Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa công bố quyết định xử phạt CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) của bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ của doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) do vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin.
Theo đó, cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường Gia Lai chính thức bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 15/2. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cổ phiếu này không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Quốc Cường Gia Lai của nhà ông Nguyễn Quốc Cường liên tục dính tai tiếng về những sai phạm về công bố thông tin kể từ khi lên sàn năm 2010 và đã nhiều lần bị xử phạt. Cổ phiếu QCG cũng là một trong số ít cổ phiếu có biến động rất mạnh, có lúc tăng 5-7 lần trong vài tháng, nhưng cũng có khoảng thời gian giảm tới 80-90% giá trị như trong thời gian năm 2018 vừa qua.
Cuối 2018, QCG bị cáo buộc về những “ma trận nợ ngàn tỷ” cũng như những giao dịch góp, thoái vốn mà không báo cáo. Trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2017, QCG có 14 giao dịch góp, thoái vốn trị giá hơn 3,2 ngàn tỷ đồng không được báo cáo đúng quy định.
Theo giải trinh của QCG, do liên tục có sự thay đổi nhân sự thư ký quản trị công ty nên quá trình cập nhật các quy định quản trị còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin. Phía công ty cũng thừa nhận đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất.
Cổ phiếu QCG bị đưa vào diện cảnh báo |
Cũng theo giải trình, QCG cho biết là “đã thiếu sót là chưa công bố các nội dung nghị quyết liên quan chủ trương trong quá trình triển khai thực hiện. Công ty đã thiếu sót không công bố thông tin kịp thời chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính".
Gần đây, QCG cũng có những giải trình về khối nợ gần 8.400 tỷ đồng và những giao dịch lòng vòng với Công ty Giai Việt và một số giao dịch bất thường khác.
Bà Loan sau đó cũng thừa nhận, các nội dung thuyết minh trên báo cáo tài chính không diễn đạt chi tiết quá trình, nguyên nhân, thực trạng liên quan đến các giao dịch, hoạt động kinh doanh của QCG nên đã không tránh khỏi việc đặt ra các câu hỏi các giao dịch, tình hình hoạt động kinh doanh, ghi nhận doanh thu, chi phí tại Quốc Cường Gia Lai đã hợp lý? Và các giá trị định giá khi chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng có phù hợp?.
Cổ phiếu QCG hiện ở vùng thấp nhất trong hơn 1 năm qua: 4.500 đồng/cp, so với mức khoảng 26.000 đồng (giá điều chỉnh) hồi cuối 2017.
Gia đình nhà Cường đô la vẫn nắm giữ phần lớn cổ phiếu. Cổ đông nhỏ gặp nhiều khó khăn. |
QCG của bà Nguyễn Thị Như Loan còn dính tai tiếng mua đất vàng giá rẻ và các dự án giậm chân tại chỗ nhiều năm. Trong năm 2018 vừa qua, doanh nghiệp nhà Cường đô la đối mặt với rất nhiều sóng gió, chịu chung số phận đen đủi cùng với nguyên phó bí thư thường trực TP.HCM Tất Thành Cang.
Theo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông Tất Thành Cang sai phạm trong nguyên tắc tập trung dân chủ và quy định về chuyển nhượng dự án. Theo đó, ông Cang đã đồng ý chủ trương cho Công ty Tân Thuận (100% vốn của Văn phòng Thành uỷ) chuyển nhượng hơn 320.000 m2 đất vàng tại dự án Khu dân cư Phước Kiển cho CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) với giá 1,29 triệu đồng/m2. QCG sau đó đã trả lại mảnh đất này.
QCG hiện vẫn ở trong tình trạng nợ nần chồng chất, dự án cái chậm trễ 10 năm, cái bị thu hồi.
Ông Nguyễn Quốc Cường rời QCG và cưới người đẹp Đàm Thu Trang. |
Trong khi mẹ xoay xở giữa tai tiếng đất vàng và sai phạm công bố thông tin, còn QCG chìm trong khó khăn, kinh doanh bết bát, oằn mình trả nợ, thì ông Nguyễn Quốc Cường vẫn nổi đình đám vào hotgirl và siêu xe. Sau Hà Hồ, Hạ Vi, Cường đô la gần đây nổi đình đám cùng chân dài Đàm Thu Trang.
Nguyễn Quốc Cường vừa khoe thông tin cưới người đẹp Lạng Sơn Đàm Thu Trang và siêu xe McLaren 720s có tốc độ chạy thực tế lên tới trên 300km/h.
|
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn khá ảm đạm. Tuy nhiên, yếu tố tích cực là khối ngoại đẩy mạnh mua vào.
Trong phiên cuối Mậu Tuất, hoạt động cơ cấu danh mục của VFMVN30 ETF khiến thị trường trở nên sôi động hơn. VN-Index chốt ở mức 908,67 điểm. Nhiều cổ phiếu chủ chốt tăng điểm như: Eximbank, Masan, VietinBank, VietJet,...
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn tươi sáng hơn trong các dự báo.
Chứng khoản Bảo Việt dự báo, thị trường sẽ tăng điểm trong phiên giao dịch đầu phiên sau kỳ nghỉ lễ. Dù vậy, diễn biến của chỉ số sẽ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ biến động của thị trường thế giới. Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao qua kỳ nghỉ Tết dài ngày sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tỷ trọng danh mục giai đoạn này được khống chế tối đa ở mức 20-25% cổ phiếu. Các hoạt động trading có thể được xem xét nếu thị trường có tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng sau kỳ nghỉ lễ".
Theo MBS, VN-Index đã khép lại năm Mậu Tuất ở 908,67 điểm, diễn biến phiên cuối năm cùng với đợt cơ cấu của ETF nội không thực sự có nhiều ý nghĩa. Thanh khoản lớn là dấu hiệu tích cực duy nhất vì thể hiện nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đặt cược cho thị trường sau Tết.
Các thông tin bên ngoài lúc này dù tốt hay xấu cũng không tác động đến thị trường nữa, nếu trong thời gian nghỉ Tết mà bên ngoài xấu thì lại may cho thị trường, sau kỳ nghỉ lễ sẽ có các diễn biến mới hơn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/1, VN-Index giảm 1,98 điểm xuống 908,67 điểm; HNX-Index tăng 0,46 điểm lên 103,34 điểm. Upcom-Index tăng 0,14 điểm lên 54,81 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 160 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: H. Tú
Nguồn tin: Báo VietNamNet