Trong nước

Điều động ông Trương Tấn Sơn từ TP.HCM về Tỉnh ủy Long An theo quy trình nào?

Quy trình để UBND TP.HCM điều động ông Trương Tấn Sơn, ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, đến nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An được quy định rõ trong luật.

Ông Trương Tấn Sơn (bên trái) khi nhận quyết định giữ chức ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận Tân Bình ngày 4-8-2022 - Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Thông tin Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình Trương Tấn Sơn đang là công chức do TP.HCM quản lý đến nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An được nhiều bạn đọc quan tâm vì sao công chức địa phương này lại được điều động sang địa phương khác?

Quy trình điều động, tiếp nhận ra sao?

Việc điều động ông Trương Tấn Sơn được thực hiện theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức.

Theo đó, việc điều động công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức và giữa các cơ quan, tổ chức.

Công chức được điều động phải đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm mới.

Về thẩm quyền điều động công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp quản lý công chức quyết định việc điều động công chức thuộc thẩm quyền quản lý hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Quan trọng hơn, muốn được điều động từ nơi này đến nơi khác cần sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan đang công tác và cơ quan dự kiến chuyển đến. Khi đó công chức được điều động không phải thi tuyển công chức mà làm thủ tục thuyên chuyển công tác.

Quy định số 80 năm 2022 của Bộ Chính trị quy định quy trình điều động sẽ căn cứ quy hoạch cán bộ, yêu cầu công tác, phẩm chất, năng lực, sở trường, uy tín và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định điều động cán bộ thuộc phạm vi quản lý.

Với chức danh phó chủ tịch UBND quận, ông Sơn là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM quản lý nên việc điều động do Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM xem xét, quyết định và UBND TP ra quyết định điều động.

Trước khi điều động, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan tham mưu tổ chức, cán bộ tiến hành trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi tiếp nhận cán bộ dự kiến điều động.

Tiếp đó, trao đổi, lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo nơi cán bộ đang công tác về chủ trương điều động. Người được giới thiệu phải đạt số phiếu trên 50% so với tổng số người được triệu tập. Trường hợp số phiếu đạt tỉ lệ 50% (không quá bán) do người đứng đầu xem xét, quyết định.

Đồng thời phải lấy đánh giá, nhận xét của địa phương, cơ quan, đơn vị và hồ sơ nhân sự theo quy định. Cùng với đó, gặp cán bộ để trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Cuối cùng, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự và lập tờ trình báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm ông Trương Tấn Sơn thế nào?

Theo nghị định 138 năm 2020 (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức), Tỉnh ủy Long An cũng sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với ông Sơn. Nếu ông Sơn do cơ quan, tổ chức đề xuất, tập thể lãnh đạo cơ quan, tổ chức sẽ thảo luận, thống nhất về chủ trương và gặp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi ông Sơn được đề nghị bổ nhiệm đang công tác về chủ trương điều động và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức đối với nhân sự.

Cùng với đó, nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch và thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết nhân sự bằng phiếu kín.

Ông Sơn phải đạt tỉ lệ trên 50% tổng số thành viên tập thể lãnh đạo đồng ý. Trường hợp đạt tỉ lệ 50% thì do người đứng đầu quyết định, đồng thời báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Cuối cùng là ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Nếu trường hợp ông Sơn do cơ quan cấp trên có thẩm quyền dự kiến điều động, bổ nhiệm, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ tiến hành trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức tiếp nhận ông Sơn.

Trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức nơi ông Sơn đang công tác về chủ trương điều động, bổ nhiệm và lấy nhận xét, đánh giá của tập thể lãnh đạo và cấp ủy cơ quan, tổ chức; nghiên cứu hồ sơ, xác minh lý lịch.

Gặp ông Sơn để trao đổi ý kiến về yêu cầu nhiệm vụ công tác. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định về nhân sự và ra quyết định bổ nhiệm theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Tác giả: TIẾN LONG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP