Trong tỉnh

Đại biểu Quốc hội khóa XV tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4 tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn

Cử tri huyện Nam Đàn kiến nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nội dung chất lượng cũng như giá bán sách giáo khoa; cần có sự thống nhất đồng bộ một bộ sách giáo khoa cho từng cấp học để tạo điều kiện cho học sinh yên tâm học tập.

Chiều 11/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XV đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Nguyễn Thị Hồng Hoa – Bí thư Huyện ủy Nam Đàn.

Quang cảnh hội nghị

Sớm có chính sách, chiến lược về phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả

Mở đầu hội nghị, cử tri đã được thông báo về dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; thông tin về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Cử tri huyện Nam Đàn kiến nghị UBND tỉnh có chế độ hỗ trợ ngoài chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và xóm, thôn, khối vì chế độ hiện tại còn thấp so với tính chất công việc vì sau sáp nhập, các xóm, thôn, khối có diện tích rộng hơn, dân cư đông hơn. Đề nghị Quốc hội, các ban, ngành quan tâm ban hành các chính sách hỗ trợ cho ngành Y tế nói chung, Y tế cơ sở nói riêng để đủ nhân lực, vật lực phục vụ nhân dân.

Cử tri Đoàn Thị Oanh ở xã Nam Cát nêu ý kiến

Cử tri Đoàn Thị Oanh nêu lên thực trạng: Trong nhiều năm qua, giá cả vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng quá cao, trong khi đó thị trường đầu ra và giá sản phẩm nông nghiệp thấp, không ổn định, đời sống người nông dân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều vì người nông dân và doanh nghiệp không mặn mà đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp. Cử tri đề nghị Quốc hội sớm có chính sách, chiến lược về phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả để khắc phục tình trạng trên. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội sớm thực hiện chính sách nâng lượng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang... vì hiện nay mức lương cho các đối tượng này là quá thấp so với mức thu nhập chung trong xã hội.

Cũng theo bà Oanh, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Đàn và nhiều địa phương khác trong cả nước có rất nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang để hoang do đã chuyển sang xây dựng trụ sở mới/thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính; song việc thanh lý các loại tài sản công này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mỹ quan của địa phương, đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm có chính sách tháo gỡ.

Cử tri Trương Quốc Toàn ở xã Nam Giang đề nghị Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chính sách nâng mức phụ cấp cho các Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công

Cử tri Phan Sỹ Quân – xã Nam Giang đề nghị cần nghiên cứu đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá để tránh việc tăng giá tùy tiện

Cử tri Phan Sỹ Quân đề nghị Nhà nước cần phải có các giải pháp để quản lý giá sách giáo khoa, bảo đảm không tăng giá bất hợp lý, mức giá phải phù hợp với mức thu nhập của đại bộ phận người dân. Cùng với đó, cần thống nhất một bộ sách giáo khoa cho từng cấp học vì hiện nay đang ban hành các bộ sách khác nhau gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh.

Các cử tri cũng đề nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm sớm đầu tư mở rộng tuyến Quốc lộ 46 đoạn từ Cầu Mượu qua xã Kim Liên, lên Thị trấn Nam Đàn. Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm quy hoạch tưới tiêu vùng Nam Cát để phục vụ sản xuất nông nghiệp; có giải pháp bình ổn giá cả hàng hóa, bởi khi giá xăng tăng thì giá hàng hóa tăng theo, nhưng thời gian qua giá xăng đã giảm nhiều lần song giá hàng hóa, thực phẩm vẫn còn ở mức cao, ảnh hưởng đến đời sống của người dân; tiếp tục cho cơ chế hỗ trợ 20% kinh phí mua sắm máy nông nghiệp cho người dân, tạo điều kiện để nông dân cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn.

Đồng thời, cử tri cũng đề nghị Trung ương cần tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác đấu tranh, xử lý phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, vì hiện nay cấp Trung ương thực hiện rất mạnh, nhưng các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; kiến nghị Quốc hội cần sửa đổi bổ sung tăng khung hình phạt đối với tội tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thật nặng và nghiêm khắc để răn đe, giáo dục....

Từng bước giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu

Liên quan đến các ý kiến, kiến nghị cụ thể của cử tri, đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tiếp thu, làm rõ. Về hạ tầng giao thông, đối với dự án Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 46 đoạn Vinh – Nam Đàn, Bí thư Tỉnh ủy cho biết hiện nay tỉnh đã đề xuất với Trung ương để đưa vào nguồn đầu tư công. Trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát tuyến đường này và giao UBND tỉnh Nghệ An nghiên cứu phương án nối tuyến đường này với tuyến cao tốc Bắc – Nam để có tuyến đường cao tốc về quê Bác. Tỉnh đang phối hợp với Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phương án này. Đối với tuyến đường 529C, tỉnh đang giao Sở GTVT triển khai thực hiện. Đối với đường tỉnh lộ 539, đề nghị Sở GTVT phối hợp với huyện Nam Đàn nghiên cứu để bảo trì mặt đường hiện đang xuống cấp...

Về trụ sở cơ quan nhà nước sau sáp nhập, tại Kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra tháng 5/2021, UBND tỉnh cam kết trong năm 2023 sẽ giải quyết dứt điểm nội dung này. Đối với các khối, xóm, bản có nhà văn hóa dôi dư, cần nghiên cứu giải quyết theo hướng nâng cấp mở rộng nhà văn hóa xóm sau sáp nhập, đồng thời sử dụng nhà văn hóa xóm còn lại thành nơi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt đoàn thể. Tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, kiểm tra việc thực hiện nội dung này.

Đối với chính sách người có công, thờ cúng liệt sỹ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Thanh Quý mong muốn các cử tri có sự chia sẻ với tỉnh. Bởi vì, Nghệ An là tỉnh có số lượng người có công với cách mạng lớn, mỗi năm tỉnh chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho nhiệm vụ này. Trong thời gian qua, tỉnh luôn chỉ đạo các cấp địa phương chi trả kịp thời, đúng đối tượng. Về các chế độ chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh xin tiếp thu kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm từng bước nâng lên phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Về chế độ chính sách cán bộ thôn, bản, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết, trong thời gian qua, tỉnh đã cố gắng vận dụng tối đa khung chính sách theo quyết định của Trung ương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ cố gắng nghiên cứu xem xét, căn cứ nguồn lực, có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ thôn, xóm, khối, bản trong từng giai đoạn cụ thể.

Đối với các kiến nghị liên quan đến sách giáo khoa, đồng chí Thái Thanh Quý cho biết Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo cụ thể về giá sách và đảm bảo sách có chất lượng, ổn định lâu dài, sử dụng được nhiều lần. Tới đây, Quốc hội sẽ nghiên cứu xem xét đưa sách giáo khoa vào danh mục sản phẩm để xem xét định giá.

Về công tác phòng, chống tham nhũng “trên nóng dưới lạnh”, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã có chỉ đạo xuyên suốt về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế; trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo huyện, xã thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Tác giả: Kim Oanh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP