Trong tỉnh

Công ty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An: Chậm cổ phần hóa, người lao động lo lắng

Ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An, đã có Quyết định 6107/QĐ-UBND cho phép cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An trên cơ sở văn bản chấp thuận vào ngày 8/12/2017 của Chính phủ cho phép Nghệ An tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên cho đến nay công tác cổ phần hóa vẫn dẫm chân tại chỗ, khiến người lao động lo lắng, không biết tương lai sẽ đi về đâu.

Người lao động lo lắng không yên tâm

Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su tiền thân là Công ty Đầu tư sản xuất và XNK Cà phê - Cao su Nghệ An, là một doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập trên cơ sở sáp nhập 7 nông trường quốc doanh vùng Phủ Quỳ từ năm 1997.

Sau nhiều thời điểm tách, nhập, đến nay công ty này gồm có 1 bộ phận văn phòng, 5 nông trường và 1 Xí nghiệp chế biến Cà phê - Cao su, nằm trải đều trên địa phận thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn, với 26 đội sản xuất, gần 2.000 cán bộ công nhân viên và hơn 4.000 ha đất được giao quản lý.

Sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, phía Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An cũng đã đứng trước nhiều phương án đề xuất, lựa chọn. Cuối cùng, vào ngày 18/12/2017, UBND tỉnh Nghệ An, đã có Quyết định 6107/QĐ-UBND cho phép cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, Nhà nước nắm cổ phần chi phối đối với Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su. Thời điểm đơn vị này xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là từ 0h, ngày 1/1/2018.

Nông trường Tây Hiếu I là một trong những đơn vị lớn của Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, tính đến thời điểm hiện tại đang quản lý hơn 1.700 ha đất (gần một nửa tổng diện tích cả công ty), với 8 đội sản xuất và hơn 800 cán bộ công nhân viên. Nhiều công nhân vô cùng lo lắng vì không hiểu sao nói cổ phần hóa nhưng mãi vẫn không thấy động tĩnh gì.

Chị Bùi Thị Ngân, một công nhân lao động lo lắng vì đất càng ngày càng bị thu hẹp mà cổ phần hóa vẫn dậm chân tại chỗ

Tại Nông trường Đông Hiếu, là đơn vị bị thu hồi đất nhiều nhất để bàn giao cho tập đoàn TH Truemilk, nhiều công nhân lao động vô cùng lo lắng. Một nữ công nhân cho biết: “Cổ phần hóa thì cổ phần hóa đi, sau đó thế nào thì cũng để công nhân lao động chúng tôi biết mà lo lắng cho tương lai".

Ông Hứa Anh Văn, Giám đốc Nông trường Đông Hiếu, cho biết: “Việc đo đạc đất đai, định giá tài sản cũng đã được tiến hành. Còn việc khi nào cổ phần hóa và sau khi cổ phần hóa, người lao động được mua bao nhiêu cổ phiếu thì chưa biết được”.

Ngoài ra, mới đây UBND tỉnh Nghệ An, quyết định thu hồi 41.650m2 đất sản xuất phi nông nghiệp tại xã Tây Hiếu, với lý do nhà máy chế biến cao su nằm trong danh mục ô nhiễm môi trường phải di dời. Ngoài ra việc thu hồi đất nói trên, là UBND tỉnh Nghệ An cần tiền để thanh toán cho CIENCO 4, nhà đầu tư thực hiện dự án BT xây dựng cầu Hiếu II với tổng kinh phí 200 tỉ đồng.

Khu đất 41650 m2 mà UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định thu hồi

Ông Phan Văn Ngân, Phó Tổng Giám đốc Cty Cà phê cao su Nghệ An cho biết: “Hiện tại công ty đã thực hiện các bước, khi mọi việc định giá trị doanh nghiệp xong xuôi và được cơ quan chức năng thẩm định, thông qua thì mới chính thức lên kế hoạch bán cổ phiếu… Sau nhiều lần Cty bị thu hồi diện tích đất lớn, nhiều công nhân lo lắng, bất an, Cty mong UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm hoàn thành việc cổ phần hóa Cty, để công nhân lao động yên tâm sản xuất.

Việc đấu giá đất sớm sẽ góp phần làm ổn định tình hình tâm lý của công nhân. Cty cũng kiến nghị UBND tỉnh sau khi thu được tiền từ việc đấu giá đất xí nghiệp, xem xét hỗ trợ Cty một phần kinh phí để di dời nhà máy vào địa điểm mới, mua sắm trang thiết bị để sớm đi vào hoạt động”.

Ông Hoảng Trong Kỷ, Tổ trưởng tổ giúp việc ban chỉ đạo cổ phần hóa, sở Nông Nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An, cho biết: “Hiện tại chưa thống nhất được phương án sử dụng đất vì thị xã Thái Hòa có công văn 540, yêu cầu công ty TNHH MTV Cà phê- cao su, phải chuyển giao hơn 280 ha đất, nhưng công ty không đồng ý vì chưa có phương án thu hồi giải phóng mặt bằng vì đất trồng cây lâu năm. Nếu chặt thì công nhân không có việc làm. Chính vì thế, hiện nay UBND tỉnh đang giao cho các cơ quan chức năng giải quyết về phương án đất đai để tiến hành cổ phần hóa”.

Tác giả: HOÀNG TÙNG

Nguồn tin: Báo Dân sinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP