Nên duyên cùng cây sáo
Nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Mão (sinh năm 1987) hay còn được gọi với biệt danh Mão Mèo là cái tên không còn xa lạ với những người yêu nghệ thuật nói chung và người yêu sáo trúc nói riêng.
Nguyễn Văn Mão sinh ra và lớn lên ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), yêu thích Kiến trúc nên ngay khi quyết định ra Hà Nội học tập, anh Mão đã chọn Đại học Kiến trúc như một bước đệm để có “công việc ổn định, làm nhà nước” như gia đình mong đợi.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mão (Mão Mèo). Ảnh NVCC. |
Thế nhưng, cũng chính cái duyên học Kiến trúc đã đánh thức đam mê thực sự của chàng sinh viên trẻ, Mão nhận ra mình thực sự có hứng thú với cây sáo và hăng hái tham gia các câu lạc bộ sáo trúc trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nhớ lại khoảng thời gian còn là sinh viên, anh Mão không thể quên bước ngoặt thay đổi cuộc đời mình khi học cùng các bạn, cùng ra trường như nhau nhưng “các bạn đi một đường còn tôi một đường”.
“Thực ra, trong quá trình học, giống như các bạn, tôi ra trường và cũng không biết mình làm gì. Trong đầu các bạn nghĩ đến học văn bằng 2, thạc sĩ, quyết định đi theo con đường học còn mình thì không.
Tôi cũng rất lo sợ và trong quá trình tôi đi học, tôi có một cái khác với các bạn là tôi có đam mê và rất thích thổi sáo dù lúc đó việc thổi sáo không giúp ích cho việc tôi ra trường kiếm sống, nuôi được bản thân”, anh Mão chia sẻ.
Cậu sinh viên năm 2, với tình yêu sáo trúc đã mạnh dạn tập hợp các bạn trẻ có chung sở thích thổi sáo. Sau một khoảng thời gian hoạt động anh Mão đã thành lập được một vài câu lạc bộ trong và ngoài trường.
Đến năm thứ 3, nhờ khả năng thẩm âm chuẩn, anh đã tìm ra lý do “dàn nhạc” của mình lạc điệu. Nguyên nhân là do các thành viên hầu hết sở hữu những cây sáo không chuẩn nên anh đã cất công tập làm sáo… tặng mọi người.
“Năm thứ 3, mình bắt đầu hình thành suy nghĩ vừa đi học vừa phát triển cây sáo. Lúc đầu chỉ biết làm sáo để sao có sáo tốt dùng, nhưng sau đó lại suy nghĩ mình đúng mà các bạn sai thì chơi không thể hay được.
Biết chơi là một chuyện nhưng khi bắt tay vào làm mới thấy rất lằng nhằng. Nghĩ là làm, tôi tìm ống nguyên liệu, tập đo từng nốt trong 1 tháng, rồi tập khoét cho đúng. Ban đầu là làm tặng nhưng sau đó tôi làm và bán cho các bạn với giá 50.000 đồng/cây”, anh Mão kể.
Chặng đường theo đuổi đam mê với cây sáo trúc |
“Tôi luôn nhìn thấy thành công phía trước chứ không nhìn thấy thất bại”
Từ ý tưởng mang đến cây sáo tốt phục vụ các thành viên, anh Mão vấp phải hai luồng suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng giữa việc học theo mong muốn của gia đình và đam mê thực sự của bản thân.
“Ngay từ thời điểm đầu, tôi bị ảnh hưởng nhiều thứ và suy nghĩ tại sao không học lại đi bán sáo. Đấu tranh giữa việc đi bán hàng hay tiếp tục học theo mong muốn của gia đình. Tôi đến với Kiến trúc vì sở thích nhưng cuối cùng thấy không hợp nữa nên quyết định rẽ ngang”, anh Mão nói.
Đam mê được đánh thức ngay khi anh Mão còn giang dở việc học hành nên quá trình phát triền cây sáo gặp không ít khó khăn. Thời điểm đầu, anh phải cân bằng vừa học vừa làm, cân bằng giữa ước mơ của bố mẹ phải có bằng đại học và tư tưởng của thời sinh viên bấy giờ gây nhiều áp lực.
Thế nhưng, vượt qua tất cả chàng trai nhiệt huyết đã đi đúng hướng, tìm đúng đường. Anh luôn quan niệm, là một người làm về nghệ thuật, công việc liên quan đến nghệ thuật thì chỉ có khi vui, cảm xúc tốt mới làm tâm huyết được nên bí quyết làm việc của anh là cân bằng cảm xúc.
“Tôi làm một cây sáo, khi tâm trạng không tốt tôi không thể làm hay được, không đủ tập trung để biết âm thanh đó có hay hay không. Trong quá trình làm có nhiều công đoạn, chỉ cần tôi không tập trung, mất cảm xúc sẽ không làm được sáo”, anh Mão tâm sự.
Chàng trai khi ấy mới ngoài đôi mươi luôn coi cảm xúc là một phần tất yếu của sự thành công, mỗi khi nản anh thường tìm đến một công việc khác để giải khuây, đến khi vui vẻ mới tiếp tục công việc làm sáo. Anh Mão khẳng định: “Tôi luôn nhìn thấy thành công phía trước chứ không nhìn thấy thất bại”.
Trong suốt quá trình theo đuổi đam mê, anh Mão không thể quên dấu ấn những ngày ở công viên Nghĩa Đô. Tập làm sáo phải khoét lỗ bằng dao, lực tay đang rất mạnh và không may dao gãy mũi khiến tay anh bị đứt gần một ngón.
Quên đau đớn, chàng trai ấy chỉ kịp băng bó rồi tiếp tục khoét sáo hăng say. “Mình băng bó rồi làm bình thường để quên đi cái đau nhưng khi không làm, nghĩ đến nó lại đau. Thực sự lúc đó nhập tâm nên không nghĩ gì đến đau đớn cả”, anh Mão kể về kỷ niệm xương máu đã giúp anh vượt qua được nhiều khó khăn sau này.
Giờ đây, khi sở hữu trong tay 23 cửa hàng sáo, là chủ nhiệm CLB sáo trúc Hà Nội, mang thương hiệu “Sáo trúc Mão Mèo” tới 20 quốc gia, anh đã chứng minh con đường mình đi là đúng đắn.
Bắt đầu từ sở thích cá nhân, sau đó có thêm một người bạn ủng hộ và hiện nay xưởng của anh Mão đã có số lượng người làm lên tới 20 người. Sự quyết tâm chinh phục đam mê của anh đã được đền đáp xứng đáng.
Khi đang ở đỉnh cao của chặng đường, chàng trai xứ Nghệ vạch ra định hướng muốn đem cây sáo phát triển khắp Đông Nam Á và rộng hơn là mang thương hiệu “Sáo trúc Mão Mèo” đến với bạn bè quốc tế.
Tác giả: Mai Chi
Nguồn tin: Báo Công lý