Trong tỉnh

Dấu ấn thu hút đầu tư FDI ở Nghệ An: “Kỳ tích Sông Lam” làm bừng sáng bức tranh kinh tế (Bài 2)

Chọn hướng đi riêng để đón được "đại bàng" nhưng điều cốt lõi mang lại thành công lớn cho Nghệ An là tạo ra được cách làm hay để phát huy sức mạnh của doanh nghiệp, người dân và sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của chính quyền.

Tư duy hiện đại về cách làm

Nhiều năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng việc chớp thời cơ, tận dụng những lợi thế đã giúp tỉnh này tạo “cú hích” thu hút vốn FDI. Nghệ An thu hút thành công VSIP, WHA và Hoàng Thịnh đạt về "lót ổ" được xem là thành công lớn, một bước đi để Nghệ An có tầm nhìn xa hơn trong phát triển công nghiệp.

Nói vậy vì đây đều là những nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Để tạo ra được giá trị cho doanh nghiệp, đương nhiên họ phải kéo được nhà đầu tư thứ cấp về thuê đất sản suất kinh doanh.

Từ đây, việc kêu gọi đầu tư vào Nghệ An không còn là câu chuyện của tỉnh nữa mà có thêm những nhà đồng hành đầy uy tín là VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt...

Hạ tầng đồng bộ của Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP; dự án điển hình cho thành công từ sự phối kết hợp giữa 3 bên: Nhà nước, Doanh nghiệp và người dân

Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhà nước và doanh nghiệp, người dân cũng có thêm niềm tin để phối hợp tạo ra giá trị cho xã hội. Con em địa phương có việc làm, dịch vụ, giao thông, nhà ở... phát triển theo hướng tích cực. Người dân cũng nhận ra rằng, cần phải ủng hộ nhà đầu tư có thêm niềm tin để “rót” vốn và yên tâm sản xuất.

Trong quá trình triển khai các dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp ở Nghệ An, gần như không có rào cản nào quá lớn. Tất nhiên vẫn còn đâu đó một số hộ dân ý kiến và phản đối vì liên quan quyền lợi cá nhân, song đều được giải quyết ổn thoả, các dự án gần như không bị tạm dừng vì rào cản là người dân.

Từ quyền lợi mà các dự án FDI mang lại cho người dân đến cách làm chuyên nghiệp và hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp nên trong 2 năm qua, Nghệ An trở thành một “hiện tượng”, một điển hình trong thu hút FDI của cả nước.

“Kỳ tích Sông Lam"

Nghệ An lâu nay hay bị phê bình vì có không ít rào cản trong các thủ tục hành chính như câu chuyện người ta thường nói "tỉnh mở, sở thắt"; nhưng riêng thu hút FDI dường như lại là một câu chuyện khác.

Vì thực tế chứng minh rằng sau khi phủ đầy giai đoạn 1 với gần 750 ha, VSIP tiếp tục đề xuất xây dựng VSIP Nghệ An 2 tại huyện Diễn Châu. Dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và làm lễ khởi công trước sự chứng kiến của Thủ tướng Việt Nam và Singapore.

Cũng giống như VSIP, WHA tiếp tục mở rộng, xin đầu tư giai đoạn 2 và 3 của dự án. Hiện nay, giai đoạn 2 đang được san lấp làm nền và cũng đã có nhà đầu tư tiến hành xây dựng nhà xưởng.

Gần một chục doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ đã tìm đến Nghệ An. Ảnh ký kết biên bản giữa tập đoàn WHA với tập đoàn Sunny và các nhà cung ứng tại KCN WHA Industriaal Zone 1- Nghệ An.

Với cách làm tương tự, Hoàng Thịnh Đạt sau khi đầu tư xây dựng khu công nghiệp Hoàng Mai 1, họ tiếp tục đề xuất tỉnh xin đầu tư khu công nghiệp Hoàng Mai 2. Vừa rồi, dự án khu công nghiệp Hoàng Mai 2 cũng đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Hoàng Mai 2 có diện tích trên 300 ha với tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng.

Từ việc cả 3 nhà đầu tư nói trên đều mở rộng quy mô, tăng thêm dự án có thể thấy rằng, Nghệ An là nơi họ có thể an tâm và tiến hành các chiến lược dài hơi về kinh doanh sản xuất. Không chỉ thành công với những đơn vị kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, Nghệ An còn là điểm sáng khi các nhà đầu tư thứ cấp tiếp tục tăng vốn, mở rộng quy mô. Đơn cử như Tập đoàn Goertek, họ điều chỉnh mức đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD, trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI lớn nhất Nghệ An.

Tương tự, Luxshare ICT ở khu công nghiệp VSIP cũng xây dựng dự án thứ 2. Luxshare - ICT (Nghệ An) 2 được thực hiện trên diện tích 36,18 ha do Công ty TNHH Luxshare - ICT Nghệ An đầu tư. Dự án này chuyên sản xuất linh kiện điện tử với công suất thiết kế 74 triệu sản phẩm/năm có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, tương đương 3.440 tỷ đồng. Hay mới đây nhất, ngày 30/11, tỉnh Nghệ An cũng đã chấp thuận để nhà đầu tư Everwin xây dựng dự án thứ 2 tại Khu công nghiệp VSIP với tổng mức đầu tư 115 triệu USD.

Trong quá trình triển khai thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp, Nghệ An cũng cho thấy những ưu việt trong cách làm của mình. Theo đó, dự án xin điều chỉnh vốn của Tập đoàn Goertek xong xuôi mọi cái chỉ đúng 10 ngày, đây cũng là điều gây bất ngờ cho các nhà đầu tư.

Nhà đầu từ Thái Lan WHA chọn Nghệ An là địa điểm đầu tiên trong hành trình đầu tư tại Việt Nam

Hay như dự án Precision Việt Nam chẳng hạn. Dự án này theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung là có 2 cái nhất. Thứ nhất, với diện tích đất sử dụng cho dự án chỉ có gần 12 ha và tổng mức đầu tư là 165 triệu USD, với số lượng lao động dự kiến là 1.500 lao động thì đây là dự án có tỷ suất đầu tư trên diện tích đất đầu tư cao nhất hiện nay trong số các dự án FDI đang đầu tư tại Nghệ An. Thứ hai, đây là một dự án FDI có thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất, kể từ khi Tập đoàn bắt đầu vào Nghệ An khảo sát với khoảng 2 tháng. Từ ngày Tập đoàn nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án đến lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư vừa tròn 1 tuần.

Tiếng lành đồn xa, sau những tập đoàn như Goertek, Luxshare - ICT, Everwin..., nhiều công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, sản xuất linh kiện điện tử cũng chọn Nghệ An làm điểm đến như Foxconn, Sunny, Runergy...

Riêng đến thời điểm này của năm 2023, tỉnh Nghệ An thu hút vốn FDI đạt gần 1,6 tỷ USD, vượt mốc 1 tỷ USD/năm; với kết quả đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành thu hút vốn đầu tư FDI tốt nhất của cả nước, đứng đầu về thu hút vốn đầu tư FDI tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Đây là con số minh chứng rõ nhất cho sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với sự nỗ lực và quyết tâm của tỉnh và các cấp chính quyền của tỉnh trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Với sự chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về quy hoạch, mặt bằng đầu tư, hạ tầng thiết yếu, nguồn nhân lực, đổi mới cải cách hành chính, sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh cùng với sự hiện diện của 8 tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ, năng lượng xanh hàng đầu thế giới, như: Tập đoàn Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Sunny, Runergy, Shandong thì Nghệ An đang là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ hàng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

Từ "kỳ tích sông Hàn" người ta mường tượng về một "kỳ tích Sông Lam" để ví von, biểu dương thành quả như một màn "lột xác" ngoạn mục trong bức tranh kinh tế của Nghệ An.

Năm 2023, hàng loạt dự án trọng điểm về giao thông sắp hoàn thành cũng là điểm nhấn, giúp Nghệ An có thêm những lợi thế trong thu hút đầu tư. Có thể kể đến các dự án như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An đã hoàn thành được 2/3, dự kiến quý 1 năm 2024 sẽ thông tuyến; Tuyến đường bộ ven biển 4.600 tỷ cũng đang trên đà hoàn thành, dự kiến hoàn thành cuối 2024. Các dự án này sẽ giúp Nghệ An tạo kết nối vùng, thúc đẩy liên kết đầu tư.

Tác giả: Lê Giáp

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP