

Đây là điều cần phải quan tâm. Thế nên trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo cần chủ động ứng phó với thay đổi chính sách của Mỹ và các nước.

“Giảm thuế của Mỹ ảnh hưởng đến Việt Nam nhiều hơn là câu chuyện về cuộc chiến tranh thương mại”, ông Nguyễn Bích Lâm chia sẻ.

“Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% thì Chính phủ và bộ ngành địa phương, doanh nghiệp phải nỗ lực rất nhiều, tận dụng thời cơ, giảm thiểu khó khăn”, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Tác giả: Lương Bằng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP