Trong nước

ĐBQH: Kêu gọi quyên góp là quyền của người nổi tiếng, nhưng cần giám sát

Đại biểu Dương Trung Quốc khẳng định việc kêu gọi quyên góp hỗ trợ bà con là quyền của người nổi tiếng, nhưng cần giám sát.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 22/10, Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai có những chia sẻ về việc kêu gọi từ thiện hỗ trợ bà con vùng lũ lụt miền Trung.

Ông Quốc dẫn ra trường hợp kêu gọi ủng hộ của Thủy Tiên. Ông cho rằng có thể thấy rõ sự nhiệt tình của nữ ca sỹ và bản thân Thủy Tiên đang được người khác trao gửi niềm tin của họ. Vì vậy, Thủy Tiên phải trực tiếp làm, không thể ủy thác cho ai.

"Tôi cho rằng cần có cơ chế để ủy thác lòng tin, đảm bảo tính minh bạch, hỗ trợ cho những người có lòng từ thiện", ông Quốc nói.

Về tranh luận nên hay không khuyến khích những người nổi tiếng đứng lên kêu gọi quyên góp, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng đó là quyền của họ, nhưng cần giám sát.

Nếu họ lợi dụng thì có chế tài trừng trị bởi đây là sự lừa lọc trên nỗi đau khổ người khác. Ông Quốc cho rằng đồng thời cũng cần khuyến khích những người có năng lực, có điều kiện. Vấn đề còn lại là cách thức tổ chức.

"Cái mà chúng ta tưởng là hoàn toàn đúng về mặt lý thuyết là quy về một mối, nhưng niềm tin chưa có. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Có những cơ quan cần phải thay đổi mình để người dân có lòng tin", ông Quốc nói.

Theo ông Quốc, hành vi từ thiện của con người bắt nguồn từ niềm tin.

"Chính vì thế cần có cơ chế để niềm tin này được phát huy một cách tích cực. Đã có những quy định về việc quy về một đầu mối để làm từ thiện. Lý thuyết hoàn toàn đúng, vì nó đảm bảo sự chia sẻ công bằng, chính xác. Nhưng thực tế là hiện nay, kể cả những người có chức danh lại đang lạm dụng chuyện cứu trợ", ông Quốc cho biết.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

Trước đó, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hoạt động kêu gọi từ thiện như của Thuỷ Tiên là từ thiện tự phát và không phải tuân theo các quy định của pháp luật, mà được điều chỉnh bởi quan hệ dân sự liên quan đến hoạt động tặng cho tài sản và trên cơ sở các quy phạm xã hội về đạo đức.

Chỉ các quỹ từ thiện phải hoạt động theo quy định tại Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định này quy định đối với các quỹ được tổ chức và hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Theo luật sư Cường, pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng, cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức.

Cá nhân, tổ chức đó sẽ là bên trung gian để kêu gọi, thúc đẩy hoạt động từ thiện diễn ra thuận lợi hơn, quy mô hơn, hiệu quả hơn góp phần đảm bảo nhu cầu về vật chất, tinh thần cho những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những người yếu thế trong xã hội.

Đây là vấn đề đạo đức xã hội và pháp luật cũng ghi nhận, đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra đúng mục đích, đúng ý nghĩa

Tuy nhiên, nếu không có bên thứ 3, bên trung gian đưa ra các thông tin về nhu cầu từ thiện, nhu cầu hỗ trợ và không có người đứng ra tổ chức tiếp nhận tài sản, đứng ra quyên góp tài sản và phân phối tài sản, thì hoạt động tự nguyện tự phát thường không đạt được hiệu quả như mong muốn.

"Những quy định pháp luật tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP và Thông tư số 72/2008/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP đang có những hạn chế nhất định và chưa thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Theo quan điểm của tôi, Chính phủ nên có những dự thảo sửa đổi bổ sung văn bản pháp luật này, hoặc có những văn bản dạng thông tư, quyết định, chỉ thị để bổ sung làm rõ những trường hợp hoạt động từ thiện như Thủy Tiên, để tránh gây tranh cãi trong dư luận xã hội. Đồng thời, phát huy được những giá trị nhân văn, khơi gợi được tình yêu thương, đạo đức xã hội và huy động được các nguồn lực trong xã hội để ủng hộ đồng bào đang gặp khó khăn, thiên tai.

Theo tôi, hoạt động kêu gọi ủng hộ quyên góp cho đồng bào đang gặp khó khăn như nữ ca sĩ Thủy Tiên và một số tổ chức, cá nhân khác đang thực hiện là rất tốt và phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội nên cần phải phát huy và tạo điều kiện để những hoạt động này được lan tỏa và phát huy những giá trị nhân văn trong bối cảnh nhiều người dân miền Trung đang gặp khó khăn như hiện nay.

Những quy định pháp luật không còn phù hợp có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Tác giả: Song Hy

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP