Kinh tế

Đại gia Đường "bia": Từ người đạp xích lô đến cơ ngơi nghìn tỷ và chuyện DN nợ lương nhân viên, bị siết nợ

Dù nổi danh với hàng loạt các dự án lớn, khách sạn dát vàng độc nhất Việt Nam nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh của công ty ông Đường "bia" không mấy khả quan.

Từ người đạp xích lô trở thành đại gia cơ nghiệp nghìn tỷ...

Ông Nguyễn Hữu Đường còn được biết đến với biệt danh Đường "bia", là Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình. Ít ai biết được rằng, để có được sự nghiệp, cơ ngơi nghìn tỷ như ngày hôm nay, ông Đường đã phải trải qua quãng thời gian cơ cực, đi đạp xích lô.

Ông Đường sinh năm 1954, vốn là một cựu chiến binh. Sau khi xuất ngũ, ông trở thành một chủ buôn khét tiếng chuyến Bắc - Nam. Tuy nhiên, sau đó ông trắng tay khi số hàng lớn "buôn lậu" bị thu giữ toàn bộ.

Từ bỏ kinh doanh, ông trở về kiếm sống bằng việc chở thuê bia hơi bằng xích lô. Lúc bấy giờ, mức thu nhập ông nhận được cho việc vận chuyển một thùng bia là 60 đồng. Trong những ngày hè oi bức, khi nhu cầu bia tăng cao và ông phải giao nhiều hơn, ông nhận được 80 đồng cho công sức của mình. Công việc này mang lại thu nhập khá, nên ông Đường đã quyết định từ bỏ việc học lái xe để xin làm việc chính thức tại HTX sản xuất bia.

Nhận thấy tiềm năng của ngành này, năm 1986, ông Đường dùng số tiền tích cóp của bản thân để khởi nghiệp. Ông mua một miếng đất và thành lập Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình, tạo công ăn việc làm cho nhiều anh em đồng đội, trong đó có 7 thương binh. Tổ hợp của ông làm nhiều nghề như làm nút chai cho nhà máy rượu đến sản xuất nước ngọt, nước đá, đóng bia…

Tới năm 1988, khi nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển, tổ hợp đã chính thức chuyển sang mô hình nhà máy bia. Kinh doanh thuận lợi, có ngày, nhà máy kiếm được 2 – 3 cây vàng.

Sau khi chuyển đổi mô hình nhà máy, năm 1993, tổ hợp tiếp tục đổi tên thành Công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình. Đây cũng là sự kiến đánh dấu sự thành lập của một doanh nghiệp tư nhân sản xuất bia đầu tiên tại Hà Nội.

Ngoài bia, công ty cũng sản xuất các loại nước giải khát (nước có gas và nước không có gas). Trong những năm 2014 - 2015, đã có nhiều đối tác nước ngoài đến và đặt vấn đề mua lại nhà máy với số tiền cao gấp 2 - 3 lần số vốn ông Đường đã đầu tư xây dựng nhà máy.

Tuy nhiên, bất chấp việc được giá bán cao, ông Đường kiên quyết không bán nhà máy. "Bia Sài Gòn thì người Thái đã mua, bia Hà Nội cũng đang mất dần vào tay người Đan Mạch, vậy chỉ còn mỗi nhà máy bia của tôi là người Việt" – ông Đường tâm sự.

Cùng với ngành đồ uống, ông Đường bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với nhiều thương hiệu có tiếng, để đời vì "có một không hai". Một trong những dự án mang tính "biểu tượng" của Hòa Bình là tòa tháp quốc tế Hòa Bình tổng mức đầu tư 26,1 triệu USD. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng và là địa điểm nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đặt văn phòng đại diện như: Nippon, Systra, Liberty, Nissan, KFC…

Khu phức hợp Hòa Bình Green Đà Nẵng cũng là một trong những dự án làm nên tên tuổi cho Tập đoàn Hòa Bình. Dự án có bể bơi vô cực dát vàng được xây dựng nóc tòa nhà 29 tầng cùng các thiết bị vệ sinh làm từ kim loại đều được dát vàng 24k.

Hay như Khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake (Hà Nội) của Tập đoàn Hòa Bình được Tổ chức Worldkings và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (thuộc Liên minh kỷ lục thế giới – Trung ương Hội kỷ lục gia Việt Nam) xác nhận là "Khách sạn có ngoại thất bằng gạch dát vàng với số lượng trang thiết bị nội thất và các món ăn, đồ uống dát vàng nhiều nhất thế giới".

Điều đáng nói là, dù nổi danh với các công trình dát vàng nhưng bản thân đại gia Đường "bia" khẳng định, ông không hề thích vàng. "Bản thân thôi không thích vàng, nhưng trong kinh doanh, tôi biết dùng vàng để thỏa mãn suy nghĩ của người khác. Vàng thể hiện sự giàu có và quyền lực. Tôi nghĩ rằng rất nhiều người muốn được tận hưởng sự quyền quý, giàu sang.

Các dự án của tôi dùng vàng, đặc biệt là dát vàng ở nhiều chi tiết để thỏa mãn khách hàng, thỏa mãn khách du lịch. Có nghĩa là tôi tạo ra một lý do để người ta đến với khách sạn của tôi, đó là vàng", ông chia sẻ.

... đến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ triền miên

Mặc dù là doanh nghiệp nghìn tỷ, có khối tài sản khổng lồ nhưng trên thực tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này không mấy khả quan.

Hồi đầu năm 2023, dư luận xôn xao trước thông tin Công ty TNHH Hòa Bình của ông Đường muốn bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake với giá khởi điểm 250 triệu USD. Nguyên nhân là bởi, "công ty hết tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên, tôi phải đau xót bán đi niềm tự hào của mình", ông Đường cho hay. Tại thời điểm đó, ông Đường cho biết, nhân viên của công ty đã 3 tháng chưa được nhận lương.

Theo chia sẻ của đại gia này, dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, mỗi một năm công ty mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận.

Cùng với đó, hoạt động của các khách sạn thua lỗ, công ty tiến hành cơ cấu lại hoạt động, đồng thời xin chuyển 2 khu đất 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) để làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự án không được chính quyền địa phương chấp thuận nên Hòa Bình phải bán tài sản để giải quyết thanh khoản.

Bên trong khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake.

Sóng gió chưa qua được bao lâu, cách đây ít ngày, Ngân hàng Indovina lại thông báo bán khoản nợ gần 500 tỷ đồng của đại gia Đường "bia". Tài sản bảo đảm của khoản nợ bao gồm bất động sản và cổ phiếu, có tổng giá trị hơn 650 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp của ông Đường đã thua lỗ 4 năm liên tiếp với khoản lỗ lũy kế gần 230 tỷ đồng. Cụ thể, công ty báo lỗ sau thuế gần 92 tỷ đồng trong năm 2020, lỗ hơn 51 tỷ đồng năm 2021 và tiếp tục ghi nhận lỗ trong năm 2022 là hơn 33 tỷ đồng. Trong năm tài chính 2023, công ty báo lỗ ròng gần 51 tỷ đồng.

Đặc biệt, doanh nghiệp này cũng liên tục khất nợ trái phiếu vì chưa thu xếp đủ nguồn tiền để thanh toán theo kế hoạch. Năm 2023, doanh nghiệp này có 4 đợt đến hạn thanh toán lãi với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng và khoản gốc 100 tỷ đồng nhưng công ty đều xin gia hạn đến ngày 30/6/2025 do chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán tại ngày thanh toán theo kế hoạch. Hiện tại, doanh nghiệp của ông Đường cũng chưa có thời gian dự kiến thanh toán các khoản gốc, lãi của lô trái phiếu này trong thời gian tới.

Tác giả: Pha Lê

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP