Thể thao

Đi 7 lần mới xin học được cho trung vệ Bùi Tiến Dũng

Lãnh đạo Trung tâm thể thao Viettel cho biết đã phải đi 7 lần thuyết phục lãnh đạo các trường phổ thông ở Hà Nội để xin học cho trung vệ tuyển thủ U-23 VN Bùi Tiến Dũng và các đồng đội của Dũng tại CLB Viettel.

Lãnh đạo Trung tâm thể thao Viettel cho biết họ phải đi đến lần thứ 7 để năn nỉ các trường trong việc xin học văn hóa cho trung vệ Bùi Tiến Dũng (phải). Ảnh: NAM KHÁNH

Làm sao để các VĐV vừa tập luyện thể thao đỉnh cao, vừa có thể học văn hóa để sau khi từ giã sự nghiệp có một công việc kiếm sống là điều trăn trở với những người làm chính sách.

Sáng 2-3, các chuyên gia, nhà quản lý thể thao đã cùng chia sẻ ý kiến và tìm ra giải pháp cho vấn đề này trong cuộc tọa đàm “Vấn đề đào tạo, quản lý, sử dụng và những chính sách cho VĐV thể thao thành tích cao” do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội tổ chức, dưới sự chủ trì của chủ nhiệm ủy ban - ông Phan Thanh Bình.

Phải tạo điều kiện cho VĐV đến trường

Phát biểu tại tọa đàm, ông Hà Hữu Tám - phó giám đốc Trung tâm thể thao Viettel - cho biết để đào tạo ra một cầu thủ trung bình mất 7-10 năm. Đó là quãng thời gian vô cùng dài và tốn kém đối với VĐV và đơn vị chủ quản. Vì vậy, ngành thể thao cần đưa ra tiêu chí tuyển chọn VĐV để đỡ lãng phí thời gian, tiền bạc của VĐV và CLB. Hiện nay mỗi CLB, địa phương tuyển chọn, đào tạo một kiểu không ai giống ai.

Ông Tám nói: “Thành tích của tuyển U-23 VN hôm nay phải ghi nhận sự đóng góp của các CLB. Nếu không có các CLB đầu tư hàng chục năm qua thì không có thế hệ cầu thủ ngày nay. Các cầu thủ Viettel được tuyển chọn đào tạo khi mới 11 tuổi. Suốt 3 tháng đầu tập trung, HLV, cán bộ quản lý đêm nào cũng phải nằm ngủ để chăm sóc, dỗ các cháu”.

Ông nói: “Học bóng đá đã vất vả, chuyện học văn hóa cho cầu thủ còn gian nan hơn rất nhiều. Năm 2012, lứa trung vệ Bùi Tiến Dũng chuyển học văn hóa từ quận Nam Từ Liêm về quận Đống Đa (Hà Nội) tôi phải đi 7 lần gặp các hiệu trưởng để xin học cho các em. Lúc đi tôi phải mặc quân phục chỉnh tề và hết lời để mong các trường nhận các em vào học nhưng lần lượt bị từ chối. Có hiệu trưởng nói với tôi: VĐV của em phát triển chân tay nhưng đầu óc không phát triển”.

Ông Lê Hoài Anh, tổng thư ký LĐBĐVN, cho rằng thể thao chuyên nghiệp đòi hỏi việc tập luyện vô cùng khắc nghiệt. Nhiều VĐV phải nghỉ cả tháng đi thi đấu nước ngoài. Khi về nước, nhiều em phải tự tổ chức để học bù với cô giáo theo từng môn và phải tự trả tiền cho giáo viên. Giành 1 HCV được vài chục triệu đồng lại phải mất tiền để đi học văn hóa thế này thì không được.

Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cho biết hàng trăm VĐV các đội tuyển quốc gia đi thi đấu và tập huấn quốc tế phải kéo dài 7-8 năm mới tốt nghiệp đại học. Các VĐV này phải tự bỏ tiền túi ra để trả học phí cho thời gian họ học bù khi về nước, đó là sự bất cập. VĐV sẽ không thể toàn tâm toàn ý cho tập luyện được nếu như không có chính sách hỗ trợ kinh phí, thời gian cho họ học văn hóa.

Không thể hớt thành tích mà bỏ rơi VĐV

Ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết làm sao để VĐV sau khi giải nghệ có một công việc để kiếm sống vẫn là điều trăn trở nhất với những nhà quản lý thể thao. “Có những môn như thể dục dụng cụ, VĐV tập từ khi 4 tuổi nhưng tuổi nghề lại rất ngắn. Chưa kể những chấn thương đeo đẳng VĐV đến hết cuộc đời họ. Biên chế của ngành thể thao rất ít, VĐV thì nhiều nên chỉ một số ít VĐV tài năng sau khi từ giã sự nghiệp mới tiếp tục làm công tác thể thao”.

Bà Hoàng Thị Hoa, phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ, cho rằng sau thành tích của U-23 VN đã thay đổi quan niệm của nhiều người. Đi theo con đường thể thao cũng có thể mang vinh quang như những lĩnh vực khác. Ưu tiên hiện nay là phải tạo điều kiện thuận lợi cho VĐV được học văn hóa.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình chia sẻ: “Nếu là cha mẹ VĐV, tôi cũng rất cân nhắc khi cho con theo con đường thể thao. Khi VĐV có thành tích tốt thì chúng ta “vớt”, sử dụng xong chúng ta lại trả các em về cho gia đình sao? Chúng ta tuyển chọn, đào tạo và sử dụng VĐV thì phải lo cho tương lai của các em bởi thời gian 18-25 tuổi là giai đoạn đẹp nhất của đời con người. Đó là lúc mọi người lo cho việc học hành, chuẩn bị tương lai nhưng VĐV lại dành thời gian quan trọng đó để cống hiến cho Tổ quốc. Vậy thì sau khi kết thúc sự nghiệp VĐV phải được tạo điều kiện để học hành, kiếm việc làm. Tôi thực sự rất suy nghĩ về trách nhiệm của Nhà nước với VĐV”.

VFF phải bù 500.000 đồng tiền công/ngày cho cầu thủ

Ông Lê Hoài Anh cho biết vì chế độ tiền ăn, tiền công cho VĐV quá thấp nên mỗi đợt đội tuyển quốc gia (ĐTQG) tập trung, VFF phải bù thêm tiền cho cầu thủ bên cạnh chế độ của Nhà nước.

Ông Hoài Anh nói: “Hiện nay theo quy định của Nhà nước, VĐV được hưởng 200.000 đồng tiền công/người/ngày nhưng VFF trả thêm cho VĐV mỗi ngày 500.000 đồng tiền công. Nhà nước cũng chỉ chi 200.000 đồng/người/ngày tiền ở nên VFF phải bù thêm tiền để đưa đội tuyển ra khách sạn ở. Nếu điều kiện ăn ở tại ĐTQG quá kém thì các cầu thủ sẽ tâm tư, ảnh hưởng đến tập luyện. Tiền công, tiền ăn của ĐTQG theo quy định của Nhà nước hiện nay thấp hơn nhiều mức mà cầu thủ được hưởng ở CLB.

Tác giả: KHƯƠNG XUÂN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP