Văn Lâm buồn bã sau trận thua ngược Iraq. Ảnh: Anh Khoa. |
Trước khi bàn đến Văn Lâm, phải thừa nhận cú đá của Ali Adnan là xuất sắc. Bóng đi cuộn, có lực và găm vào sát góc chữ A. Một khi đã thực hiện được cú đá với kỹ thuật tốt như thế, tỉ lệ ăn bàn có thể lên tới 80% hay 90%. Những ai theo dõi Adnan từ khi cầu thủ sinh năm 1993 này còn chơi cho các đội trẻ Iraq, rồi khoác áo Caykur Rizespor (Thổ Nhĩ Kỳ), và Udinese, Atalanta (Italy), đều biết rằng sút phạt là vũ khí đặc biệt của anh. Ở giải U20 thế giới năm 2013, Adnan từng lập một siêu phẩm đá phạt vào lưới Uruguay.
Dẫu vậy, ngay sau trận đấu vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích Văn Lâm, cho rằng anh đã mắc sai lầm dẫn đến bàn thua thứ ba của Việt Nam. Theo đó, Văn Lâm đã đứng quá lệch về một bên khung thành - tức là nếu đứng gần với trung tâm hơn, anh có thể đã vươn được tới bóng. Cũng có người cho rằng Văn Lâm phán đoán quá kém. "10 người đá phạt thì 9 người sẽ nhắm vào khu vực phía sau hàng rào, tại sao Văn Lâm không bắt bài và di chuyển trước?", một người đặt câu hỏi.
Để trả lời những thắc mắc này, trước hết cần phải xem lại một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của thủ môn. Đó là phản ứng chứ không phán đoán. Tức là phải chờ đối phương hành động rồi mình mới có phương án tương ứng. Trong các quả đá phạt trực tiếp, thủ môn phải chờ bóng rời chân cầu thủ đối phương rồi mới bắt đầu di chuyển. Khoảng cách về thời gian giữa hai hành động càng ngắn, thủ môn càng có nhiều cơ hội.
Việc di chuyển sớm có thể biến các thủ môn thành những kẻ ngớ ngẩn. Chính Văn Lâm cũng vừa trải qua tình trạng đó. Ở trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 với Malaysia, anh đã phạm một sai lầm nghiêm trọng là phán đoán cầu thủ của Malaysia sẽ sút qua hàng vào nên di chuyển trước một bước. Vì trọng tâm đã dồn về hướng di chuyển nên dù quả bóng được sút khá sát người, anh vẫn không thể phản xạ kịp thời.
Về ý kiến cho rằng Văn Lâm đã đứng sai vị trí, chúng ta lại phải bàn tới một nguyên tắc khác. Đó là nguyên tắc làm hàng rào và chọn vị trí khi đối diện với một quả đá phạt trực tiếp. Theo lẽ thường, các thủ môn thường chia khung thành theo tỉ lệ 4-6 hoặc 3-7. Sau khi đã quyết định được tỉ lệ, họ sẽ quyết định số lượng cầu thủ tham gia làm hàng rào, và vị trí cụ thể của từng người. Ở trận gặp Iraq, Văn Lâm chọn tỉ lệ 3-7, và lấy 5 cầu thủ làm hàng rào.
Tỷ lệ khung thành và số lượng cầu thủ tham gia làm hàng rào mà Văn Lâm lựa chọn. |
Khi lập hàng rào, nguyên tắc của thủ môn là phải tin tưởng tuyệt đối rằng đối phương sẽ không thể sút xuyên qua hàng rào để đi vào khu vực được bảo vệ (ở trong hình là khu vực màu đỏ). Thủ môn chỉ phải lo bảo vệ khu vực màu vàng. Một nguyên tắc khác là thủ môn phải luôn quan sát được bóng. Đó là lý do tất cả các thủ môn, không chỉ Văn Lâm, luôn đứng lệch hẳn về một phía, tạm gọi là phía xa bóng. Thủ thành của Việt Nam, vì thế, đã không sai ở khâu chọn vị trí và lập hàng rào.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Văn Lâm hoàn toàn không có cơ hội ngăn chặn cú sút của cầu thủ Iraq. Thực tế, anh vẫn có thể làm được tốt hơn. Như đã phân tích ở trên, thủ môn sẽ chỉ phản ứng sau khi đối phương có hành động. Độ trễ của phản ứng ấy càng nhỏ, cơ hội cản phá càng lớn. Ở trường hợp của Văn Lâm, anh đã phản ứng với độ trễ quá lớn.
Văn Lâm phản ứng không nhanh... |
... thậm chí khi bóng qua rào anh mới di chuyển. |
Ở hình trên, có thể thấy là khi trái bóng sắp sửa vượt qua hàng rào, Văn Lâm vẫn chưa bắt đầu di chuyển. Khi bóng đã vượt hẳn ra sau hàng rào, anh mới bắt đầu rời vị trí và có những hành động chuẩn bị cho một pha bay người cản phá. Tuy nhiên, vì tốc độ bóng đi khá nhanh, nên khi Văn Lăm đặt trụ để chuẩn bị bay người, trái bóng đã ở rất gần khung thành của anh. Cú bay người, do đó, gần như chỉ còn mang tính thủ tục.
Bóng gần đến khung thành, Văn Lâm mới bắt đầu dậm nhảy. |
Nếu trong trường hợp đó, Văn Lâm phản ứng sớm hơn, bắt đầu di chuyển ngay từ khi bóng vừa rời chân cầu thủ của Iraq, anh đã có thêm một tích tắc để xử lý. Trong bóng đá đỉnh cao, một tích tắc cũng đủ để người ta làm được rất nhiều việc. Có lẽ cũng vì Văn Lâm phản ứng hơi chậm nên nhiều người cho rằng anh mắc lỗi vị trí. Nhưng cũng phải nói luôn là ngay cả khi Văn Lâm phản ứng sớm, cũng chưa chắc là anh đã cản được cú sút khó của cầu thủ đối phương.
Phải nhận thất bại ở một trận đấu quan trọng vì một bàn thua ở cuối trận, việc các CĐV đi từ tiếc nuối tới giận dữ và muốn tìm một ai đó để đổ lỗi là điều thường xảy ra. Ngay cả một HLV dày dạn như Park Hang-seo cũng không tránh được việc bị cảm xúc cuốn đi. Trong buổi họp báo sau trận, ông vội vàng kết luận rằng Văn Lâm đứng sai vị trí dù ông không có được một vị trí tốt nhất để phân tích tình huống đó. Nếu có cơ hội xem kỹ lại pha bóng, có thể là ông sẽ nói khác.
Tác giả: Minh Khiêm
Nguồn tin: Báo VnExpress