Bầu chọn công tâm, khách quan
Trao đổi với phóng viên bên hành lang Đại hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết, sau khi nghe nội dung báo cáo về nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, các đại biểu đều thấy rằng, công tác này đã được làm rất công phu, chu đáo, thận trọng. Về cơ cấu, thành phần nhân sự nhiệm kỳ này, ông Tuấn cho biết, cơ cấu nhân sự trong danh sách đề cử lần này rất hợp lý, có tái cử, có mới, có kế thừa, có đổi mới, có địa phương, Trung ương.
Đại biểu tỉnh Trà Vinh bày tỏ mong muốn những người trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải tâm huyết, trách nhiệm với Đảng với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng kỳ vọng, các Ủy viên Trung ương khóa XIII sẽ tích cực nghiên cứu các chỉ tiêu, mục tiêu mà Đại hội XIII đã đề ra, vận dụng, nâng cao hiệu quả công tác, từ đó góp phần đưa đất nước phát triển vững mạnh, phồn vinh, nhân dân ấm no hạnh phúc.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Trầm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Tiền Giang cho biết, qua thảo luận thấy rằng, công tác nhân sự kỳ này được chuẩn bị rất chặt chẽ, công phu, bài bản. Ông Trầm kỳ vọng, Đại hội sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất.
Đại biểu Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang khẳng định, với trách nhiệm của mình, đại biểu sẽ nghiên cứu kỹ và thể hiện chính kiến một cách công tâm, khách quan, dân chủ, góp phần lựa chọn một Ban Chấp hành Trung ương thực sự tiêu biểu, đủ tầm lãnh đạo đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tiến bộ hơn.
Lựa chọn đúng người là yếu tố quyết định
Theo quan điểm của đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và cải cách mạnh mẽ về thể chế cũng như nguồn nhân lực, đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0, các lĩnh vực đột phá của đất nước trong thời kỳ hội nhập, tiếp đến là bộ máy đủ mạnh để lãnh đạo đất nước. Đảng ta đã có những bước chuẩn bị công tác nhân sự rất bài bản, công phu và khoa học, có quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng, với tinh thần chủ đạo: “Vừa có đức vừa có tài”.
Trên cơ sở đó, đại biểu Đồng cho rằng, để đưa đất nước tiến bộ và phát triển hơn thì yếu tố con người là quyết định. Chính vì vậy, cần cân nhắc, suy nghĩ và nghiên cứu kỹ Đề án nhân sự cũng như hồ sơ cá nhân để lựa chọn những người đủ phẩm chất, năng lực, đủ tâm, đủ tầm, lựa chọn những người quan tâm tới đời sống của người dân, đặt mục tiêu chăm lo hạnh phúc của nhân dân lên trên hết.
Cùng trao đổi vấn đề này, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, một trong những khâu đột phá chiến lược được văn kiện Đại hội đặt ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới và những năm tiếp theo. “Tôi tin Đại hội lần này sẽ thành công tốt đẹp, công tác nhân sự được làm cẩn trọng, chặt chẽ, dân chủ. Đại hội sẽ sáng suốt bầu chọn ra những nhân sự tiêu biểu để Ban Chấp hành khóa XIII thực sự là tập thể đoàn kết, tiêu biểu về trí tuệ, năng lực và uy tín để lãnh đạo đất nước bước vào giai đoạn mới”, đại biểu Hà Thị Nga nói.
Theo đánh giá của đại biểu Trần Công Thắng, Chủ tịch MTTQ tỉnh Bắc Giang, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được làm rất công phu, bài bản và chặt chẽ, đặc biệt chú trọng về chất lượng trên cơ sở bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Theo đại biểu Thắng, việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thực sự dân chủ, khách quan, công tâm và đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Bảo vệ cán bộ “6 dám”
Bên cạnh việc bầu chọn nhân sự vào Ban chấp hành Trung ương khoá mới, vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm cũng nhận được sự quan tâm của báo chí và các đại biểu tham dự Đại hội. Trao đổi với phóng viên, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm đã được nêu trong văn kiện trình Đại hội. Đánh giá đây là vấn đề rất quan trọng, ông Lộc bày tỏ mong muốn, Trung ương sẽ sớm ban hành quy chế bảo vệ cán bộ “6 dám”: “Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”.
Theo đại biểu Lộc, nếu hoàn thiện được cơ chế này, chúng ta sẽ khuyến khích và phát huy được sự đột phá, sáng tạo của cán bộ vì sự nghiệp chung. Chủ tịch VCCI cho rằng, trong thời gian qua, khi nghiên cứu các mô hình phát triển cho thấy, chỉ có trên cơ sở đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên, dũng cảm đổi mới sáng tạo, không theo tư duy và cách thức lối mòn, tìm ra phương thức mới để phát triển, như vậy mới có thể hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng. “Trong trường hợp này cần có cơ chế bảo vệ cán bộ. Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân, thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cho các cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân”, ông Lộc khẳng định.
Các đại biểu tại phiên thảo luận ngày 27/1 |
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh đánh giá, văn kiện Đại hội XIII đã xác định cơ chế bảo vệ cán bộ dám đương đầu, dám đổi mới và đây là điều rất tốt. Điều này giúp cán bộ vững tâm, vững lòng hơn khi có những đổi mới sáng tạo vì sự phát triển, vì lợi ích sự nghiệp chung của đất nước.
“Muốn cho đất nước đổi mới theo hướng tích cực, rất cần có những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, vì lợi ích của nhân dân. Đặc biệt, cần có những đột phá nắm bắt thời cơ để tạo nên những bước phát triển mới”, ông Tuấn cho hay, đồng thời bày tỏ kỳ vọng, trong nhiệm kỳ XIII sẽ có nhiều cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tư duy đổi mới. “Trong quá trình hội nhập nếu không có những đổi mới theo hướng tích cực thì khó có thể hội nhập được thành công”, ông Tuấn cho hay.
Cùng quan điểm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Châu Ngọc Tuấn đánh giá, đây là một cơ chế rất tốt để bảo vệ cán bộ để hướng tới sự phát triển mới. Theo ông Tuấn, trong quá trình thảo luận, một số đại biểu cũng đã nêu việc vừa qua chúng ta có xử lý kỷ luật một số cán bộ vi phạm. Do đó có những cán bộ làm việc cầm chừng, sợ sai sót. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, theo tinh thần của văn kiện, nếu như cán bộ làm đúng, cán bộ có bản lĩnh, làm việc vì lợi ích chung thì không có gì phải lo lắng.
“Một bài học được rút ra đó là trong quá trình thực hiện, nếu có điều gì vướng mắc, cần phát huy dân chủ, xin chủ trương từ cấp trên để làm rõ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Xem xét các trường hợp nhân sự ứng cử, đề cử bổ sung Theo thông cáo báo chí về ngày làm việc thứ tư của Đại hội XIII, ngày 29/1, Đại hội làm việc cả ngày tại đoàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII. Cụ thể, buổi sáng, các đại biểu tiếp tục nghiên cứu tài liệu và thảo luận về nhân sự được dự kiến giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII; ghi phiếu ứng cử, đề cử (bổ sung) vào Ban Chấp hành. Sau đó, Tiểu ban Nhân sự nhận báo cáo của các đoàn về việc ứng cử, đề cử. Đoàn Chủ tịch nghe các Trưởng đoàn báo cáo về danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung). Buổi chiều, Đoàn Chủ tịch thông báo tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đến các đoàn. Các đại biểu ghi phiếu xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử. Tiếp đó, Đoàn Chủ tịch họp để xem xét các trường hợp xin rút khỏi danh sách ứng cử, đề cử. Đoàn Thư ký xin ý kiến Đoàn Chủ tịch về những vấn đề Đại hội cần biểu quyết trong các văn kiện Đại hội XIII. |
Tác giả: LUÂN DŨNG - VĂN KIÊN
Nguồn tin: Báo Tiền phong