Du lịch

Công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Đền Hoàng Mười”

Ngày 6/11,huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tổ chức công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai hội Đền Hoàng Mười năm 2019. Tham dự có đại diện Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các sở, ban, ngành, các huyện,thị,thành phố cùng đông đảo bà con nhân dân địa phương..

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Lễ hội Đền Hoàng Mười là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. (Ảnh báo nghệ an)

Theo đó, Ban tổ chức đã công bố Quyết định số 2970/QĐ - BVHTTDL ký ngày 27/8/2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trao Bằng công nhậnLễ hội Đền Hoàng Mười (ở xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Ông Hoàng Mười là một "Đức Thánh Minh" trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng Đạo Mẫu, được nhiều người ngưỡng mộ và được thờ ở nhiều địa phương trong nước. Ông được giao cai quản về tâm linh - trấn giữ một vùng non nước dọc sông Lam, nên những nơi thờ Tứ Phủ theo Đạo mẫu Nghệ An đều thờ ông, nhưng chỉ là phối thờ. Còn đền thờ chính Ông Hoàng Mười ở xã Hưng Thịnh - Hưng Nguyên, đền có tên là đền Xuân Am (theo địa danh làng Xuân Am) hay Mỏ Hạc Linh Từ (theo địa hình thế đất núi sông của thuyết phong thủy).

Đền nằm ở vị trí cảnh quan đẹp với phong cảnh non xanh nước biếc thật hữu tình. Trước mặt đền (hướng Nam) là dòng Lam giang như một dải lụa xanh trải rộng, thuyền bè tấp nập ngược xuôi sông Cồn Mộc quanh co, uốn khúc ôm ấp quanh đền, đôi bờ là những đồng lúa bát ngát, xanh tươi. Phía sau, bên kia sông Cồn Mộc là núi Kỳ Lân, núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô với những dấu tích lịch sử, những rừng thông, bạch đàn bạt ngàn tươi tốt. Ngoài cảnh đẹp kỳ thú, từ lâu, đền đã nổi tiếng linh thiêng vì ở đây ngoài thờ Quan Hoàng Mười theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, còn phối thờ các vị Song Đồng Ngọc Nữ Vị Quốc Công Thái Bảo Phúc Quận Công, Phụ Quốc Thượng Tướng quân Nguyễn Duy Lạc.

Đền được xây dựng từ thời Hậu Lê. Trải qua thời gian, đền đã bị xuống cấp. Năm 1995, thể theo nguyện vọng của nhân dân, đền đã được tôn tạo, phục hồi trên cơ sở khung nhà cũ gồm nhà hạ điện, thượng điện, tả vu, hữu vu, đài Cửa Trùng, điện Cô Chín và khu mộ Ông Hoàng Mười. Hàng năm, tại đền có lễ hội rước sắc vào dịp 14/3 và lễ giỗ ông Hoàng Mười vào dịp 10/10 ÂL. Đây là lễ hội vượt phạm vi một làng, một vùng, thu hút nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc về tham dự.

Đền Hoàng Mười đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Tại đền còn lưu giữ 21 sắc phong do các triều đại phong kiến Việt Nam ban tặng.

Đền Ông Hoàng Mười – Mỏ Hạc Linh Từ (Hưng Nguyên, Nghệ An). Ảnh TL

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười diễn ra từ mùng 8 đến 10/10 ÂL, nhưng trước đó, trong suốt tháng 9, tháng 10 ÂL, trung bình mỗi ngày đền đã đón khoảng hàng trăm lượt du khách về làm lễ. Đông nhất vẫn là khách đến từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình... Nhiều du khách do ở xa chờ làm lễ nên phải thuê phòng trọ ngay trước đền.

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm lễ khai quang, lễ rước bài vị, đạo sắc từ làng Xuân Am về đền, lễ yết cáo, lễ đại tế và cuối cùng là lễ tạ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian diễn ra trong hai ngày mùng 9 và mùng 10 thu hút nhân dân trong huyện Hưng Nguyên tham gia như giải bóng chuyền các xã, trò chơi nhảy bao bố, kéo co, chọi gà, giao lưu văn nghệ …

Lễ hội Đền Hoàng Mười năm 2019 và công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là dịp để du khách hành hương về với vùng đất có truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng, nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và du khách thập phương.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: Báo Công luận

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP