Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh - Ảnh: GIA HÂN |
Sáng 26-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho biết dự luật có quy định yếu tố gốc cấu thành di tích là yếu tố tạo nên giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện đặc trưng của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Đây là một nội dung rất quan trọng để làm căn cứ cho việc tôn tạo, tu bổ, phục hồi di tích, di dời, thay đổi thống kê hiện vật trong di tích…
Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần làm rõ cơ quan chuyên môn nào có khả năng đánh giá về các yếu tố cấu thành di tích.
Cũng theo ông Cảnh, từ năm 2011, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức bầu chọn quốc hoa và tỉ lệ chọn hoa sen đạt 81%.
Trong khi người dân và các cơ quan được giao xây dựng đề án đang mong chờ lễ công bố quốc hoa lại có ý kiến không có cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt quốc hoa.
Vấn đề này mới đây cũng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời tại phiên chất vấn.
Ông Cảnh dẫn việc, áo dài đang được đề nghị tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể thế giới nhưng trong nước chưa công nhận là di sản văn hóa quốc gia.
Vì vậy ông Cảnh đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có quy định trong dự thảo Luật Di sản quy định cơ quan nào có thẩm quyền duyệt áo dài là di sản văn hóa quốc gia, trước khi trình lên di sản thế giới.
"Tránh trường hợp các chuyên gia tranh luận chọn áo tứ thân hay ngũ thân, giao lĩnh hay viên lĩnh, truyền thống hay cách tân, bởi cứ bàn mãi mà không giải quyết được", ông Cảnh nói.
Ở góc độ khác, đại biểu Thích Đức Thiện (Điện Biên) cho hay theo dự luật, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đăng ký di vật, cổ vật thuộc sở hữu của mình với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch địa phương.
Quy định này rất cần thiết, qua đó dễ dàng quản lý, nhận diện, hình thành bộ dữ liệu di sản, ngăn ngừa vấn nạn đánh cắp di vật, cổ vật.
Tuy nhiên ông Thiện đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ hơn mối quan hệ ràng buộc, chặt chẽ giữa việc đăng ký di vật, cổ vật với quyền, lợi ích của chủ sở hữu khi tham gia vào thị trường trao đổi, mua bán, trưng bày các di vật đã được đăng ký.
Đồng thời đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chiến lược “hồi hương cổ vật”, đưa các di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Bên cạnh đó dự thảo luật cũng cần tính đến việc quy định về miễn các loại thuế, phí liên quan cho các di vật, cổ vật được đưa về nước không vì mục đích trao đổi buôn bán, kinh doanh nhằm thu hút nguồn lực cho việc “hồi hương cổ vật”.
Lo ngại khi tiếng nói, chữ viết của các dân tộc mai một, biến mất Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) nhấn mạnh mỗi quốc gia đều xây dựng cho riêng mình một thương hiệu, thương hiệu là hình ảnh, dấu ấn của quốc gia đó được cộng đồng trong và ngoài nước ghi nhận - còn gọi là sức mạnh mềm. Khi sức mạnh mềm càng được lan tỏa thì càng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội. Đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 loại hình tiếng nói, chữ viết của các dân tộc và ngữ văn dân gian vào các loại hình văn hóa phi vật thể (hiện có 6 loại hình). Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tiếng nói, chữ viết. Đồng bào dân tộc thiểu số vẫn bảo tồn tốt tiếng nói, chữ viết dân tộc mình. Bà Vang dẫn chứng việc bảo tồn của dân tộc Khmer, Hoa, Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ.... Tuy nhiên bà Vang bày tỏ lo ngại khi tiếng nói, chữ viết của các dân tộc vẫn có nguy cơ mai một, biến mất hoặc biến dạng trước tiến trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế. |
Tác giả: THÀNH CHUNG - TIẾN LONG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ