Giáo dục

Du học sinh dần biến mất tại Nhật Bản

Do chính sách phòng dịch chặt chẽ, Nhật Bản đang mất dần số lượng lớn sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế.

Hai năm sau khi Nhật Bản đóng cửa biên giới để phòng dịch, khoảng 150.000 sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế vẫn chưa thể quay lại quốc gia này học tập.

Sự vắng bóng số lượng lớn những nhân tài này đã khiến các trường đại học, phòng thí nghiệm và doanh nghiệp trong nước phải đau đầu.

Đối với Nhật Bản, đất nước đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số, lượng du học sinh quốc tế đóng vai trò không nhỏ đối với thị trường lao động, đặc biệt khi họ còn đóng góp khoản học phí đáng kể, theo SCMP.

Đóng cửa

Một số lãnh đạo doanh nghiệp tại Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo về những tác động rõ ràng của chính sách phòng dịch đối với nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động.

Đáng chú ý, thêm một tác động khác khó quan sát nhưng có ảnh hưởng lâu dài hơn đó chính là sự sụt giảm “quyền lực mềm” của Nhật Bản trên khắp thế giới: danh tiếng học thuật.

Gần một nửa số trường đại học tư nhân với chương trình học 4 năm của Nhật Bản không tuyển đủ sinh viên năm nhất vào năm 2021. Ảnh: Shutterstock.

Tại viện nghiên cứu Riken, nhà di truyền học Piero Carninci cho biết ông đã tận mắt chứng kiến vấn đề này. Ông không thể tuyển dụng đủ số lượng nhà nghiên cứu tin sinh học phục vụ cho dự án, nhất là khi các tài năng nước ngoài đã “biến mất” trong hai năm qua.

“Phòng thí nghiệm của tôi đang hoạt động chậm lại. Chúng tôi thực sự gặp khó khăn. Quốc tế hóa trong khoa học là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi vì bạn không thể có tất cả kiến thức chuyên môn nếu chỉ có nhân lực ở cùng một quốc gia”, nhà nghiên cứu đoạt giải về di truyền học, có công trình được trích dẫn trong 60.000 bài báo, nói.

Một nghiên cứu chính phủ cho thấy vào năm 2021, Nhật Bản đã rơi xuống vị trí thứ 10 thế giới về số lượng các bài báo khoa học đáng chú ý được công bố, xếp sau Ấn Độ. 20 năm trước, Nhật Bản nằm ở vị trí thứ 4.

Trong khi đó, theo một lãnh đạo tại Tổng công ty Xúc tiến và Hỗ trợ trường tư thục Nhật Bản, gần một nửa số trường đại học tư nhân hệ 4 năm không thể lấp đầy sinh viên năm nhất vào năm 2021, tăng 15 điểm phần trăm so với năm trước.

Vị này cũng cho biết lý do bởi rất đông sinh viên Nhật Bản bỏ học, đồng thời sụt giảm mạnh số lượng du học sinh nước ngoài.

Những người nước ngoài chờ để được xét nghiệm Covid-19 tại Sân bay Narita (Nhật Bản) vào tháng 12/2021. Ảnh: The Japan Times.

Vào tuần trước, hơn 100 học giả và chuyên gia quan hệ quốc tế đã ký một lá thư yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mở lại biên giới. Nhiều người dân nước ngoài cũng đã biểu tình bên ngoài các đại sứ quán Nhật Bản, kêu gọi cho sinh viên và người lao động được nhập cảnh.

Cũng trong thời gian trên, chính phủ Nhật Bản cho biết họ sẽ đưa ra một quy định ngoại lệ, cho phép 87 sinh viên được nhà nước tài trợ vào nhập cảnh vào quốc gia.

'Tôi như bị phản bội'

Theo SCMP, sinh viên quốc tế cung cấp cho Nhật Bản một số lượng người lao động nhất định, đặc biệt là công việc làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi.

Yohei Shibasaki, cố vấn tuyển dụng quốc tế cho các công ty dịch vụ và công nghệ, cho biết ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, Nhật Bản đã không có đủ sinh viên quốc tế để đáp ứng nhu cầu lao động.

Ông ước tính vào giai đoạn trước đại dịch, có khoảng 170.000 sinh viên quốc tế tại các trường thương mại và ngôn ngữ ở Nhật Bản, hầu hết trong số họ làm việc bán thời gian.

Hiroshi Mikitani, giám đốc điều hành của tập đoàn thương mại điện tử Rakuten, người chuyên tuyển dụng kỹ sư nước ngoài, cho biết các biện pháp phòng dịch nên được xem xét lại vì chúng không mang lại hiệu quả thực tế và “chỉ là một điểm trừ cho nền kinh tế”.

Các doanh nghiệp trong nước cảnh báo về tình trạng thiếu hụt người lao động. Ảnh: BBC.

Trong khi đó, trên mạng xã hội, các sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế vẫn đang than vãn. Họ đồng loạt phàn nàn khi phải trả tiền để tham gia các lớp học trực tuyến vào lúc nửa đêm, mất học bổng và hàng tháng trời mệt mỏi chờ đợi sự thay đổi quy định phòng dịch.

Một số người đã cạn kiệt tiền tiết kiệm. Một số khác lại từ bỏ nguyện vọng học tập tại Nhật Bản, theo đuổi một quốc gia khác.

Davide Rossi, người điều hành một cơ quan xúc tiến du học, cho biết Nhật Bản không còn là điểm đến học tập và nghiên cứu được yêu thích nhất ở Đông Á. Các sinh viên đang đổ đến Hàn Quốc nhiều hơn.

Sujin Song, 20 tuổi, sinh viên chuyên ngành khoa học đến từ Hàn Quốc, đã bị mất học bổng tại Nhật Bản nhưng vẫn cố gắng theo đuổi chương trình học trực tuyến. Cô không thể nhập cảnh vào đất nước mặt trời mọc từ tháng 11.

“Tôi thực sự thích Nhật Bản. Nhưng giờ đây, tôi cảm thấy như mình bị phản bội”, Song nói.

Tác giả: Thục Hạnh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP