Du lịch

Sự cố nhớ đời của khách Việt tại Thái Lan

THÁI LAN - Dù mọi người xô nhau chạy tán loạn, chồng Loan vẫn ngồi bình tĩnh trong nhà hàng vì nghĩ "chắc là có diễn viên, ca sĩ nào đó xuất hiện".

Đầu tháng 9, Như Ý, nữ du khách 27 tuổi đến từ Bình Dương lên kế hoạch đi Thái Lan 3 ngày 2 đêm cùng nhóm bạn. Mọi chuyện trong chuyến đi diễn ra suôn sẻ cho đến khi họ ra sân bay về nước.

Vali mà Như Ý mang theo cỡ 24 inch và được nhân viên quầy vé thông báo là quá khổ so với kích thước chuẩn cho hành lý xách tay. Do đó, cô phải ký gửi, đóng thêm 1.850 baht (1,4 triệu đồng). Điều khiến Như Ý bất ngờ là khi bay từ Việt Nam sang, cô không bị ai nhắc nhở về việc mang hành lý xách tay quá cỡ. Trước đó, Ý từng du lịch Mỹ, Singapore, Campuchia, Thái Lan, và cũng chưa từng gặp tình huống tương tự.

Ngọc Truyền, người bạn đi cùng Như Ý cũng phải đóng thêm 1.850 baht cho một thùng hành lý ký gửi. Tuy nhiên do lúc đó khá bối rối, nên Truyền đã đưa hết số tiền cô đang có, gần 2.900 baht (hơn 2,2 triệu đồng) cho nhân viên quầy vé. Người này sau khi đếm tiền, chỉ trả lại 40 baht (khoảng 30.000 đồng). Khi làm xong thủ tục nhập cảnh, hai cô gái mới có thời gian kiểm tra lại hóa đơn. Lúc đó, họ mới phát hiện đã bị trả lại thiếu tiền. Số tiền đáng lẽ Truyền được trả lại phải là hơn 1.000 baht (gần 770.000 đồng).

Ngọc Truyền chụp ảnh tại chùa Wat Arun trước khi ra sân bay. Ảnh: NVCC.

Như Ý cho biết, mang hành lý quá cỡ là lỗi của cô, do không tìm hiểu kỹ các quy định. Tuy nhiên, cô vẫn muốn chia sẻ câu chuyện của mình để độc giả có thêm kinh nghiệm và có thể tránh được sự cố đáng tiếc như Ý từng gặp phải, không bị mất tiền "oan".

Đầu tháng 8, Thanh Loan, 27 tuổi, đến từ Hà Nội, cùng chồng đi ăn tại trung tâm thương mại Mega Bangna, tỉnh Samut Prakan. Mải chọn đồ nên cô không để ý xung quanh mình không một bóng người, kể cả nhân viên. Khi một người của quán kêu lên: "Nguy hiểm! Chạy, chạy! Nhanh lên", Loan mới nhìn ra ngoài cửa. Trước mắt cô là cảnh tượng hàng trăm người đang kéo nhau chạy. Cô gái trẻ sợ hãi, vội ra phía chồng và kéo anh tìm cách thoát hiểm.

Nữ du khách chia sẻ đó là một trải nghiệm đáng sợ với cô. "Tuy nhiên người Thái sau khi chạy ra đến quảng trường vẫn tụ tập đứng nói chuyện chứ không có sợ hãi như tôi", Loan nói. Ảnh: Lê Thanh Loan.

Chuông báo động liên tục reo lên trong trung tâm thương mại. Loan và chồng lúc đó chỉ biết chạy mà không biết sự cố là gì. Cho đến khi ra bên ngoài, cô mới biết là chuông báo cháy. Cảnh sát, an ninh tòa nhà cũng có mặt để khắc phục sự cố. Về chồng mình, Loan chia sẻ, ban đầu anh vẫn bình tĩnh và không chạy, dù thấy mọi người hỗn loạn. Anh nghĩ có ca sĩ, diên viên ngôi sao Thái Lan nào đó xuất hiện như những lần trước.

Linh Đan, 27 tuổi sống tại TP HCM, gặp sự cố ngay trong ngày đầu tiên đặt chân tới Bangkok hồi đầu tháng 3. Khi bắt taxi từ sân bay về khách sạn, tài xế yêu cầu cô đưa điện thoại để họ mở bản đồ tìm đường. Lúc xuống xe, tài xế luôn hối thúc nhóm cô xuống thật nhanh. Ban đầu, nữ du khách không nghi ngờ vì cho rằng đó là giờ cao điểm, tài xế sợ tắc đường. Nhưng khi vào khách sạn và phát hiện quên điện thoại, nhóm Đan đã gọi ngay cho lái xe. Tuy nhiên, người này không nghe máy.

Linh Đan (đứng giữa) cùng gia đình đi Thái Lan 5 ngày 4 đêm. Trước đó, cô từng đi du lịch Singapore, Malaysia. Ảnh: NVCC.

Hơn một giờ trôi qua, họ mới có thể nói chuyện được với tài xế. Người này yêu cầu nhóm Đan trả 1.000 baht (gần 770.000 đồng) thì mới quay lại đưa điện thoại. Nhóm cô từ chối vì cho rằng số tiền đó quá nhiều và nhờ lễ tân khách sạn nói chuyện giúp. Đan đồng ý trả tiền cước từ nơi tài xế đang đứng đến chỗ mình, và gửi thêm một ít tiền để cảm ơn. Nhưng khi lễ tân cầm máy nói chuyện, người đàn ông đã tắt máy. Nhóm của chị phải gọi thêm vài lần nữa, người này mới nghe. Cuối cùng tài xế hẹn ra chỗ cách khách sạn khoảng 200 m và nhận 300 baht (230.000 đồng).

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP