Trong nước

Đối tượng kê khai tài sản: Kiểm soát vị trí có nguy cơ tham nhũng

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, Dự luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi nên quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo hướng thu hẹp, nhưng nghiên cứu bổ sung đối tượng công tác tại những vị trí, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, phải chuyển đổi công tác theo định kỳ.

Ông Nguyễn Hữu Cầu. Ảnh: TN

Hơn 1 triệu người kê khai tài sản: Vừa thừa, vừa thiếu

Một trong những nội dung quan trọng để ngăn ngừa tham nhũng là xác định đúng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản nhằm kiểm soát thu nhập của họ.

Theo quy định hiện hành, đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hơn 1 triệu người. Đây là con số không nhỏ so với nhiều nước trong khu vực. Đáng nói, với cách xác định đối tượng có nghĩa vụ kê khai này lại vừa thừa, vừa thiếu và chưa bao quát được hết các đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập để phòng ngừa nguy cơ tham nhũng.

Vấn đề đặt ra là loại bỏ bớt những đối tượng không cần thiết phải đưa vào diện kiểm soát tài sản, thu nhập; bao quát các đối tượng theo tinh thần chỉ đạo tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm việc kê khai được thực chất, hiệu quả hơn, tránh tính hình thức.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật PCTN (sửa đổi), quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng, cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập. Theo đó, tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức cấp xã) bắt buộc phải kê khai tài sản, thu nhập.

Sau khi kê khai lần đầu, những đối tượng này chỉ phải kê khai bổ sung nếu được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, được dự kiến cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc khi có biến động tài sản, thu nhập đến ngưỡng phải kê khai bổ sung.

Ý kiến khác lại đề nghị, thu hẹp, chỉ tập trung vào đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ cao (từ 0,7 trở lên ở cấp Trung ương và 0,9 trở lên ở cấp địa phương) và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao do Chính phủ quy định.

Lo mở rộng sẽ “loãng”, thu hẹp lại không hiệu quả

Theo Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, với quy định hiện hành việc kê khai tài sản, thu nhập thấy còn hình thức, chưa hiệu quả. Nếu lại mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập sẽ bị “loãng”, vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.

Còn thu hẹp đối tượng căn cứ vào hệ số phụ cấp chức vụ cũng không mang lại hiệu quả. “Có những người có hệ số phụ cấp chức vụ cao như: ĐBQH chuyên trách, những người tham gia trong lĩnh vực khoa học… nhưng vị trí của họ không có nguy cơ tham nhũng. Việc đưa những đối tượng này vào diện phải kê khai cũng không mấy ý nghĩa”, ông Cầu dẫn chứng.

Để nâng cao hiệu quả kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, theo Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Dự thảo Luật nên quy định theo hướng thu hẹp đối tượng, nhưng nghiên cứu bổ sung đối tượng công tác tại những vị trí, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng và phải chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ.

“Nhằm chủ động phòng, ngừa tham nhũng, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức”, ông Cầu nói.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức ở vị trí quản lý tài chính, ngân sách, tài sản của Nhà nước; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; hoạt động hải quan, thuế, kho bạc, dự trữ quốc gia; quản lý công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng…. định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

“Tùy từng vị trí, thời gian chuyển đổi có thể khác nhau, có thể từ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Như vậy, pháp luật đã có quy định rõ về từng vị trí cũng như thời gian chuyển đổi vị trí. Việc quy định này là cần thiết, bởi nếu không kiểm soát chặt chẽ, vị trí này có nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng”, ông Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Chưa có cơ chế kiểm soát thu nhập ngoài lương

Tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nặng về hình thức; hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh, kiểm chứng; chưa giúp cho các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Công tác quản lý, theo dõi việc kê khai, công khai, xác minh về tài sản, thu nhập chưa có tính hệ thống; thu nhập ngoài lương còn khá phổ biến nhưng chưa có cơ chế để kiểm soát; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các giao dịch về tài sản, kiểm soát thu nhập còn hạn chế…

Tác giả: Thảo Nguyên

Nguồn tin: thanhtra.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP