Kinh tế

Đề nghị 'siết' bảo hiểm xã hội một lần vì... quá thoáng

Với chính sách, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần được đánh giá là hào phóng, hiếm có trên thế giới, dẫn tới tỷ lệ người hưởng BHXH một lần gần bằng người tham gia mới. Dẫn tới lo ngại gánh nặng an sinh cho người cao tuổi khi tốc độ già hóa dân số của Việt Nam ngày càng nhanh. Từ đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất “siết lại” chính sách này.

Mức hưởng quá thoáng?

Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2016- 2021, cả nước có hơn 4 triệu người lao động (NLĐ) hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm gần 700 nghìn người), năm sau luôn cao hơn năm trước bình quân hơn 11%/năm, tương ứng số tiền rút cũng tăng.

Cụ thể, năm 2016 có hơn 500 nghìn người hưởng BHXH một lần, với số tiền hơn 10,4 nghìn tỷ đồng, con số này của năm 2021 đã hơn 863 nghìn người với hơn 35,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lao động nữ hưởng BHXH một lần luôn nhiều hơn nam, đa số làm ở khu vực ngoài nhà nước (chiếm hơn 90%), do công việc nhiều áp lực, tỷ lệ “nhảy việc” cao, mất việc làm cao.

Cùng giai đoạn trên, tổng số người mới tham gia BHXH hơn 4,2 triệu người, tức tỷ lệ người hưởng BHXH một lần gần bằng số người tham gia mới (hơn 1 người tham gia mới lại có 1 người rời hệ thống).

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất "siết lại" quy định về hưởng BHXH một lần nhằm giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh và lo cho mình khi về già (ảnh minh họa).

Trong khi đó, chính sách BHXH một lần lại dễ tiếp cận, mức hưởng khá thoáng (mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 được tính hưởng bằng 1,5 tháng lương bình quân đóng, sau năm 2014 tính bằng 2 tháng lương). Do đó, NLĐ sẽ tính tới chế độ này đầu tiên khi nghỉ việc và gặp các khó khăn tài chính trước mắt.

Tuổi bình quân hưởng BHXH một lần từ 32-34 tuổi, với số năm đóng BHXH khoảng 4 năm. Trong đó, nhóm từ 30-40 tuổi chiếm hơn 40%, nhóm 20-30 tuổi chiếm hơn 37%...

“Người hưởng BHXH một lần chủ yếu dưới 40 tuổi, bởi ở lứa tuổi trẻ hầu hết NLĐ quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm vào đó, áp lực tài chính, sự thay đổi trong công việc của người trẻ thường lớn hơn lớp trung niên”, Bộ LĐ-TB&XH nhận định.

Xét về điều kiện hưởng BHXH một lần, báo cáo từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có tới gần 99% người hưởng BHXH một lần thuộc nhóm nghỉ việc và không tham gia BHXH sau 12 tháng.

Hiện Việt Nam có tốc độ già hoá dân số rất nhanh, dự kiến vào năm 2030, cả nước có gần 18 triệu người trên 60 tuổi, con số này tăng lên hơn 23,3 triệu người vào năm 2040… Điều này đặt ra bài toán về lương hưu, an sinh cho người cao tuổi trong tương lai.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất giảm số năm đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm hiện hành xuống 15 năm (hướng tới còn 10 năm, đóng ít mức lương hưu sẽ thấp hơn). Với chính sách này, Bộ LĐ-TB&XH tính toán, sẽ giảm số người nhận BHXH một lần mỗi năm khoảng 10-40 nghìn người.

Trên thế giới, hiện chỉ một số ít quốc gia cho phép hưởng BHXH một lần, nhưng với điều kiện phải hết tuổi lao động và không đủ điều kiện nhận lương hưu, như Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Lào, Pakistan. Các quốc gia này cũng quy định điều kiện hưởng lương hưu chỉ 10 hoặc 15 năm đóng BHXH, không kéo dài tới 20 năm như Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, mục tiêu của BHXH là đóng góp khi còn đi làm để có lương khi hết tuổi lao động, nhưng việc nhiều người trẻ chọn BHXH một lần sẽ phá vỡ mục tiêu này.

Chỉ cho hưởng 50% số thời gian đóng BHXH

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa Luật BHXH 2014 theo hướng “siết” lại điều kiện hưởng BHXH một lần của nhóm NLĐ nghỉ việc và không tham gia BHXH sau 12 tháng. Tuy nhiên, bộ này nhận định, nội dung sửa đổi là vấn đề khá “nhạy cảm, phức tạp”, do quy định về hưởng BHXH một lần đã có từ trước (Luật BHXH 2006). Khi thay đổi quy định thường gặp phản ứng của một bộ phận NLĐ, thực tế đã có tiền lệ trong quá khứ (khi áp dụng Điều 60, Luật BHXH năm 2014).

Từ đó, sau khi điều chỉnh một số quy định gián tiếp, như giảm năm đóng BHXH để có lương hưu từ 20 năm xuống 10 năm, khuyến khích bảo lưu thời gian đóng để nhận trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án về hưởng BHXH một lần:

Phương án 1, tiếp tục áp dụng chính sách BHXH một lần như quy định hiện hành với nhóm nghỉ việc và không tham gia BHXH sau 12 tháng (nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH); nếu hưởng BHXH một lần khi luật mới có hiệu lực, sau đó đóng tiếp BHXH sẽ phải đóng 20 năm mới có lương hưu thay vì 15 năm như với người chưa hưởng BHXH một lần.

Phương án 2, vẫn cho hưởng BHXH một lần khi nghỉ việc 12 tháng và đóng BHXH chưa đủ 20 năm, nhưng điều chỉnh mức hưởng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để đóng tiếp; hoặc tới tuổi nghỉ hưu đóng một lần cho số năm còn thiếu để nhận lương hưu; hoặc tính nhận trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn; hoặc hưởng một lần cho số năm còn lại khi tới tuổi hưu.

Chính sách hưởng BHXH một lần với người lao động nghỉ việc và không tham gia BHXH sau 12 tháng, chưa đủ 20 năm đóng BHXH, chưa tới tuổi nghỉ hưu được áp dụng từ Luật BHXH năm 2006. Điều 60, Luật BHXH năm 2014 đã “siết” lại quy định này, khi bỏ hưởng BHXH một lần với nhóm NLĐ chưa tới tuổi hưu nghỉ việc và dừng tham gia BHXH sau 12 tháng (chỉ được hưởng khi tới tuổi nghỉ hưu). Tuy nhiên, khi điều luật này chuẩn bị áp dụng, nhiều NLĐ phản đối (chủ yếu khu vực phía Nam), nên Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 93/2015, tiếp tục cho áp dụng như luật cũ.

Tác giả: Lê Hữu Việt

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP