Kinh tế

Đổi thay ở 'vùng đất của phỉ'

Vùng đất nghèo khó bao đời nay ở gần biên ải Tam Hợp (H.Tương Dương, Nghệ An) đang cựa mình thay đổi khi làng thanh niên lập nghiệp ra đời, mở ra một cách làm ăn cho người dân bản.

Cây chanh leo, một trong những cây trồng đang mở ra hướng thoát nghèo cho người dân Tam Hợp
Con chết vì bố không có tiền đưa đi viện

Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, từ quốc lộ 7, chiếc xe bán tải oằn mình vượt qua con đường đầy ổ voi và những cái vồng khoai, mới đến được bản Huồi Sơn (xã Tam Hợp). Anh Vương Trung Úy, Phó chỉ huy Làng thanh niên lập nghiệp Tam Hợp (gọi tắt Làng Tam Hợp), cho hay con đường từ quốc lộ 7 vào trung tâm xã hơn 20 km nay đã được trải nhựa gần xong, chứ 2 năm trước, phải mất gần 3 tiếng mới đến nơi. Đó là một trong những lý do để chứng minh cho sự khó khăn của vùng đất nơi biên viễn này.

Ngày 18.10.2013, T.Ư Đoàn ra quyết định thành lập Làng Tam Hợp với mục tiêu chuyển giao cách thức sản xuất mới cho bà con dân bản và tham gia bảo vệ rừng, an ninh biên giới.

Dù đã có gần 20 năm chinh phục các vùng đất khó ở biên giới để mở làng, nhưng anh Úy khẳng định chưa nơi nào khi đặt chân đến anh lại thấy dân nghèo và khó khăn như vùng này. Một gia đình có con nhỏ bị ốm, tử vong, đại diện ban chỉ huy làng đến chia buồn. Người cha là một thanh niên mới hơn 20 tuổi, ngồi ủ rũ kể con chết do sốt cao nhưng nhà không có đồng nào để đưa đi bệnh viện.

Câu chuyện đau lòng ấy như nhát dao cứa vào tim những người được cử đến để tái dựng cuộc sống người dân nơi đây. Anh Úy nói, rất tiếc vì đã không biết trước sự việc để có thể hỗ trợ bố mẹ đứa trẻ và nó trở thành câu chuyện buồn ám ảnh anh.

Người dân ở 2 bản Huồi Sơn và Phà Lõm đều là đồng bào Mông, cuộc sống chỉ dựa vào rừng. Họ sống trong những căn nhà thấp lè tè, dựng tạm bợ, bên trong gần như không có tài sản gì đáng giá. Ngoài những rẫy lúa, nhà nào siêng lắm may ra chỉ đủ gạo ăn. Thời gian ngoài làm rẫy, họ đi săn thú về làm thức ăn và đổi lấy gạo. Nhưng thú rừng nay cũng kiệt dần nên nhiều cuộc đi săn chỉ về tay không.

Vùng đất này từng bị phỉ xâm nhập tận vào bản làng. Năm 2004, trung úy biên phòng Và Bá Giải trong một lần truy đuổi những kẻ tình nghi xâm nhập biên giới đã bị bọn phỉ phục kích bắn trả khiến anh Giải hy sinh. Có thời điểm, dân bản nơi đây bị coi là “vùng đất của phỉ” khiến người dân càng thêm sống trong mặc cảm.

Dân đã có thu nhập 25 - 30 triệu đồng/năm

Năm 2014, anh Úy cùng 11 anh em khác nằm trong định biên của làng đến đây dựng lán để lập làng mới. Đường đất đá, dốc dựng đứng, điện chưa có. Một năm sau, khu đất cheo leo trên sườn đồi được san phẳng, nhà cửa dần mọc lên, những vườn rau trái cũng được phủ xanh. Con đường từ đầu bản Huồi Sơn đến cuối bản được đổ bê tông, điện lưới được kéo về.

Năm 2015, ban chỉ huy làng và phòng nông nghiệp huyện về họp dân để chỉ cho dân trồng chè Tuyết San. Tại cuộc họp, dân bản tỏ ra phấn khởi nhưng lo lắng: “Bảo trồng thì ta trồng, nhưng thu hoạch ta biết bán cho ai?”. Ban chỉ huy làng phải đứng ra cam kết thu mua, dân mới chịu và đến nay người dân đã trồng được 10 ha chè.

Đến khi trồng cây nghệ cũng vậy. Sau khi được cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, dân bắt ban chỉ huy làng cam kết thu mua mới mang về trồng. Năm 2016, dân thu được 6 tấn nghệ củ, được làng thu mua nên dân rất mừng và năm nay làng cấp lại 10 tấn giống cho dân với cam kết có bao nhiêu sản phẩm sẽ thu mua hết.

Sau khi trồng thử nghiệm cây chanh leo và cho sản phẩm tốt, Làng Tam Hợp và Phòng Nông nghiệp H.Tương Dương triển khai cho người dân bản trồng. “Trăm nghe không bằng một thấy”, để người dân tin và thấy giá trị của loại cây này, ban chỉ huy làng đã thuê ô tô, đưa trưởng bản và một số hộ dân cùng cán bộ xã vượt gần 200 km đến H.Quế Phong (Nghệ An) để xem các mô hình mà người dân ở đó đã trồng.

Sau khi được chứng kiến hiệu quả bất ngờ của cây chanh leo và trước lời hứa ban chỉ huy làng sẽ đứng ra thu mua giúp cho dân để chuyển nhà máy chế biến, dân bản rất an tâm. Hiện đã có 20 hộ nhận trồng cây chanh leo với diện tích 5 ha và với sản lượng như đã trồng thử nghiệm, mỗi héc ta chanh sẽ cho thu về khoảng 80 triệu đồng.

Đứng trong vườn chanh vừa trồng được hơn tháng nhưng cây đã leo lên giàn và sẽ cho quả vào cuối năm nay, anh Vừ Giống Hùa (bản Huồi Sơn) rất phấn khởi. Anh Hùa là một trong số 19 hộ gia đình được nhận hỗ trợ từ dự án làng thanh niên lập nghiệp mỗi hộ 30 triệu đồng để tách hộ, giãn dân ra dựng nhà sinh sống riêng. Khu vườn chanh nằm bên quả đồi phía trên cây bụi và gỗ tạp mọc chi chít vốn bỏ hoang. Sát bên cạnh là căn nhà và vườn chanh leo của anh Lỳ Bá Xồng. 105 gốc chanh đã được làm giàn leo bằng cọc sắt, dây thép rất vững chãi.

Vườn chanh này dự kiến sẽ mang về cho gia đình anh mỗi năm khoảng 25 - 30 triệu đồng. Người đi đầu bản về trồng chanh leo là Trưởng bản Vừ Tồng Long với 250 gốc. “Ta thấy họ làm rất hiệu quả, đầu ra lại tốt nên rất tin tưởng và phấn khởi. Có vườn chanh, ta sẽ không phải đi rừng săn bắn nữa”, ông Long nói.

Ông Vi Cảnh Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, đánh giá từ khi làng thanh niên lập nghiệp ra đời, đời sống của hơn 150 hộ dân ở nơi sâu nhất của vùng trũng này đã thay đổi rất nhiều, từ cơ sở hạ tầng đến tư duy làm ăn.

Tác giả bài viết: Khánh Hoan

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP