Trong tỉnh

Đề nghị TAND Tối cao xem xét lại đơn kêu cứu của ông Ngô Tiến Trọng

Báo điện tử Ngày mới đăng liên tiếp 9 kỳ phản ánh về vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa ông Ngô Tiến Trọng và bà Ngô Thị Chuân, ở xóm 10 xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhiên, qua nhiều lần xét xử, tòa án các cấp đều trả lời đơn kháng án của ông Ngô Tiến Trọng không đủ cơ sở để xem xét. Quá oan trái, ông Trọng đã gửi đơn kêu cứu tới ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu xem xét lại Bản án phúc thẩm số 33/2016 của TAND tỉnh Nghệ An.

Tóm tắt nội dung vụ án

Năm 1995, bà Ngô Thị Chuân, ở xóm 10 xã Diễn Xuân, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, chuyển nhượng cho ông Ngô Tiến Trọng 189 m2 đất vườn tại thửa số 649, tờ bản đồ số 4, thuộc xóm 10 xã Diễn Xuân. Giá chuyển nhượng là 10.000.000 đồng. Sau khi được chuyển nhượng, ông Trọng đã xây dựng nhà và ở trên mảnh đất đó

Năm 1997, bà Chuân chuyển nhượng tiếp 132 m2 (cạnh mảnh đất đã chuyển nhượng cho ông Trọng) cho ông Nguyễn Văn Thịnh với giá chuyển nhượng là 17.250.000 đồng. Như vậy lúc này thửa đất số 649 của bà Chuân đã được chia làm 3 thửa gồm:Thửa số 765 mang tên ông Trọng, thửa số 766 mang tên ông Thịnh, thửa số 767 do bà Chuân sử dụng.

Do bà Chuân chỉ có một người con gái là Ngô Thị Tấn, nên sau khi chị Tấn lấy chồng, một thời gian sau, bà Chuân bán mảnh vườn còn lại cho người khác, rồi về xã Diễn Hạnh sinh sống với rể và con gái. Khi đã bán hết đất, chuyển sang xã khác ở, bà Chuân về đòi lại miếng đất đã chuyển nhượng cho ông Trọng với lý do, đất bà Chuân cho thuê chứ không phải bán. Sau nhiều lần hòa giải không thành, bà Chuân kiện ông Trọng ra tòa. Qua 2 cấp xử sơ thẩm và phúc thẩm, Tòa đều tuyên ông Trọng phải trả lại đất cho bà Chuân.

Bản đồ địa chính của xã có tên đất nhà ông Ngô Tiến Trọng

Không nhất trí với Bản án phúc thẩm số 33/2016 ngày 17/6/2016 của TAND tỉnh Nghệ An, ông Trọng viết đơn gửi TAND tối cao. Đơn của ông Trọng được cho TAND Cấp cao tại Hà Nội giải quyết. Ngày 29/5/2019, đơn của ông Trọng lại được chuyển ngược lại cho TAND Tối cao, sau 3 ngày có kết quả trả lời, oan trái vẫn chưa được giải quyết. Thất vọng với TAND Tối cao, ông Trọng đã viết đơn kêu cứu gửi tới các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và đơn gửi cho ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao yêu cầu xem xét lại vụ án.

Đơn kháng nghị của ông Trọng tại TAND tối cao còn nhiều uẩn khúc chưa được giải quyết

Ngày 8/7/2019, ông Trọng nhận được Thông báo số 187/TB-TA ngày 3/6/2019 của TAND Tối cao với nội dung, không có cơ sở để kháng nghị lại Bản án phúc thẩm số 33/2016/DSPT ngày 17/6/2016 của TAND tỉnh Nghệ An. Qua xem xét Thông báo 187, thấy có những uẩn khúc sau:

Thứ nhất: Đơn của ông Trọng gửi TAND Tối cao, đơn nằm ở tòa này 46 ngày, TAND tối cao xét đơn không thuộc thẩm quyền giải quyết, nên chuyển cho tòa án cấp cao tại Hà Nội. Tòa án cấp cao tại Hà Nội nhận đơn và thông báo cho ông Trọng sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật, đơn nằm ở tòa cấp cao 9 tháng, nhưng không hiểu sao lại được chuyển ngược lại Tòa tối cao, tại đây đơn nằm thêm 3 ngày. Đến ngày thứ 4 (3/6/2019 ) TAND Tối cao ra Thông báo số 187/TB-TA gửi cho ông Trọng, nhưng phải 33 ngày sau ông Trọng mới nhận được Thông báo này, đẩy ông Trọng vào sự chậm hết thời gian kháng nghị .

Bà Tám, vợ ông Trọng trên mảnh đất đang tranh chấp

Những người làm chứng cho ông Trọng không được tòa án tối cao xem xét. Ông Ngô Sỹ Ngọ, đảng viên, nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Xuân; ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đảng viên, nguyên cán bộ địa chính xã Diễn Xuân; Ông Nguyễn Xuân Hải, đảng viên, Bí thư chi bộ, nguyên Xóm trưởng xóm 10... họ ra tòa lảm chứng, khai rõ: "Năm 1995, mẹ con bà Chuân bán một phần thửa đất cho anh Trọng, lúc đó, hai mẹ con bà Chuân đưa đơn xin chuyển nhượng có xác nhận của ông Hải là xóm trưởng. Xem xong, Chủ tịch UBND xã ký và đóng dấu, giao cho anh Nghĩa cán bộ địa chính xã hướng dẫn anh Trọng làm thủ tục tài chính. Khi ông Trọng hoàn thành thủ tục tài chính, xã cử anh Nghĩa cán bộ địa chính và cán bộ xóm là ông Hải, ông Đàn đi đo đạc và lập biên bản giao đất cho anh Trọng...

Năm 1997, bà Chuân bán tiếp mảnh đât liền kề cho ông Thịnh, thì ông Nghĩa cán bộ địa chính đã tách thửa đất bà Chuân thành 3 thửa và ghi tên anh Trọng vào”.

Minh chứng việc bà Chuân bán đất, bà Ngô Thị Huệ khai trước tòa :“Nhà tôi với nhà bà Chuân có họ hàng với nhau, do nhà tôi ở cuối làng nên muốn mua một miếng đất gần trung tâm xã để tiện làm ăn. Nghe tin bà Chuân bán đất, tôi đã đến mua và thỏa thuận xong với bà Chuân với giá 9 triệu đồng, hẹn sau một tuần sẽ đến nộp tiền và làm thủ tục giao đất. Tôi về nhà gom đủ tiền và sau một tuần đến nhà bà Chuân thì hai mẹ con bà Chuân đã bán đất cho vợ chồng Tám Trọng với giá 10 triệu đồng. Lúc đó tôi rất bức xúc vì bị mẹ con bà Chuân lừa"

Tại 2 cấp tòa mẹ con bà Chuân không có người làm chứng. Sau khi tòa phúc thẩm tỉnh Nghệ An xử cho ông Trọng phải trả lại đất cho bà Chuân. Ngày 12/12/2017, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xóm 10 đã họp, lập biên bản phản đối tòa án và cam đoan rằng: Việc chuyển nhượng đất giữa bà Chuân và ông Trọng là đúng. Còn việc bà Chuân nói bà cho ông Trọng thuê là sai, cuối biên bản là chữ ký của 87 hộ dân tham gia cuộc họp.

Tuy nhiên tất cả những chứng cứ này đều không được tòa phúc thẩm và tòa án tối cao xem xét.Như vậy cả 2 cấp tòa đã không tôn trọng sự thật và không lấy căn cứ tranh tụng tại tòa làm căn cứ xét xử, dẫn đến kết của xét xử thiếu khach quan, trái với quy định theo Khoản 5 Điều 163 Hiến pháp năm 2013:“Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Do đó những chứng cứ có cơ sở pháp luật, đúng sự thật của ông Trọng thì bị tòa bỏ qua, trong khi đó ý kiến miệng của bà Chuân không có căn cứ pháp luật, không có người làm chứng thì tòa lại chấp nhận là vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng, thể hiện tòa phúc thẩm thiếu khách quan, còn TAND Tối cao thì có dấu hiệu quan liêu không xem xét kỹ các tình tiết của bản án.

Tòa không công nhận giấy chuyển nhượng của ông Trọng, mà công nhận hợp đồng bằng miệng do bà Chuân khai

Điều kỳ lạ 2 án sơ thẩm và phúc thẩm, bà Chuân và HĐXX đã không công nhận căn cứ pháp luật ông Trọng trình bày trước tòa, là giấy chuyển nhượng đất giữa ông Trọng và bà Chuân, nhưng tòa lại công nhận hai bên có hợp đồng bằng miệng với giá 10 triệu đồng theo lời khai của bà Chuân.

Giấy chuyển nhượng của ông Trọng là văn bản có giá trị pháp luật, ngoài ra còn có người làm chứng và cả dân làng, các tổ chức chính trị đoàn thể của địa phương làm chứng, còn lời khai của bà Chuân bằng miệng không có bằng chứng, nhân chứng, không có lý có tình, thế nhưng lại được tòa chấp nhận !? Tòa căn cứ vào lời khai của bà Chuân nhận của ông Trọng 10 triệu đồng, để cho ông thuê thửa đất với thời hạn 15 năm, nhưng tòa lại không hiểu thời điểm năm 1995, ở nông thôn không ai thuê đất làm nhà, mà chỉ có mua đất làm nhà? Sự thật năm 1995, nhà bà Chuân còn khổ, chính quyền địa phương phải cho bà hai gian nhà chăn nuôi tập thể để ở, phải chia vườn ra 3 thửa để bán, thì không thể nói đó là đất cho thuê được.

Nếu là đất cho thuê phải có hợp đồng, có thể bằng giấy, có thể bằng miệng nhưng phải là thuê hàng tháng, hàng năm và trả tiền trong từng thời điểm. Đằng này bà Chuân nói, bà cho thuê 15 năm nhưng không làm giấy, lấy tiền tròn một lượt, thấy ông Trọng xây nhà cửa kiên cố, được UBND xã tách thửa đất mà bà Chuân không có ý kiến phản đối là không có cơ sở.

Nếu tòa tin lời bà Chuân là cho thuê 15 năm, nhưng lời nói của ông Trọng lại khẳng định ông không thuê, thì tòa lấy căn cứ gì để xử khi “Sư bảo sư phải, vãi nói vãi hay”?

Ông Ngô Tiến Trọng có đơn gửi ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao

Ngoài những uẩn khúc và mâu thuẫn trên thì nguồn gốc đất của ông Trọng được UBND xã Diễn Xuân xác nhận, bản đồ hiện trạng sử dụng đất lưu giữ tại UBND trong đó có ghi thửa đất số 765 mang tên Ngô Tiến Trọng và nhiều chứng cứ khác, được cả xã đứng ra làm chứng đã không được tòa xem xét đến. Còn bà Chuân được một số cán bộ tiếp tay trong việc làm mất hồ sơ lưu trữ, nên ông Trọng mới ra nông nỗi này và phải vác đơn đi kêu cứu bảy, tám năm trời.

Tiền mất, đất mất, nhà mất, sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Hy vọng đơn đơn kêu oan khẩn cấp của ông Trọng sẽ được ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao xem xét lại một cách khách quan nhằm đem lại công lý cho gia đình nông dân Ngô Tiến Trọng.

Tác giả: Nguyễn Hữu Mai

Nguồn tin: ngaymoionline.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP