Kinh tế

Công ty của đại gia hoa hậu, ông chủ khách sạn dát vàng... bị ngân hàng siết nợ

Một ngân hàng vừa rao bán khoản nợ của Công ty cổ phần Đường Man - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Hữu Đường. Ông Đường cũng là chủ sở hữu khách sạn dát vàng Dolce By Wyndham Ha Noi Golden Lake.

Công ty của đại gia Đường Bia bị ngân hàng siết nợ gần 500 tỷ đồng

Ngân hàng Indovina mới đây thông báo bán các khoản nợ hơn 1.000 tỷ của các doanh nghiệp và cá nhân trong đó có cái tên đáng chú ý là Công ty CP Đường Man.

Theo đó, giá trị nợ của Đường Man tạm tính tới ngày 30/4/2024 là hơn 482 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ bao gồm bất động sản và cổ phiếu có tổng giá trị hơn 653 tỷ đồng.

Đường Man là một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường được biết đến với tên gọi Đường "Bia" là Chủ tịch. Công ty này tự giới thiệu là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á sản xuất malt - nguyên liệu chính để sản xuất bia.

Ngân hàng thông báo bán khoản nợ 482 tỷ đồng của Công ty CP Đường Man thuộc Tập đoàn Hòa Bình do ông Nguyễn Hữu Đường với tên gọi Đường "Bia" là Chủ tịch

Hồi tháng 3/2023, ông Nguyễn Hữu Đường gây xôn xao dư luận khi thông báo rao bán khách sạn dát vàng Dolce By Wyndham Ha Noi Golden Lake với giá khởi điểm là 250 triệu USD, tức gần 6.000 tỷ đồng cho các đối tác quan tâm đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông. Lý do bán khách sạn dát vàng là để lấy vốn triển khai các dự án nhà ở xã hội, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, sau đó vị đại gia đã dừng lại kế hoạch bán với lý do tình hình công ty đã bớt khó khăn, đã thu xếp được dòng tiền để triển khai các dự án nhà ở xã hội, trung tâm thương mại ở TP.Hà Nội theo kế hoạch.

Tài sản của nữ đại gia hoa hậu bị ngân hàng rao đấu giá lần thứ 10

Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn cũng vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 10 tài sản bảo đảm của nữ đại gia L.M.N, người đã trải qua khá nhiều lĩnh vực kinh doanh từ ô tô cho tới bất động sản.

Các tài sản này bao gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 45 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM của bà L.M.N.

Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn cũng vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 10 tài sản bảo đảm của nữ đại gia hoa hậu

Giá khởi điểm bán đấu giá tài sản lần thứ 10 là 37,71 tỷ đồng (giá khởi điểm lần 1 hồi tháng 1/2023 là 60 tỷ đồng). Bà N. sở hữu tài sản này từ năm 2017. Đây là thửa đất có diện tích hơn 285m2.

Tài sản thứ hai là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Ô tô Minh Nguyệt (do bà N. làm đại diện pháp luật) tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Giá khởi điểm bán đấu giá tài sản lần thứ mười là 52,422 tỷ đồng (giá khởi điểm lần 1 hồi tháng 1/2023 là 85 tỷ đồng).

Khu đất này có diện tích 47.407m2, là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp. Trong đó, 400m2 sử dụng lâu dài và 47.007m2 sử dụng đến ngày 5/11/2057. Tại đây đang có 2 nhà kho, 1 nhà làm việc và 1 nhà ở công nhân.

Năm 2005, bà N. lập Công ty TNHH Ô tô Minh Nguyệt (thuộc Tập đoàn Minh Nguyệt) - chuyên mua bán, sửa chữa ô tô tại TP.HCM. Doanh nghiệp này đang sở hữu hai garage kinh doanh, sửa chữa ô tô tại Bình Thạnh, TP.HCM, có diện tích lên tới 3.000m2.

Tập đoàn Minh Nguyệt cũng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với việc sở hữu các dự án tại TP. Thủ Đức (TP.HCM). Doanh nghiệp này còn sở hữu nhà máy thu mua chế biến nông sản tại tỉnh Bình Phước và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Được biết, nữ đại gia này từng đoạt giải hoa hậu cách đây nhiều năm.

Loạt đại gia thép dính nợ xấu hàng trăm tỷ

Kinh doanh khó khăn, một loạt doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép có nợ xấu tới hàng trăm tỷ đồng và cũng bị ngân hàng rao bán nợ.

Trong tháng tư vừa qua, Agribank thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ trị giá xấp xỉ 361 tỷ đồng của Công ty TNHH Thép KDG Việt Nam và CTCP Đầu tư Khang Duy. Hai doanh nghiệp trên đăng ký trụ sở tại Bình Dương và TP.HCM, cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sắt, thép, gang và các cấu kiện kim loại.

Loạt doanh nghiệp thép nợ xấu hàng trăm tỷ đồng

Tính đến 31/3, giá trị sổ sách của hai khoản nợ này là 360,904 tỷ đồng. Trong đó, nợ gốc là 250,480 tỷ đồng, nợ lãi 110,424 tỷ đồng. Khoản nợ của Thép KDG có giá trị ghi sổ tạm tính đến 31/3 là 182,595 tỷ đồng. Còn khoản nợ của Khang Duy tạm tính đến 31/3 là 178,308 tỷ đồng.

Ngoài ra, Agribank đang chào bán khoản nợ của một doanh nghiệp trong ngành thép là CTCP Thép Nguyên Phát (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) với giá khởi điểm là 1,820 tỷ đồng. Đây là khoản nợ phát sinh theo hai hợp đồng tín dụng từ năm 2012. Giá trị khoản nợ tính đến tháng 1/2024 là 2,769 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 1,607 tỷ đồng.

Liên quan nợ xấu của các doanh nghiệp thép, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Hải Phòng đã trên 20 lần rao bán khoản nợ của Công ty CP Thép Việt Nhật.

Theo BIDV, tổng dư nợ của Thép Việt Nhật tính đến ngày 23/5/2022 là 447 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 194 tỷ đồng, dư nợ lãi là 253 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng nhiều lần rao bán khoản nợ của CTCP Thép Úc SSE và khoản nợ của CTCP Thép Nam Thuận. Cả hai doanh nghiệp này đều do ông Lâm Văn Hùng làm Tổng Giám đốc.

Trong đó, khoản nợ của CTCP Thép Úc SSE trị giá 183 tỷ đồng (nợ gốc 132 tỷ đồng). Khoản nợ của CTCP Thép Nam Thuận trị giá 306 tỷ đồng (nợ gốc 267 tỷ đồng). Giá khởi điểm của hai khoản nợ chỉ tương đương với dư nợ gốc của từng khoản nợ.

Tác giả: Quỳnh Chi

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP