Kinh tế

Cú lừa nghìn tỷ của GFDI: Khoe bỏ tiền vào đâu để có lợi nhuận 50%?

Theo các khách hàng, GFDI giới thiệu đầu tư vào nhiều lĩnh vực như: bất động sản, làm phim, game, nhà hàng… nên họ đã tin tưởng gửi tiền vào đây.

Anh T.T.T.V (trú quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) cho biết, ban đầu anh và một người bạn góp vốn đầu tư vào Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư GFDI với số tiền 120 triệu đồng. Lãi suất năm đầu tiên mà 2 người nhận được là 60 triệu đồng, tương đương 50%.

Thấy công ty trả lãi suất cao và đúng hẹn, bên cạnh đó công ty còn giới thiệu đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhiều dự án nên anh V. càng tin tưởng hơn và rủ người thân cùng đầu tư.

Trụ sở GFDI trên đường 29/3, TP. Đà Nẵng.

“Họ giới thiệu đầu tư vào nhiều lĩnh vực lắm, gồm: bất động sản, văn phòng cho thuê, nhà hàng, làm phim, tài trợ bóng đá, làm game, chứng khoán, vàng... Tuy nhiên tôi cũng chỉ biết chung chung vậy thôi chứ không biết tên dự án nào cụ thể cả, giờ không biết là có thật không. Có nhà hàng Làng Nghệ là đúng nhưng nhà hàng đó thì được mấy đồng”, anh V. nói.

Phòng Quản lý dự án của GFDI cách trụ sở hơn 100m.

Cô H.T.C. (trú quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho hay, năm 2021, cô được nhân viên của GFDI mời tham gia đầu tư vào công ty. Để cô C. tin tưởng, nhân viên này đưa cô C. đến buổi giới thiệu của công ty do ông Nguyễn Quang Hoàng, Giám đốc công ty chủ trì.

Ông Hoàng giới thiệu công ty đầu tư làm phim, chứng khoán và có những trang trại chăn nuôi hàng nghìn hecta. Mọi thắc mắc của khách hàng đều được ông Hoàng giải đáp cụ thể.

Bên trong Phòng quản lý dự án.

Sau buổi này, cô C. quyết định đầu tư vào GFDI 200 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng. Thấy công ty trả lãi cao và đúng hạn, cô C. tiếp tục đầu tư với kỳ 6 tháng, 9 tháng. Sau khi lấy được tiền gốc và một khoản tiền lãi, cô C. quyết định dừng lại vì nghĩ công ty sẽ có ngày như hôm nay.

“Họ chăm sóc mình chu đáo lắm. Trung thu có quà, Tết có quà, chưa bao giờ trả lãi trễ hẹn cả. Vừa rồi, nhân viên đến gặp cô tặng 4 phiếu ăn tại nhà hàng Làng Nghệ và mời cô tiếp tục tham gia nhưng cô bảo cô chưa có tiền”, cô C. kể.

Trong bức tâm thư lan truyền trên mạng xã hội tối 5/11 được cho là của ông Nguyễn Quang Hoàng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, GFDI đang hoạt động trong 6 lĩnh vực, gồm: Quản lý vốn, F&B, Sản xuất hàng tiêu dùng ốc Thương mại, G-Media, Kinh doanh và phân phối bất động sản, Thể thao điện tử.

Nhà hàng Làng Nghệ đã đóng cửa.

Theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, ngày đầu thành lập, công ty có vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

Đến tháng 3/2019, GFDI nâng vốn điều lệ từ 1 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng. Vào tháng 11/2019, GFDI đã đưa một ô tô nhãn hiệu BMW thế chấp cho khoản vay của công ty tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong. Tháng 10/2021, GFDI tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng và 80 tỷ đồng vào tháng 12/2022.

Theo ghi nhận của PV tại Đà Nẵng, ngoài trụ sở của Công ty trên đường 29/3 (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), cũng trên đường 29/3, cách đó hơn 100m là căn nhà cấp 4 với dòng chữ: "GFDI – Phòng quản lý dự án”. Hiện căn nhà này đã đóng cửa.

Tại nhà hàng Làng Nghệ (trên đường Lê Lợi, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cũng đã đóng cửa. Bên trong hầu như không thấy đồ đạc gì nữa.

Trước khi xảy ra sự việc, GFDI giới thiệu có nhiều văn phòng, chi nhánh khắp tỉnh thành trên cả nước như: Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Trị, Khánh Hoà, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa- Vũng Tàu…. với gần chục nghìn khách hàng và hàng trăm nhân viên.

Ngày 8/11, Công an TP. Đà Nẵng đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính, Sở giao dịch hội sở của Công ty GFDI và nhà riêng của Nguyễn Quang Hoàng cùng các đối tượng có liên quan.

Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP. Đà Nẵng) xác định, Công ty GFDI thành lập năm 2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng (tại địa chỉ trụ sở chính tại số 92, đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), do ông Nguyễn Quang Hoàng là Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.

Tuy nhiên, trong các hợp đồng ký với khách hàng, ông Nguyễn Quang Hoàng là Tổng Giám đốc.

Từ khi thành lập cho đến nay, Nguyễn Quang Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết “Hợp đồng vay tài sản”.

Từ tháng 11/2023, do việc đầu tư kinh doanh thua lỗ, mất khả năng tài chính nên để duy trì hoạt động của công ty, Nguyễn Quang Hoàng đã tổ chức, chỉ đạo cho nhân viên “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng vay tiền, sử dụng tiền vay của người sau trả cho người trước.

Đến đầu tháng 11/2024, công ty mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.

Tác giả: Khánh Hồng

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP