Giáo dục

Đại học kêu trời vì nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí

80% nguồn thu của các trường đại học dựa vào học phí. Ba năm qua, Chính phủ yêu cầu các trường không tăng học phí để chia sẻ với người học. Nhiều trường kêu khó khăn.

Cơ cấu nguồn thu của các trường rất khác nhau. Nguồn thu của trường đại học đến từ các nguồn chính gồm ngân sách (trường công lập), học phí, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên, nguồn thu hợp pháp khác.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỉ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế.

Đó là lý do đầu năm học 2023-2024, nhiều trường đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ đại học.

Chính vì việc không được tăng học phí theo lộ trình của nghị định 81 trong suốt ba năm nên các trường đại học tự chủ "kêu trời".

Tuổi Trẻ Online thống kê cơ cấu nguồn thu năm 2022 của các trường tự chủ, trường đại học lớn và thấy rằng học phí là nguồn thu chính của các trường. Ở một số trường đại học, ngân sách cũng chiếm tỉ trọng không nhỏ trong cơ cấu nguồn thu của trường.

Nhìn vào thống kê có thể thấy học phí chiếm từ 70-90% tổng thu của các trường. Trong khi đó nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao lại chiếm tỉ lệ khá thấp ở hầu hết các trường.

Trường đại học Kinh tế TP.HCM có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm 25% tổng thu. Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Tôn Đức Thắng có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm 5%. Tuy nhiên nguồn thu này vẫn thấp hơn rất nhiều so với học phí.

Các trường còn lại nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao không đáng kể.

Đáng chú ý nhất là Trường đại học Y Hà Nội. Đây là trường đại học duy nhất có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu, bỏ xa nguồn thu từ học phí.

Năm 2022, tổng thu của trường trên 572 tỉ đồng. Trong đó từ ngân sách 146 tỉ đồng, học phí 174,8 tỉ đồng, nguồn khác 24,7 tỉ đồng, trong khi thu từ nghiên cứu - chuyển giao lên đến gần 229 tỉ đồng, chiếm gần 40% tổng thu.

Cơ cấu nguồn thu năm 2022 của Trường ĐH Y Hà NộiNgân sách: 25.4 %Ngân sách: 25.4 %Học phí: 30.4 %Học phí: 30.4 %Nghiên cứu - Chuyểngiao: 39.8 %Nghiên cứu - Chuyểngiao: 39.8 %Khác: 4.3 %Khác: 4.3 %Ngân sáchHọc phíNghiên cứu - Chuyển giaoKhác

Với những trường đại học địa phương, việc tuyển sinh khó khăn, học phí thấp đã khiến cho nguồn thu của trường mất cân đối nghiêm trọng.

Hầu hết các trường không có nguồn thu từ nghiên cứu - chuyển giao. Hai nguồn thu chính là học phí và ngân sách. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên tuyển ít, học phí thấp khiến cho ngân sách là nguồn thu chính của các trường.

Hầu hết các trường địa phương, ngân sách chiếm từ 40% đến trên 50% tổng thu của trường. Nguồn thu khác cũng đóng góp đáng kể trong tổng thu của trường đại học địa phương. Trong khi đó, học phí cũng có tỉ lệ tương đối trong nguồn thu.

Tự chủ: học phí tăng, ngân sách giảm

Hiện nay, một số trường đại học địa phương đã thực hiện tự chủ và phần nào "cai" dần bầu sữa ngân sách như Trường đại học Trà Vinh, Trường đại học Thủ Dầu Một.

Nhìn vào cơ cấu nguồn thu có thể thấy đường học phí và ngân sách 5 năm trước tương đối gần nhau. 5 năm sau, khoảng cách giữa đường ngân sách và học phí ngày càng nới rộng.

Năm 2019, Trường đại học Thủ Dầu Một thực hiện tự chủ chi thường xuyên 30%. Đến năm 2021 tự chủ chi thường xuyên 100%. Cũng từ thời điểm này, ngân sách tỉnh Bình Dương cấp cho trường giảm dần và đến năm 2022 chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu của trường. Nguồn thu khác cũng tăng hơn 10 lần.

Mặc dù vậy, trong suốt 5 năm qua, trường không ghi nhận bất kỳ nguồn thu nào từ nghiên cứu - chuyển giao công nghệ. Tổng thu năm 2022 của trường lên đến gần 400 tỉ nhưng thu từ nghiên cứu - chuyển giao vẫn là con số 0.

Tác giả: Minh Giảng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP