Chiếc cầu sắt nối liền biên giới Trung Quốc - Triều Tiên ở thành phố Đan Đông. Ảnh: Reuters
Nằm ở khu vực biên giới giáp với Triều Tiên, thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đang phải hứng chịu hậu quả đến từ đòn trừng phạt kinh tế mà Liên Hợp Quốc thực thi từ hồi tháng ba đối với nước láng giềng.
Từ một khu thương mại tràn ngập hàng hóa Triều Tiên như rượu việt quất, thuốc lá, hải sâm và dầu trứng ếch có giá bán lên đến 450 USD/kg, không khí ảm đạm giờ đây bao trùm Đan Đông, khi lưu lượng các đoàn xe tải chở than, khoáng sản và hàng hóa qua cây cầu sắt biên giới đã giảm hẳn, theo TIME.
Giờ đây, chỉ có khoảng 20-50 xe tải đi qua cầu ở Đan Đông mỗi ngày, thay vì hơn 100 xe như trước. Các tàu vận tải biển của Triều Tiên cũng không còn được phép cập cảng ở Trung Quốc thoải mái như trước. Các loại thép xuất sang Triều Tiên bị nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm chúng không được sử dụng cho mục đích quân sự.
"Triều Tiên vẫn muốn mua bán rất nhiều hàng hóa nhưng các lệnh trừng phạt khiến dòng tiền của các công ty Triều Tiên bị hạn chế, sức mua của họ đang yếu đi", Wu, một thương gia ở Đan Đông, nói.
Mất kiên nhẫn
Charlie Campbell, phóng viên thường trú của TIME tại Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh quyết định xuống tay áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng vì đã quá mất kiên nhẫn với nước láng giềng này.
Mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Trung Quốc và Triều Tiên trở nên dần lạnh nhạt kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền. Tình hữu hảo biến thành mối ngờ vực từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du đầu tiên tới Hàn Quốc nhưng không tới thăm Triều Tiên.
Bất an trước quan hệ nồng ấm đột ngột giữa Bắc Kinh và Seoul, Bình Nhưỡng trở lại con đường phát triển năng lực hạt nhân. Tuy nhiên, động thái này của Bình Nhưỡng lại gây ra rắc rối lớn với Trung Quốc.
Những lời lẽ đe dọa hủy diệt của Triều Tiên đã buộc Hàn Quốc tuyên bố cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này để chống lại mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc lại coi hệ thống THAAD ở ngay nách mình như vậy là một mối đe dọa, khiến căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
"Trung Quốc cho rằng việc Mỹ triển khai THAAD ở Hàn Quốc sẽ đe dọa vị thế bá chủ của nước này trong khu vực", Cheong Seong-chang, học giả ở Viện Sejong tại Seoul, nói.
Có rất nhiều sự kiện cho thấy sự thiếu tin tưởng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Không có đại diện nào của Trung Quốc dự Đại hội toàn quốc lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 5, khi ông Kim Jong-un được bầu làm chủ tịch đảng. Hồi cuối tháng 4, điệp viên Triều Tiên hoạt động ở Trung Quốc bị nghi ngờ là thủ phạm chém chết một người Trung Quốc ở Đan Đông bị nghi ngờ giúp đỡ những người Triều Tiên đào tẩu.
"Trung Quốc rất giận giữ về vụ việc này. Nó giống như một cú tát mạnh", Daniel Pinkston, chuyên gia về Đông Á ở Đại học Troy tại Seoul, Hàn Quốc, nói.
Một nhà hàng của Triều Tiên ở thành phố Đan Đông. Ảnh: UPI
Đan Đông ngấm đòn
Những thực tế đó cộng với việc Triều Tiên tiếp tục chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân đã buộc Bắc Kinh phải gia tăng sức ép với người hàng xóm bằng cách ủng hộ và thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế do Liên Hợp Quốc áp đặt.
Wang, một thương gia Trung Quốc gốc Triều Tiên, chuyên nhập khẩu than và khoáng sản từ Triều Tiên và xuất khẩu vật liệu xây dựng sang nước này, cho biết công việc kinh doanh của ông đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt kinh tế. "Các nhà đầu tư Triều Tiên không còn tiền nữa. Tôi phải hạn chế lượng hàng bán chịu cho họ vì rủi ro không được thanh toán rất cao", ông nói.
Cách Đan Đông 10 km, một chiếc cầu treo trị giá 350 triệu USD mới được xây dựng vắt qua sông biên giới Áp Lục. Một khu thương mại tự do gồm các cửa hàng, nhà kho và một loạt khu chung cư cao 20 tầng đã được xây xong bên phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn chúng vẫn đang bỏ trống. Người Triều Tiên chẳng xây dựng gì bên phía còn lại con sông Áp Lục: không có trụ sở hải quan, các cửa hàng miễn thuế, cao ốc văn phòng. Con đường trải nhựa từ cây cầu treo đột ngột mất hút trong cánh đồng ngô bỏ hoang ở phía Triều Tiên.
"Họ xây khu vực này để phục vụ thương mại xuyên biên giới, nhưng giao thương quá ít ỏi nên chỉ có doanh nghiệp địa phương đến thuê các lô đất ở đây", Su Li, chủ một nhà kho đồ gỗ trong khu thương mại, cho biết.
Giao thương suy giảm không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các thương gia Trung Quốc mà còn khiến nguồn thu của Triều Tiên ngày càng bị thu hẹp. Trung Quốc đóng góp 90% giá trị thương mại cho Triều Tiên, hầu hết thông qua Đan Đông. Giá than giảm khiến nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên bị hụt trầm trọng. Than là nguồn thu chính của Triều Tiên, chiếm hơn 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu của nước này, mang lại cho Bình Nhưỡng một tỷ USD vào năm ngoái.
Tình hình càng trở nên u ám hơn sau khi Triều Tiên tiếp tục phóng thử tên lửa đạn đạo, bao gồm vụ bắn thử tên lửa đáng lo ngại từ tàu ngầm vào đầu tháng 7.
Theo chuyên gia Pinkston, Triều Tiên xem năng lực hạt nhân là "điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế và thịnh vượng", và là "át chủ bài" để buộc thế giới phải chú ý tới Bình Nhưỡng. "Họ nghĩ rằng bom nguyên tử mang lại sự tôn trọng và thanh thế", Pinkston nói.
Trong lúc đó, các thương gia ở Đan Đông như Wu đang cố gắng cầm cự. Bà cho biết công việc kinh doanh đã giảm phân nửa kể từ khi có các lệnh trừng phạt. Thậm chí, bà cảm thấy ghen tị với những người ở bên kia biên giới.
"Người dân Triều Tiên có cuộc sống còn thoải mái hơn chúng tôi, vì họ khép mình trong thế giới riêng, không cần biết đến bên ngoài", bà nói.
Tác giả bài viết: Hồng Vân