Trong nước

Cứ nghĩ đến giá đất là "lạnh hết cả người"!

"Với những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm cho đất đai biến dạng, trở nên nhạy cảm, phức tạp và đôi khi nóng, sốt. Cứ nghĩ đến đất, giá đất, nhiều người muốn sở hữu nó cứ lạnh hết cả người".

Sáng 14/11, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) thẳng thắn, đất đai vốn không tự phức tạp, nhưng với những tác động, các mối quan hệ qua lại đã làm cho nó biến dạng, trở nên nhạy cảm, phức tạp và đôi khi nóng, sốt. "Cứ nghĩ đến đất, giá đất, nhiều người muốn sở hữu nó cứ lạnh hết cả người", ông Mai nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Ảnh: Phạm Thắng).

Với những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo như luật hiện hành với nhiều luật khác, ông Mai tán thành cao với việc sửa đổi Luật Đất đai như tờ trình của Chính phủ.

Dù vậy, ông đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định tại khoản 5 Điều 68 dự thảo luật về nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nội dung "quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thể hiện đến từng thửa đất".

"Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, cho nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định. Đối với các địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về đất đai trên phạm vi toàn huyện thì không thể thực hiện theo quy định nêu trên", ông Mai phân tích.

"Phải đặt vấn đề về bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân"

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đánh giá, quá trình thu hồi đất đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho phát triển đô thị và công bằng xã hội. Điều 86 dự thảo luật quy định "trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng", theo ông, là rất rộng. Cần quy định cụ thể như trước đây chúng ta đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp năm 2014, từ quan điểm "tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật cho phép" thành "tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật không cấm".

Từ quan điểm như vậy, đại biểu đề nghị cần xác định giá đất khi giải tỏa, đền bù cần quy định lại và làm rõ. Nếu nhà nước trưng mua đất để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải có quy hoạch và đền bù theo giá nhà nước quy định theo bảng giá đất được công bố hàng năm.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Ảnh: Phạm Thắng).

"Nếu thu hồi đất doanh nghiệp để làm dự án phải bồi thường theo giá thị trường và thỏa thuận với dân. Việc này do chủ đầu tư trực tiếp làm, chính quyền không nên làm rồi lại giao mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay, nảy sinh rất nhiều khiếu kiện kéo dài mà nhà nước đang phải gồng mình khắc phục, xử lý. Nói như vậy không có nghĩa là ta không tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tuy nhiên chúng ta phải đặt vấn đề về bình đẳng giữa doanh nghiệp và người dân", đại biểu tỉnh Bình Phước nêu quan điểm.

Đáng chú ý, ông Tuấn Anh dẫn ra khảo sát cho thấy khung giá đất của nhà nước chỉ bằng khoảng 20% khung giá đất thị trường, khung giá đất của cấp tỉnh cũng chỉ bằng từ 30-60% giá thị trường.

Cần làm rõ mục đích, điều kiện thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất, vì hiện nay không ít trường hợp bị lạm dụng. Ông đề nghị chỉ nên thu hồi đất vì mục đích quốc phòng. Việc thu hồi đất vì mục đích phúc lợi công cộng cũng phải được nêu rõ trong luật. Riêng giao đất cho khu kinh tế thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường.

Đại biểu phân tích, thực tế cho thấy, thiệt hại của thu hồi đất mà người dân gánh chịu không chỉ bao hàm quyền sử dụng đất mà còn rất nhiều tài sản khác gắn liền hoặc liên quan đến sinh kế. Nhìn phố cổ Hà Nội hiện nay, việc người dân chen chúc, tạm bợ, chật chội trong các nhà chỉ vài m2 trên một đầu người không phải do thiếu chỗ ở tốt hơn mà chính là sinh kế.

"Chúng ta đang giao cho cấp xã trọng trách quá nặng"

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phản ánh, qua tổng kết thực tiễn gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của luật này.

"Do giá đất cụ thể được UBND cấp tỉnh xác định luôn thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường nên đã làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tình trạng này không những không giảm mà còn tăng lên", ông Bình nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Ảnh: Phạm Thắng).

Thế nhưng, khoản 1 Điều 164 về bảng giá đất và Điều 165 về giá đất được đưa ra trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn tiếp tục quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể.

Trong khi đó, dự thảo chưa có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên theo như tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

"Do đó, sẽ khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất. Từ đó đề nghị nên chăng có một cơ quan độc lập với UBND cấp tỉnh để định giá đất hay cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể", đại biểu kiến nghị.

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) khẳng định, Luật Đất đai liên quan đến nhiều luật, do vậy cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không để cùng một vấn đề lại được quy định, điều chỉnh bằng nhiều luật khác nhau.

Dự thảo luật lần này đã quy định chi tiết hơn một số nguyên tắc, trường hợp tiêu chí thu hồi đất, bồi thường, tái định cư. Song trong thực tế, việc thuyết phục người dân, người sử dụng đất hợp pháp đồng thuận với việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng không hề đơn giản.

Đại biểu tỉnh Hà Nam đề nghị rà soát lại quy định về các dự án, công trình thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng. Nghiên cứu, xem xét thêm quy định về thẩm quyền thu hồi đất, vì dường như chúng ta đang giao cho cấp xã trọng trách quá nặng.

"Cấp tỉnh, cấp huyện thì ra quyết định thu hồi đất nhưng cấp xã phải tổ chức họp dân để phổ biến, thuyết phục, vận động là rất khó khăn, bởi đây là cấp hành chính thấp nhất và không đơn giản để nắm rõ, hiểu thấu đáo, đầy đủ nội dung của các dự án để giải thích, thuyết phục, vận động người dân, mặc dù đây là cấp gần dân nhất", ông Thắng phân tích.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP