Sáng 16/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8. Điểm mới lần này, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chính là việc không phải “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tự nói cho nhau nghe” mà có đại diện Chính phủ, Uỷ ban Trung ương MTTQVN báo cáo về nhiều nội dung liên quan; đại diện nhiều bộ ban ngành dự họp.
Các báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đại diện Chính phủ, đại diện Uỷ ban Trung ương MTTQVN cũng như các ý kiến thảo luận đều đánh giá Kỳ họp thứ 7 diễn ra thành công, được dư luận đánh giá tốt. Tuy vậy, các báo cáo và ý kiến thảo luận cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm tồn tại cũng như nêu các đề xuất để nâng cao hơn nữa chất lượng Kỳ họp tới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu. Ảnh: Quochoi.vn |
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, thời gian Kỳ họp chỉ 3 tuần, ngắn nhất kể từ đầu Khoá 14 nhưng Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật và vấn đề rất quan trọng, nhạy cảm. Kỳ họp cũng cho thấy có nhiều cải tiến, nhiều điểm tiến bộ như các đại biểu thảo luận sôi nổi, nhất là đại biểu nữ, trẻ, dân tộc thiểu số... thể hiện trách nhiệm đại biểu.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Giàu, điều đầu tiên cử tri quan tâm là số đại biểu vắng mặt quá nhiều. Do đó nên xem ai vắng có lý do chính đáng, rõ ràng cứ không phải lấy quyền đại biểu rồi quên đi nghĩa vụ.
“Có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến thì phiếu thu về quá ít. Gần 500 đại biểu mà thu về có hơn 300 là thế nào? Thế là không ổn, vì ý kiến tham khảo rất quan trọng, quyết định đến điều chỉnh trong quá trình diễn ra kỳ họp” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Về đề xuất, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng nên tiết kiệm thời gian, nhất là thời gian gửi tài liệu phải đảm bảo. “Ban chấp hành Trung ương vừa qua gửi tài liệu rất sớm, đại biểu đọc rất kỹ nên vào phát biểu rất hay. Thảo luận tổ sâu dù không cần nghe đọc báo cáo trên hội trường”.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, Kỳ họp thứ 7 diễn ra thành công trên nhiều phương diện. Mặc dù có luật “nóng”, nhiều nội dung vẫn có quan điểm khác nhau nhiều nhưng kết quả cuối cùng vẫn đạt đồng thuận cao.
Tuy vậy, qua 5 khoá, nữ đại biểu này thấy rằng, chất lượng thảo luận ở tổ tại một số đoàn đi xuống. Có hiện tượng nghỉ sớm, chất lượng thảo luận không cao ở một số tổ nên cần chấn chỉnh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Quochoi.vn |
“Tôi cũng thấy rằng, đại biểu vắng mặt quá nhiều. Có đoàn trong một buổi vắng mặt 13 đại biểu. Như vậy là không nghiêm túc. Có thể đồng chí Bí thư hay một vài đồng chí thường vụ về họp chứ làm sao cả 13 đồng chí về họp được. Có thời điểm biểu quyết vắng hàng chục đại biểu. Điều này phải chấn chỉnh” –bà Lê Thị Nga nói thẳng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ rõ, chưa có kỳ nào đại biểu vắng nhiều như tại Kỳ họp 7. Mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày trên dưới 100 người, có đoàn vắng 50%.
“Đây là thực tế, kỳ vừa qua đại biểu vắng nhiều nhất trong tất cả các kỳ họp. Nước ngoài không họp như chúng ta nhưng khi biểu quyết thì đại biểu đều tìm cách có mặt. Họ rất nghiêm túc vì đó là quyền biểu quyết. Còn ta vắng cả khi biểu quyết, do đó cần rút kinh nghiệm” – Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị đại biểu trách nhiệm hơn nữa trong việc cho ý kiến./.
Tác giả: Ngọc Thành
Nguồn tin: Báo VOV