Toàn cảnh Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Nam Đàn, Nghệ An đang được tu bổ, tôn tạo - Ảnh: DOÃN HÒA |
Khu lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt hiện đang được tu bổ, tôn tạo.
Qua đường dây nóng, báo Tuổi Trẻ vừa nhận được đơn thư phản ánh của ông Phan Bá Đạt, ngụ tại khu tập thể Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, Hà Nội về việc Khu lưu niệm Phan Bội Châu được tu bổ, tôn tạo nhưng bộc lộ những điểm chưa hợp lý.
Theo ông Đạt, năm 2005, khi chủ trương của tỉnh Nghệ An cho phép lập dự án để tôn tạo nhà cụ Phan Bội Châu, ngoài kinh phí nhà nước, các đơn vị, cá nhân đã ủng hộ xây dựng nhà đón tiếp khách và nhà bảo vệ kiện cố với thiết bị đầy đủ trị giá khoảng 2 tỉ đồng.
Ngoài ra, tượng cụ Phan Bội Châu cũng được đóng góp xây dựng nằm trong khuôn viên khu lưu niệm.
Tuy nhiên, vừa qua, khi trở về thăm khu lưu niệm, ông Đạt bất ngờ khi thấy nhà đón tiếp khách, nhà bảo vệ và tượng cụ Phan Bội Châu bị phá dỡ. Ông Đạt cho rằng vấn đề quy hoạch và xây dựng hiện nay tại di tích này rất lộn xộn khiến di tích giống như bị "băm nát".
Khu vực đặt tượng cụ Phan Bội Châu đã được dỡ bỏ - Ảnh: DOÃN HÒA |
Xung quanh vấn đề này, ngày 3-10, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - trưởng ban quản lý di tích và danh thắng, Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ ngày 31-10-2015, đang được triển khai giai đoạn một với tổng mức đầu tư dự kiến gần 5 tỉ đồng.
Diện tích khu di tích này được mở rộng từ hơn 4.000m² lên hơn 6.400m². Do không gian cũ khá chật hẹp, một số hạng mục công trình bố trí chưa hợp lý nên hướng chính của khu di tích được mở ra đường ven sông Lam.
Để phù hợp với quy hoạch mới, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các nhà chuyên môn về việc xoay hướng khu di tích.
Ngoài ra, Sở Văn hóa, thể thao Nghệ An và Ban quản lý di tích danh thắng cũng lắng nghe ý kiến nhân chứng, đại diện con cháu cụ Phan và có được sự nhất trí cao.
Tiếp đó, UBND tỉnh Nghệ An trình công văn gửi Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch nêu cụ thể nguyên nhân, lý do của việc xoay lại hướng khu di tích và được Bộ thẩm định, đồng ý với phương án trên.
Bà Hạnh cho biết, việc thay đổi hiện trạng di tích đã được xếp hạng xuất phát từ mong muốn tạo ra sự gắn kết, đồng nhất các hạng mục trong khu di tích, qua đó phát huy được hết giá trị văn hóa, lịch sử của Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu; tạo một cảnh quan đẹp trong tương lai khi xây dựng bến sông, thành lập câu lạc bộ ca trù, ví dặm...
Hướng chính của Khu lưu niệm Phan Bội Châu đã được thay đổi - Ảnh: DOÃN HÒA |
Địa điểm Khu lưu niệm Phan Bội Châu hiện nay là quê ngoại và là nơi cụ Phan Bội Châu được sinh ra và sống đến năm 3 tuổi. Ở đây, vốn dĩ mất hết dấu tích. Năm 1987, được sự chấp thuận của Bộ Văn hóa, UBND tỉnh Nghệ An đã cho phép Sở Văn hóa, thể thao và du lịch chuyển nhà của cụ Phan ở quê nội thuộc thôn Sào Nam (nay là xóm 2, xã Xuân Hòa) lên. Đến năm 1992, công trình này được Bộ Văn hóa, thông tin và thể thao xếp hạng di tích quốc gia. |
Tác giả: DOÃN HÒA
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ