Giáo sư Trương Quốc Bình (Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) đánh giá: "Biểu tượng ông Hoàng Mười gắn với biểu tượng tôn vinh những vị anh hùng xứ Nghệ, những người có công khai phá xứ Nghệ".
Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Thờ Mẫu xuất phát từ tập quán thờ mẹ, thờ bà, thờ cô nhằm suy tôn các nữ thần, ngoài ra còn thờ nam thần, điển hình là ông Hoàng ở nhiều tỉnh thành phố.
Đền ông Hoàng Mười được xếp hạng di tích văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Báo Nghệ An
Theo ông Bình, đền ông Hoàng Mười được xây dựng từ thế kỷ 17, trải qua lịch sử đã bị phá hủy. Năm 1995 đền được xây dựng lại, giờ trở thành trung tâm văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nổi trội của tỉnh Nghệ An. Ông cũng đề nghị xem xét ngành văn hóa xếp hạng khu di tích quốc gia đặc biệt, xây dựng trung tâm văn hóa du lịch của Nghệ An.
Theo bà Phan Thị Anh (Sở Văn hóa và thể thao Nghệ An), đền ông Hoàng Mười được Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh từ năm 2002. Di tích này được xây dựng năm 1634 ở vị trí cảnh quan đẹp, đắc địa có hình tượng đầu một con hạc được tạo thành bởi dòng sông Mộc và sông Vĩnh.
Trải qua lịch sử, đền bị hư hỏng, được phục dựng lại theo quy mô truyền thống, gồm tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu. Tại đền có giữ 21 đạo sắc phong, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
Nét đặc sắc của đền Hoàng Mười là giá trị văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, là nơi thờ Quan Hoàng Mười và các vị thần thuộc hệ thống đạo Mẫu Tứ Phủ của Việt Nam.
Ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam (như Uy Minh vương Lý Nhật Quang - con trai vua Lý Thái Tổ, Cương Quốc công Nguyễn Xí - một người con xứ Nghệ từng tham gia nghĩa quân Lê Lợi chống quân xâm lược nhà Minh…).
Hàng năm, khu di tích Đền Ông Hoàng Mười thường đón hàng trăm nghìn du khách vào mùa lễ hội. Để bảo tồn khu di tích, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt dự án "Bảo tồn, tôn tạo và mở rộng di tích lịch sử văn hóa đền ông Hoàng Mười", với tổng diện tích xây dựng 13,68 ha, bao gồm 4 khu vực: khu tâm linh, khu dịch vụ, khu lễ hội và khu cây xanh cảnh quan.
Dự án được thực hiện đến năm 2020 với tổng mức đầu tư trên 60 tỷ đồng, kinh phí chủ yếu là nguồn công đức và xã hội hóa. Đến thời điểm này, dự án đã đi được nửa chặng đường.
Tác giả bài viết: Đoàn Loan
Nguồn tin: