Trong tỉnh

Dân tố cán bộ tham gia phá rừng phòng hộ Quỳ Hợp

Thêm một sai phạm liên quan đến rừng phòng hộ trên địa bàn Nghệ An bị phát giác, vụ việc lần này xảy ra tại huyện miền núi Quỳ Hợp.

Vụ việc xảy ra trên diện tích do BQL RPH Quỳ Hợp quản lý. Ảnh: Việt Khánh.

Dân tố cán bộ làm trái luật

Tháng 8/2020, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cùng nhiều đơn vị chuyên ngành đã tiếp nhận Đơn thư tố cáo về việc: Phá hoại rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Quỳ Hợp.

Nội dung đơn nêu rõ: “Trồng rừng phòng hộ nhằm mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ổn định môi trường sinh thái, ngăn lũ và giữ nước. Quan trọng là vậy nhưng một số lô, khoảnh tại xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đang xảy ra khai thác trắng rừng.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy BQL RPH Quỳ Hợp đã không tuân thủ theo quy định trước khi tiến hành khai thác. Ảnh: Việt Khánh.

Một cán bộ thuộc Trạm quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Châu Lý đã trực tiếp đứng ra ngã giá, bán khoảng 10 ha keo được trồng trên đất rừng phòng hộ cho một người dân ở bản Nguộc, xã Bắc Sơn”.

Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra hiện trường, Đoàn đã có biên bản thống nhất. Kết quả xác định hiện trường khai thác thuộc Khoảnh 7, Tiểu khu 332, thuộc địa phận xã Bắc Sơn. Qua kiểm đếm, ghi nhận diện tích này thuộc diện trồng mới 5 triệu ha rừng, được triển khai theo Đề án 661/QĐ-TTg năm 2007.

Theo thông tin phản ánh thì sai phạm nêu trên xuất phát từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong đó các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp cùng thực hiện hành vi “bán rừng” nhằm chiếm dụng tài sản trên đất công.

Việc này đã vi phạm Khoản 3, Điều 55, Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 ngày 15/11/2017.

Ông Cao Việt Hoàng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Hợp khẳng định: Đơn thư dạng nặc danh được gửi đến nhiều cơ quan, ban ngành. Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, Chi cục Kiểm Lâm đã thành lập Đoàn kiểm tra làm việc, xác minh trực tiếp tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp

Phía Ban đã cung cấp đầy đủ hồ sơ trồng và chăm sóc rừng giai đoạn đầu theo Đề án 661/QĐ-TTg, bao gồm 600 cây bản địa và 1.100 cây keo. Tiến hành trồng theo nguồn vốn của Nhà nước, từ 2007 đến nay cây keo phát triển tốt, đạt kích thước to, bước đầu Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp báo cáo có một số cây bị gãy đổ do thiên tai.

PV NNVN tiếp cận hiện trường. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Hoàng nhấn mạnh kết luận của Đoàn kiểm tra: Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đã khai thác toàn bộ cây keo, riêng cây bản địa vẫn giữ nguyên. Việc làm trên đã vi phạm Thông tư 27/2018 của Bộ NN-PTNT về hồ sơ, thủ tục khi khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ.

Theo chân cán bộ nông nghiệp huyện Quỳ Hợp và Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Vi Văn Thoại, PV đã tiếp cận được hiện trường. Đập ngay vào mắt là khoảnh rừng khá lớn có sự tác động từ bên ngoài, xung quanh vương vãi dây rợ, cành, nhánh mục. Hàng loạt thân cây với nhiều kích cỡ đã bị đốn sát tận gốc, vết tích để lại cho thấy việc khai thác diễn ra chưa quá lâu.

Xác nhận với NNVN, ông Cao Việt Hoàng khẳng định thời gian khai thác xảy ra vào đầu tháng 7/2020, hiện toàn bộ số keo đã đưa ra ngoài và tiêu thụ sạch.

Hàng loạt thân keo có đường kính lớn bị đốn hạ, lúc này toàn bộ sản phẩm đã được mang ra ngoài tiêu thụ. Ảnh: Việt Khánh.

Qua tìm hiểu được biết, việc khai thác “rừng trồng phòng hộ được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước” chỉ được diễn ra khi đơn vị chủ rừng hoàn thiện đầy đủ các bước theo quy định hiện hành (phải xây dựng phương án, phải báo cáo chi tiết đến cấp phê duyệt, chủ trương; phải được cơ quan chuyên ngành chấp thuận…)

Thế nhưng trên thực tế Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp đã cố tình lờ đi, qua đó tiến tới khai thác trắng.

Nhiều cán bộ đã bị khởi tố

Báo cáo giải trình của Sở NN-PTNT trước HĐND tỉnh Nghệ An mới đây chỉ rõ hàng loạt vấn đề bị phát giác tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn, đáng chú ý là sai phạm trong công tác quản lý tài chính.

Trong số này, Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Thành có 8 cán bộ, nhân viên bị khởi tố vì hành vi lập hồ sơ giả, hô biến hơn 30 lô đất rừng của Nhà nước thành của riêng để trục lợi bất chính. Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Nghệ An ghi nhận 4 cán bộ đã bị tòa án xét xử do chi sai 752 triệu đồng.

Thời gian qua đơn vị chức năng phát hiện hàng loạt vấn đề sai phạm tại các BQL RPH trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nổi cộm là vụ việc tại huyện Yên Thành. Ảnh: Việt Khánh.

Trong khi đó, tình hình tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương cũng “nóng ran”, hiện cơ quan chuyên môn vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Liên quan đến nội dung này, từ 2016 – 2019 Sở NN-PTNT, Sở Tài chính đã tổ chức 28 đoàn thanh tra tại 11 Ban Quản lý rừng phòng hộ. Qua đây, phát hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn đã chi trả chế độ, phụ cấp cho người lao động sai đối tượng, không trích nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm 2016-2017 hơn 333 triệu đồng.

Chưa hết, 10 đơn vị khác cũng bị phát hiện có sai phạm trong việc chấp hành pháp luật về thuế, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP