Sáng 13/12, trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết, những người yêu thiên văn ở Việt Nam sẽ được ngắm trận mưa sao băng lớn nhất năm, Geminids, vào đêm 13 rạng sáng 14/12.
Ông Sơn cho hay, vào lúc cực điểm, người yêu thiên văn có thể nhìn thấy 100 - 120 vệt sao băng mỗi giờ tại những nơi quan sát lý tưởng.
Mưa sao băng Geminids đạt cực điểm vào đêm 13, rạng sáng 14/12 này (Ảnh: Thiên văn Việt Nam). |
Ông Sơn cho biết thêm, để quan sát trận mưa sao băng này, người xem không cần sử dụng công cụ hỗ trợ nào, quan sát bằng mắt thường là tốt nhất. Nên chọn vị trí quan sát có góc nhìn rộng, ít ánh sáng nhân tạo.
Hơn hết, người xem cần xác định được khu vực trung tâm của nó. Đó là chòm sao Geminids, hay chính xác hơn là khu vực lân cận sao Castor - ngôi sao sáng thứ hai của chòm sao này.
Bởi vào những đêm của tháng 12, người yêu thiên văn có thể thấy chòm sao Geminids mọc vào khoảng 20 giờ ở hướng Đông và lên rất cao vào giữa đêm trước khi dịch chuyển dần về chân trời phía Tây. Điều đó có nghĩa mưa sao băng có thể quan sát trong cả đêm. Mặc dù vậy, thời điểm lý tưởng vẫn là sau nửa đêm.
Tuy nhiên theo chuyên gia thiên văn học Đặng Vũ Tuấn Sơn, với tình hình thời tiết nhiều mây như hiện nay thì ở Việt Nam sẽ khó quan sát được hiện tượng này.
Geminids là mưa sao băng xuất phát từ những mảnh vụ của tiểu hành tinh 3200 Paethon - một hành tinh nhỏ có đường kính khoảng 5km và chuyển động quanh mặt trời trên quỹ đạo có chu kỳ 1,4 năm.
Những mảnh vụn của tiểu hành tinh này để lại trên đường đi của nó khi tới mặt trời là rất nhiều thiên thạch nhỏ.
Geminids không chỉ được chú ý bởi lượng sao băng nhiều mà còn bởi thường có nhiều sao băng rất sáng.
Tác giả: Thanh Hải
Nguồn tin: Báo VietNamNet