Giáo dục

Đại biểu đề xuất bỏ quy định 'ép học thêm để thu tiền'

Hành vi "ép học sinh học thêm để thu tiền" không phải là phổ biến, luật sư Trương Thị Hòa đề nghị bỏ quy định này khỏi Luật Giáo dục.

Ngày 2/10, góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, không nhất thiết phải đưa khoản "ép buộc học sinh học thêm để thu tiền" vào Điều 69 (các hành vi nhà giáo không được làm) bởi đây không phải là hiện tượng phổ biến, mà chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".

"Mỗi lần nói về chuyện dạy thêm học thêm, không ít giáo viên nước mắt lưng tròng, ngậm ngùi về nghề. Ép buộc học sinh là như thế nào, cần phải nói rõ. Tôi nghĩ đưa quy định này vào luật sẽ làm tổn thương các nhà giáo", bà Hòa nói.

Theo luật sư Hòa, Luật Giáo dục là chính sách, nguyên lý giáo dục, đặc biệt quan tâm nhà trường, nhà giáo. Nên các điều khoản phạm vi điều chỉnh của luật phải nhấn mạnh đến những đối tượng này. Ngoài ra, dự thảo luật hiện còn bỏ qua đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong khi đóng góp của họ rất quan trọng.

"Trong điều quy định nhiệm vụ của nhà giáo, tôi đề nghị tách riêng khoản 'nêu gương tốt cho người học' phải là một mục riêng, không nên gộp chung, bởi đây là việc rất quan trọng", bà Hòa nói và cho rằng, vấn đề nhiệm vụ người học cũng bất cập tương tự với khoản "góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường, cơ sở giáo dục khác".

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý Luật Giáo dục sáng nay. Ảnh: Mạnh Tùng.

Nhà giáo không muốn lên làm quản lý

Nói về quy định Nhà giáo trong dự thảo luật, bà Lâm Hồng Lãm Thúy (Hiệu trưởng Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1) nêu, thực tế nhiều giáo viên chuyển lên phòng và sở giáo dục, trở thành công chức, thì mất phụ cấp nhà giáo. Trong khi trước đó họ là những nhà giáo có chuyên môn, năng lực và phẩm chất tốt. Quy định này sẽ khiến nhiều nhà giáo không muốn làm quản lý nữa.

Bàn rõ hơn chủ đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, Sở từng nhiều lần kiến nghị định nghĩa Nhà giáo phải bao gồm: người làm công tác giảng dạy, giáo dục và quản lý trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, theo quy định lâu nay, Nhà giáo là người giảng dạy, không bao gồm thầy cô làm hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị. Trong khi đó, ở nhiều trường hiệu trưởng vừa là công chức vừa phải tham gia giảng dạy nên công tác rất chồng chéo.

"Hiệu trưởng hết nhiệm kỳ hoặc không không đủ điều kiện năng lực, tuổi tác thì quay lại làm giáo viên, nên không thể phân biệt hiệu trưởng chỉ là công chức và không được hưởng các khoản, điều ưu đãi như một Nhà giáo. Về mặt hành chính, quy định trên không còn phù hợp", ông Hiếu nêu bất cập.

Phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cũng cho rằng, ở các đô thị lớn nên có cơ chế riêng về tiêu chuẩn sĩ số học sinh trong một lớp. Bởi nếu cứng nhắc 35-40 em mỗi lớp thì rất nhiều nơi ở TP HCM đang làm sai luật - do tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

Hay việc phân biệt các loại hình trường như hiện nay gồm công lập, dân lập, tư thục là chưa hợp lý, chỉ nên phân biệt trường dựa vào nguồn vốn đầu tư. "Một là công lập với vốn đầu tư từ nhà nước, hai là ngoài công lập với vốn từ các tổ chức, cá nhân. Trong đó, trường ngoài công lập gồm trường dân lập, tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài", ông Hiếu đề xuất.

Tác giả: Mạnh Tùng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP