![]() |
Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2. Ảnh: NB. |
Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 14/2 quy định tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Đối với giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo dạy thêm với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Như vậy, theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì bắt buộc phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp, kể cả dạy kèm một vài em tại nhà.
Tuy nhiên, không phải tất cả giáo viên đều có thể làm việc này. Điều 4 của Thông tư 29 quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm. Trong đó quy định "giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường".
Mặt khác, Điều 17 Luật Doanh nghiệp cũng quy định "công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp". Như vậy, giáo viên là công chức, viên chức thì không thể đăng ký kinh doanh dạy thêm.
Với những quy định này, giáo viên trường công lập chỉ có thể tham gia dạy thêm ở các trung tâm bên ngoài trường học, không được trực tiếp mở hay quản lý trung tâm dạy thêm.
Tác giả: Ngọc Bích
Nguồn tin: znews.vn