Xã hội

Cuộc trùng phùng đầy xúc động sau 28 năm biệt tích vì đi nhầm tàu

12 tuổi, vì giận bố mà anh Danh rủ bạn nhảy tàu hỏa đi “bụi”. Chuyến tàu đó đã đưa anh Danh tới nơi cách nhà cả ngàn km. Không nhớ đường về, anh Danh lạc gia đình từ đó…


Anh Huệ kể về hành trình vào Khánh Hòa gặp anh trai mình


Chuyến tàu định mệnh

Nhiều ngày qua, bà Nguyễn Thị Yên (SN 1940, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vô cùng hạnh phúc vì đứa con trai thất lạc suốt 28 năm đã trở về.

Khuôn mặt rạng ngời, bà Yên cho biết: “Bao nhiêu năm biệt tích, cứ tưởng con trai đã chết ở nơi nào rồi. Giờ con trở về, tôi mừng lắm. Chỉ tiếc ông nhà tôi không sống được đến ngày con trở về. Ngày ông ấy mất vẫn luôn canh cánh việc thằng Danh còn sống hay đã chết”.

Bà Yên và chồng là ông Nguyễn Văn Trầm có với nhau 6 người con. Dù hàng ngày, ông bà đều cần mẫn làm lụng nhưng cảnh nhà vẫn khó khăn. Trong 6 người con, anh Nguyễn Văn Danh (SN 1976) là con thứ 5 và có phần ngỗ ngược hơn cả. Tuổi còn nhỏ nhưng anh Danh đã sớm theo bạn bè tụ tập, quậy phá trong làng.

Năm 12 tuổi, anh Danh cùng bạn chọc phá đồ của nhà hàng xóm nên bị bố đánh. Giận bố, anh Danh rủ thêm người bạn thân nhảy tàu đi “bụi” lên huyện Nghĩa Đàn khi trong túi chỉ có mấy đồng bạc lẻ. Nhà gần ga Quỳnh Mỹ nên anh Danh cùng bạn nhanh chóng thực hiện hành trình bỏ nhà đi của mình.

Lần đó, anh Danh đã lên nhầm chuyến tàu vào tận Nha Trang. Nơi đất khách quê người, anh Danh lại lạc mất bạn. Hai tuần sau, bạn của anh Danh tìm được đường về nhà. Thấy bạn con về, vợ chồng ông Trầm vội chạy đến hỏi thăm tin tức nhưng cũng chỉ biết nơi thất lạc ở ga Nha Trang.

Nhà nghèo, ông Trầm vẫn bắt xe vào Nam tìm con. Gần 1 tuần ông Trầm đi khắp các ngõ hẻm, hỏi thăm khắp nơi nhưng không ai biết tung tích của anh Danh. Hết tiền, không người quen biết, ông Trầm đành trở về.

Thương con, ông Trầm suy nghĩ rồi sức khỏe yếu dần. Về sau, vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, vợ chồng ông Trầm không tiếp tục tìm anh Danh nữa.


Bà Yên nhớ lại giây phút đoàn tụ với đứa con trai sau 28 năm thất lạc


Bà Yên chia sẻ: “Suốt thời gian con mất tích, tôi thường nằm mơ thấy thằng Danh gọi mẹ. Những lúc như vậy, tôi linh cảm rằng nó đã chết ở phương trời nào rồi”. Lại nói về phần anh Danh, sau khi lạc bạn, anh đã phải làm rất nhiều việc để kiếm miếng ăn. Về sau, có một người phụ nữ đã nhận cưu mang anh.

Có mái nhà để ở, có người chăm lo cho miếng ăn nhưng anh Danh vô cùng nhớ bố mẹ, nhớ gia đình. Năm 1997, bằng ít ký ức mơ hồ, anh Danh lần về Nghệ An. Hỏi dò nhiều ngày, anh Danh cũng tìm về được huyện Quỳnh Lưu.

Anh Danh cho biết: “Tôi không nhớ quê mình ở xã nào cả, chỉ nhớ có một lèn đá nơi tôi cùng bạn hay chơi đùa. Thật không may cho tôi, ngày về lèn đá ấy đã bị người ta khai thác hết. Tôi mất phương hướng, không biết đâu là nhà của mình nữa”.

Anh Danh đành quay lại Khánh Hòa. Rồi anh quen với chị Nguyễn Thị Hạnh. Không lâu sau, hai người tổ chức lễ cưới. Có vợ, có con, anh Danh đành gác lại việc tìm kiếm gốc gác của mình.

Tìm được quê hương nhờ ký ức về người chú bị cụt tay

Thời gian thấm thoắt trôi qua, ông Trầm vì nhớ thương con mà sinh bạo bệnh rồi mất vào năm 2003. Bà Yên tâm sự: “Ngày ông ấy ra đi, tâm nguyện lớn nhất vẫn là tìm lại người con trai bị mất tích. Bản thân tôi cũng thương con lắm nhưng không hề có manh mối nào nên không biết chỗ nào mà tìm con”.

Trong khi thông tin về anh Danh ngày càng mờ nhạt thì cuối năm 2015, gia đình bà Yên bỗng nhận được thông tin có người ở Khánh Hòa cần gặp. Ban đầu, cứ ngỡ người nào gọi nhầm nhưng khi anh Nguyễn Văn Huệ (SN 1981, con út của bà Yên) nhận điện thoại xong thì reo lên là đã tìm thấy anh Danh.

Giây phút nghe thông tin đó, bà Yên lặng người. Bà không dám tin đó là sự thật, bà sợ đây chỉ là một giấc mơ.

Nhân duyên tìm lại được gia đình mình của anh Danh cũng rất đặc biệt. Vì cùng đi biển với nhau nên anh Danh quen một người ở Nghệ An. Trong cuộc nhậu, lúc hỏi thăm quê quán của nhau, anh Danh và người bạn đó khá bất ngờ khi biết mình cùng quê.

Người bạn cho biết mình ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, anh Danh sực nhớ hình như mình có người chú cũng ở xã này.


Khi anh Nguyễn Văn Huệ (SN 1981, con út của bà Yên) nhận điện thoại xong thì reo lên là đã tìm thấy anh Danh


Anh Danh chia sẻ: “Chú ấy tên Duyên là giáo viên dạy trường làng và bị cụt tay”. Nghe anh Danh nói xong, người bạn này vui mừng cho biết mình chính là học trò của thầy Duyên đó. Cú điện thoại từ phương xa được kết nối và anh Danh đã tìm lại được gia đình của mình.

Ngay trong đêm đó, hai người anh trai của anh Danh đã lên đường vào Khánh Hòa. Sau khi gặp và xác nhận đó chính là em trai của mình, hai người anh này đã đón vợ chồng em trai về quê.

Tháng chạp, trời lạnh căm nhưng bà Yên cứ đứng đầu ngõ chờ đợi con. Khi anh Danh xuất hiện, người mẹ này ôm chầm lấy con mừng mừng, tủi tủi. “Tôi chỉ biết ôm con khóc, không nói được gì. Dù xa nhau thời gian dài nhưng nó vẫn giống lúc xưa”, bà Yên xúc động nói. Cũng ngày hôm đó, gia đình đã tổ chức liên hoan ăn mừng trước sự kiện anh Danh trở về.

Nhiều người trong xóm đã đến chia vui cùng gia đình bà Yên. Ông Nguyễn Tân Thế (xóm trưởng xóm 7, nơi gia đình bà Yên sinh sống) cho biết: “Việc Danh mất tích, chúng tôi ai cũng biết và thương bà Yên mất đi đứa con của mình. Biết tin Danh còn sống và trở về đoàn tụ cùng gia đình, chúng tôi ai cũng vui và chúc mừng cho sự đoàn tụ của mẹ con bà Yên”.

Anh Huệ vui vẻ chia sẻ: “Bao năm nay, mẹ vẫn luôn nhắc đến anh. Nay anh trở về là điều quá tốt, anh em chúng tôi lại được đoàn tụ. Nhờ chuyện này mà mẹ tôi khỏe hẳn lên, không giống như trước đây lúc nào cũng rầu rĩ”.

Tháng 3 vừa rồi, bà Yên đã vào Khánh Hòa thăm gia đình con trai. Tìm được con của mình, bà Yên rất vui nhưng khi biết cuộc sống của con còn khó khăn bà lại thương con đến rơi nước mắt.

“Tôi đang động viên thằng Danh đưa vợ con về quê sinh sống để mẹ con, anh em được gần nhau chứ trong đó chúng cũng vất vả. Thằng Danh cũng xuôi xuôi rồi nhưng không biết khi nào thì nó mới về đây nữa”, bà Yên tâm sự.

  Từ khóa: tới nơi ,tàu hỏa ,gia đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP