Giáo dục

Doanh thu dạy thêm bao nhiêu thì giáo viên phải đóng thuế?

Để được dạy thêm hợp pháp từ ngày 14/2/2025, giáo viên phải thực hiện đăng ký kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế.

Sau khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, các thầy cô (trừ giáo viên tại các trường công lập) muốn dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền học sinh sẽ phải thực hiện đăng ký kinh doanh.

Ngoài việc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh cần phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Về thủ tục đăng ký kinh doanh, trao đổi với Người Đưa Tin, Luật sư Nguyễn Minh Thúy – Văn phòng Luật sư Vạn Bảo, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức muốn đăng ký kinh doanh có thể lựa chọn một trong các loại hình doanh nghiệp sau: Công ty; Doanh nghiệp tư nhân; Hộ kinh doanh; Tổ hợp tác; Hợp tác xã.

Luật sư Nguyễn Minh Thúy – Văn phòng Luật sư Vạn Bảo, Đoàn luật sư Hà Nội.

Vì Thông tư 29 chỉ yêu cầu cá nhân, tổ chức muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng không áp đặt loại hình doanh nghiệp. Do vậy, tùy thuộc vào nhu cầu và quy mô hoạt động cụ thể của cơ sở dạy thêm mà các giáo viên có thể chủ động tự lựa chọn loại hình doanh nghiệp để đăng ký dạy thêm, học thêm.

"Căn cứ vào thực tiễn nhu cầu thị trường hiện nay, tôi nhận thấy loại hình Hộ kinh doanh là phù hợp nhất để giáo viên có thể đăng ký hợp pháp việc dạy thêm, học thêm của mình. Vì nó thỏa mãn được tiêu chí thủ tục đăng ký nhanh gọn, đơn giản, các chính sách về thuế và quy định pháp luật về thuế của Hộ kinh doanh dễ thực hiện", luật sư tư vấn.

Ở đây, thầy cô có nhu cầu thành lập Hộ kinh doanh sẽ thực hiện đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy Chứng nhận đăng ký Hộ kinh trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Nếu phù hợp theo quy định của pháp luật về đăng ký thuế, Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế tự động tạo mã số Hộ kinh doanh và thực hiện phân cấp cơ quan thuế quản lý đối với Hộ kinh doanh.

Nếu giáo viên đăng ký kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh, thầy cô sẽ đóng 2 khoản thuế là môn lệ phí (thuế) môn bài của hộ kinh doanh cá thể và Thuế khoán.

Thông tư 29 quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm (Ảnh: Hữu Thắng).

Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP thì mức thu lệ phí môn bài đối với hộ kinh doanh cá thể được tính dựa theo doanh thu bình quân hàng năm.

Cụ thể như sau: doanh thu trên 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài 1.000.000 đồng/năm; Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm lệ phí môn bài 500.000 đồng/năm; Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm lệ phí môn bài 300.000 đồng/năm; Doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống sẽ được miễn lệ phí môn bài.

Luật sư cho biết hiện nay các Hộ kinh doanh thành lập sẽ được miễn thuế môn bài năm đầu tiên nên thời điểm bắt đầu tính doanh thu là từ tháng 1 năm tiếp theo sau năm thành lập.

Thuế khoán là mức thuế cố định hàng tháng/quý hộ kinh doanh cá thể phải nộp; mức thuế khoán do Cơ quan thuế quy định dựa trên những thông tin kê khai/doanh thu hoạt động thực tế của hộ kinh doanh. Thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh được tính theo phương pháp khoán.

Về băn khoăn, ngoài đăng ký kinh doanh, giáo viên có phải thực hiện các giấy phép "con" khác hay không, bà Nguyễn Minh Thúy trả lời căn cứ theo các quy định cũng như tinh thần của Thông tư số 29 hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm không cần phải có Giấy phép hoạt động mà chỉ cần Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (tuỳ thuộc vào loại hình mà giáo viên đăng ký).

Giảm áp lực thi cử, thay đổi phương pháp kiểm tra đánh giá để hạn chế học thêm (Ảnh: Hữu Thắng).

Tuy nhiên, để nói hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm không cần giấy phép "con" khác là không hoàn toàn chính xác.

Ở đây, luật sư cho hay: "Ngoài Giấy phép hoạt động thì một cơ sở kinh doanh bất kỳ phải tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy hoặc quy định về an toàn trật tự, an ninh xã hội. Do vậy, cần thiết phải có thêm những hướng dẫn chi tiết khác của cơ quan chủ quản về lĩnh vực giáo dục là Bộ GĐ&ĐT và các cơ quan quản lý chuyên môn khác để hướng dẫn chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập cơ sở dạy thêm".

Khi đó mới có thể xác định được hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm có phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; Giấy phép phòng cháy chữa cháy,..

Trước câu hỏi, đối với những giáo viên không đăng ký kinh doanh, dạy thêm "chui" sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật như thế nào?

Luật sư cho biết căn cứ Nghị định 122 xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký doanh nghiệp, trường hợp giáo viên hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ chịu chế tài nghiêm khắc hơn trường hợp hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh mà không đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Cụ thể, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký;

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định.

Thời điểm này, nhiều trường THCS, THPT tạm ngừng hoạt động dạy học tăng cường nhằm ôn tập cho học sinh lớp 9, lớp 12 chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Lý do là chờ hướng dẫn của địa phương trong thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14.2.

Về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biếtChương trình các môn học đã quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Thời lượng đó đã bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung giáo dục theo yêu cầu của chương trình, bao gồm cả thời gian ôn tập, kiểm tra.

Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong thời lượng quy định của chương trình.

Tác giả: Nguyễn Hoa Trà

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP