“Hãy ngồi vững nhé. Nước xiết lắm đấy”, anh chàng lái đò trên sông Nậm Nơn căn dặn chúng tôi khi vừa rời bến thuyền cạnh Ủy ban xã Mỹ Lý một quãng ngắn. Quãng đường từ bản Xiềng Tắm, trung tâm xã lên bản Yên Hòa chỉ mất hơn chục phút ngồi thuyền máy nhưng cũng đủ khiến những ai không quen với sóng nước nơi đây vài phen thót tim. Mấy ngày phía thượng nguồn mưa lớn, nước đổ về cuồn cuộn như thể dòng sông đang tức tưởi, dỗi hờn.
Bước chân lang thang đưa chúng tôi vào đất Mỹ Lý. Vừa may gặp đoàn cán bộ huyện vào địa bàn vùng biên giới này dự lễ ra mắt một câu lạc bộ dân ca Thái. Thực tình mà nói thì từ lâu, những điệu dân ca đã sống cùng cuộc đời tinh thần của bao lớp người ở các làng bản vùng biên xã Mỹ Lý.
Bản Yên Hòa cũng không ngoại lệ. Tôi từng nghe một bà mế ở Yên Hòa hát rằng: “Về đây không có đường rộng nhưng câu khắp, câu nhuôn luôn vui vầy làng bản”. Thế mà hôm nay mới có câu lạc bộ dân ca ư? Dù có hay không một câu lạc bộ thì những điệu dân ca vẫn đã và sẽ sống tốt trong sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng làng bản.
Đã mấy bận tôi ghé thăm bản Yên Hòa chỉ đơn giản để chiêm ngưỡng ngôi tháp cổ. Một công trình kiến trúc hoàn toàn xa lạ với nhà sàn Thái. Nó tạo nên điều đặc biệt hấp dẫn với những đồn đoán về đời sống của ngọn tháp. Người ta cho là kiến trúc Phật giáo của người Lào. Người thì bảo rằng nơi đây xưa kia có hẳn một vương quốc trù phú, hùng mạnh. Cạnh ngọn tháp là một cây bồ đề, biểu tượng của Phật giáo. Nghe đâu cây bồ đề được trồng từ ngày xây tháp nhưng nó đã chết đi và cái cây hiện tại đã là lứa cây thứ ba.
Chúng mọc, già đi rồi chết như quy luật của bánh xe luân hồi. Ngọn tháp xây bằng gạch nung đã đứng sừng nơi đây trước khi có bản Yên Hòa. Nghe đâu trước kia ở bản Xằng Nưa, trung tâm xã là bản Xiềng Tắm cũng có những ngọn tháp lớn nhỏ. Thế rồi từ sau cách mạng tháng Tám chúng bị phá đi. Tượng đồng đặt trong tháp bị trộm sạch. Chính ngọn tháp ở bản Yên Hòa cũng bị phá hoại cho hư hại, ít nhiều tượng Phật cũng bị đánh cắp.
Kể cũng là một điều hạnh ngộ kỳ duyên khi quần cư người Thái chọn lập bản cạnh ngọn tháp. Họ cho rằng đó là vùng đất thiêng, cư ngụ nơi đây vừa để “canh” ngọn tháp thiêng vừa tránh được tai ách, bệnh tật. Không phải ngẫu nhiên mà người xưa chọn dựng tháp ở đó.
Mưa dần nặng hạt, thế mà khoảng sân trước nhà văn hóa bản Yên Hòa vẫn đông đúc người. Hầu hết đều là dân trong bản đến xem ra mắt câu lạc bộ dân ca. Hóa ra, chẳng hề như ý nghĩ ban đầu của tôi, đối với họ, một câu lạc bộ để tập hợp những người yêu các làn điệu dân ca Thái trong một nhóm hội cũng rất quan trọng. Đón chúng tôi từ bến thuyền, bà mế Vi Thị Dần cười nói rổn rảng: “Người hát dân ca thì nhiều nhưng chờ mãi mới có được một câu lạc bộ để cùng nhau học hỏi. Vậy cũng coi như sự kiện quan trọng trong bản rồi. Mình nghe nói thì đăng ký tham gia ngay.”
Giữa màn mưa, trên sân khấu được dựng lên sơ sài, dân dã, những tiết mục văn nghệ vẫn diễn ra hồn nhiên như một đêm văn nghệ mà chúng tôi vẫn thường bắt gặp trong những chuyến ngược ngàn. Người xem hát, kẻ thì ngồi trong nhà trông ra, người thì ngồi ngay trên các hàng ghế được kê bên sân khấu nhưng ai nấy đều mê mải, mặc cho áo và tóc đều lượt thượt nước mưa.
Một hình ảnh thật hiếm thấy. Ở một nơi heo hút nhưng bà con vẫn được tiếp xúc với truyền hình vệ tinh. Họ chẳng lạ lẫm gì những chương trình ca nhạc được đầu tư bài bản, những bộ phim hay, các game show truyền hình… Thế nhưng khi một điệu dân ca ngân lên, cả bản chẳng quản ngại đội mưa đến cùng nghe với vẻ say đắm.
Chương trình ra mắt CLB dân ca Thái được tổ chức ngắn gọn lại bởi thời tiết không ủng hộ. Lúc này phần hội mới thực sự bắt đầu. Trong không gian ngôi nhà văn hóa bản, những điệu dân ca lại ngân lên. Bên mâm cơm sum vầy trong ngày vui hội ngộ, các mế mở đầu cho cuộc hát ghẹo.
Trong phút chốc, họ trở thành những nghệ sỹ ứng tác thực sự. Một bên nữ, một bên nam đối đáp qua lại. Tất cả đều là lời hay ý đẹp: Anh nói yêu em sao không nói lúc đôi mươi/Khi trăng với sao mọc lúc chiều muộn/Bàn chân phải, cánh tay trái còn vững như nhau… Bên nam liền đối: Khi anh còn trẻ còn đi buôn mường Lào/ Khi em còn con gái anh còn lo tìm gỗ tốt dựng nhà/ Đến khi già, đã có tuổi, em đã về nhà chồng…
Mỗi bài đối hay đều nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng. Và cuộc thi hát cứ thế kéo dài cho đến khi ánh nắng bắt đầu xuất hiện. Lúc này Mặt Trời đã ngả hẳn về tây. Chúng tôi lại hát lời giã biệt: Anh về nhé, về mường chợ đừng gặp phải cơn mưa/ Về mường người Kinh đừng gặp cơn ốm/Thương người bản nhỏ nước mắt chờ mong.
Tôi biết rằng đó chỉ là những lời hát giao duyên, một sinh hoạt văn hóa tinh thần rất đỗi bình thường. Nhưng khi bước lên thuyền, nhìn lại đoàn người đi tiễn chân, tôi biết rằng đó là những lời khắc cốt ghi tâm thực sự. Những người dân bản hiếu khách nơi đây thực sự mong chúng tôi trở lại. Dòng Nậm Nơn vẫn cuồn cuộn chảy. Và dường như trong tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, đâu đó có những khúc dân ca.
Nguồn tin: Báo Nghệ An