Có mặt tại Nhà máy sắn Yên Thành ở xã Công Thành thấy cổng đóng im lìm, phía trong công nhân đang bảo dưỡng máy móc. Đại diện nhà máy cho biết: Thời điểm sản xuất tinh bột thường diễn ra 6 tháng (từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 năm sau), nhưng nhà máy chỉ hoạt động được chưa đầy 1 tháng. Năm nay nhà máy chỉ thu mua được khoảng hơn hơn 3.000 tấn sắn nguyên liệu, trong khi đó các vụ khác thu trên 40.000 tấn. Việc đóng cửa nhà máy khiến cho trên 70 lao động không có việc làm.
Hơn 3 tháng nay, Nhà máy sắn Yên Thành phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu. Ảnh: Văn Trường |
Tại nhà máy chế biến bột sắn xã Nghĩa Long, Nghĩa Đàn cũng nằm trong tình trạng trên. Ông Thái Văn Năm - Giám đốc nhà máy chia sẻ: Nhà máy có công suất trên 200 tấn củ/ngày, nhưng 3 - 4 tháng nay không có nguyên liệu, phải thu gom chạy cầm chừng được 6.000 tấn nguyên liệu, trong khi vụ trước thu mua được từ 45.000 - 50.000 tấn.
Ông Năm cho biết thêm: Nguyên nhân nhà máy thiếu nguyên liệu là do vụ trước giá sắn quá rẻ chỉ 1.000 đồng/kg, nên đa số người dân chuyển đổi sang trồng cây khác. Năm nay giá sắn thu mua cao trên 2.000 đồng/kg thì nông dân lại không có sắn để bán.
Công nhân Nhà máy sắn Yên Thành bảo dưỡng máy móc. Ảnh: Văn Trường |
Tương tự, các nhà máy sắn ở Thanh Chương, nhà máy sắn Hoa Sơn (Anh Sơn) …cũng phải “đắp chiếu” hoặc hoạt động cầm chừng.
Địa bàn Nghệ An hiện có 4 nhà máy sắn và gần 10 cơ sở chế biến sắn nhỏ lẻ tập trung ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn. Lâu nay các nhà máy trên hoạt động khá hiệu quả nhưng trong năm 2017 do thiếu nguyên liệu nên hầu hết các nhà máy phải đóng cửa, kéo theo trên 300 lao động thất nghiệp.
Tính đến thời điểm này, Nghệ An hiện có trên 7.000 ha sắn quy hoạch ở các huyện Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ, Đô Lương… Tuy nhiên vẫn còn phổ biến tình trạng trồng sắn mang tính tự phát, đầu tư thâm canh hạn chế, dẫn đến năng suất thấp. Đặc biệt một số nhà máy thiếu liên kết, hợp tác với nông dân vùng nguyên liệu để có các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân vật tư, phân bón, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nông dân và doanh nghiệp không có sự ràng buộc lẫn nhau, vì thế người dân chuyển đổi từ cây sắn sang cây khác. Đây là nguyên nhân chính khiến các nhà máy thiếu nguyên liệu.
Nhà máy sắn Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn cũng dừng hoạt động do không đủ nguyên liệu. Ảnh: Văn Trường |
Theo các nhà chuyên môn: Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Nghệ An cần quy hoạch lại vùng nguyên liệu sắn theo hướng hợp lý. Các nhà máy sắn cần có sự phối hợp với vùng nguyên liệu để đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng để tăng năng suất như đưa giống mới vào trồng. Các nhà máy cần phải liên kết với nông dân vùng nguyên liệu, có các cơ chế chính sách đảm bảo bao tiêu sản phẩm ổn định thì người trồng sắn mới tin tưởng để phát triển cây sắn.
Tác giả: Văn Trường
Nguồn tin: Báo Nghệ An